Doanh nghiệpKinh doanh

Sau 8 năm cay đắng, trà bí đao Wonderfarm bất ngờ hồi sinh

Công ty Interfood nổi tiếng với sản phẩm trà bí đao Wonderfarm trải qua 8 năm liên tục thua lỗ, nhưng vừa bất ngờ có lợi nhuận trở lại trong năm nay và ngay lập tức được niêm yết trên sàn chứng khoán.Sau 8 năm cay đắng, trà bí đao Wonderfarm bất ngờ hồi sinh

Công ty cổ phần thực phẩm quốc tế (Interfood) là cái tên sở hữu thương hiệu Wonderfarm và thương hiệu nổi tiếng Nhật Bản Kirin. Trong đó, Wonderfarm có các dòng sản phẩm như Trà Bí Đao, Nước Yến Ngân Nhĩ, Nước Me còn Kirin có Latte, Ice+, Tea Break…

Interfood là một trong những cái tên đình đám của sàn chứng khoán Việt Nam. Lên sàn từ tháng 10/2016, Interfood với kết quả kinh doanh sáng sủa thu hút nhiều nhà đầu tư, giá cổ phiếu những ngày đầu lên tới 50.000 đồng/cổ phiếu.

Năm 2007, Interfood tiếp tục có lãi nhưng bắt đầu từ năm 2008, hoạt động của công ty bắt đầu sa sút, liên tục thua lỗ. Năm 2008, Interfood báo lỗ tới 304 tỷ đồng.

Trong suốt giai đoạn từ 2008 đến nay, chỉ có năm 2010 Interfood đạt lợi nhuận khoảng 7 tỷ đồng, còn các năm khác đều lỗ. Kết quả là cổ phiếu IFS của công ty bị hủy niêm yết từ năm 2013 và tính đến cuối năm 2015 lỗ lũy kế 852 tỷ đồng.

Tuy nhiên mới đây, Interfood đã được chấp thuận trở lại sàn chứng khoán và chính thức niêm yết từ ngày hôm nay (16/11) trên UPCoM, với giá 3.000 đồng/cổ phiếu. 9 tháng của năm 2016, Interfood đã có lợi nhuận 33 tỷ đồng. Đây là điều bất ngờ, bởi kế hoạch mà IFS đặt ra cho năm nay là lỗ tiếp khoảng 57 tỷ đồng.

Interfood được thành lập năm 1991 với hoạt động chính ban đầu là chế biến nông sản, thủy sản thành sản phẩm đóng hộp sấy khô, ướp đông, ướp muối và ngâm dấm để xuất khẩu với vốn đầu tư ban đầu 1,14 triệu USD.

Đến năm 1994, Interfood mở rộng kinh doanh bằng cách thâm nhập vào thị trường bánh, và đến năm 2003 tiến vào thị trường nước trái cây có ga và nước trái cây có độ cồn nhẹ (5%).

Năm 2005, Interfood được phép sản xuất thêm các loại nước tinh khiết và chai PET, sang năm 2006 thì công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, nhưng từ khoảng thời gian này về sau, hoạt động kinh doanh Interfood bắt đầu đi xuống do khủng hoảng kinh tế.

Sau khi liên tục thua lỗ, năm 2011 Interfood được tập đoàn Kirin tham gia tái cấu trúc, với tỷ lệ sở hữu 57% vốn. Kirin sau đó đã liên tục tăng tỷ lệ sở hữu tại Interfood và đến nay sở hữu 95,66%.

Tuy nhiên, sau khi Kirin sở hữu Interfood, công ty vẫn thua lỗ thêm 4 năm liền và phải đến năm nay mới bắt đầu có lợi nhuận trở lại. Theo một báo cáo gần đây của Nielsen, thị trường đồ uống không cồn đang sụt giảm trong thời gian gần đây, trong khi các sản phẩm bia lại tăng trưởng mạnh.

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close