Câu chuyệnKinh doanh
Sau bão, thuyền trưởng Masan giương cờ “dấn bước”
Không tăng trưởng, khủng hoảng giá heo hơi, dòng tiền âm không lợi nhuận… Đứng trước các khó khăn này, Masan đang nỗ lực để xoay chuyển tình thế.
Những nhân viên Masan mang đồng phục dài tay phủ kín phòng, trật tự nghe vị lãnh đạo của mình nói về chiến lược “Keep Going” (Tiếp tục dấn bước). Thuyền trưởng Masan Nguyễn Đăng Quang cũng trong trang phục áo đồng phục dài tay. Như cách lý giải của ông, nó biểu trưng cho chặng đường dài và nhiều thử thách cần chinh phục trong tương lai.
Một đại hội cổ đông diễn ra sang trọng với tông màu xanh đen chủ đạo và quyền lực. Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang đích thân đăng đàn, trải lòng sâu sắc về câu chuyện những năm qua của Tập đoàn Masan cũng như con đường phía trước. Là một người có lối dẫn chuyện truyền cảm hứng, thỉnh thoảng, ông tỏ ra lạc quan, phát biểu có phần “lên gân” về tương lai kinh doanh của 4 mảng trọng yếu trong tập đoàn này gồm: tiêu dùng Masan Consumer (MCH), nông nghiệp tiêu dùng Masan Nutri-Science (MNS), tài nguyên Masan Resources (MSR) và ngân hàng Techcombank (TCB).
Trong lúc ông Quang say sưa nói về tầm nhìn của Masan Group và những nỗ lực “vượt bão” của Tập đoàn, thì giới truyền thông cũng đã đăng tải về kết quả kinh doanh quý I/2018, ít nhiều làm dịu lòng giới đầu tư, bởi tình hình kinh doanh trước đó của Masan có phần xuống phong độ. Theo đó, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của Masan quý I/2018 tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2017 (đạt 816 tỉ đồng).
Có thể thấy gì trong câu chuyện Masan thời gian qua và nỗ lực cải thiện hiệu quả kinh doanh của họ trong thời gian tới?
Khép kín chuỗi giá trị
Năm 2017 có thể nói là chặng đường gập ghềnh nhất với Masan Group khi doanh thu hai mảng hàng tiêu dùng và nông nghiệp tiêu dùng (mảng kinh doanh nền tảng trụ cột của Masan) có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu mảng hàng tiêu dùng giảm hơn 9% (từ 14.826 tỉ đồng năm 2016 xuống 13.526 tỉ đồng năm 2017), trong lúc doanh thu mảng nông nghiệp tiêu dùng giảm khá sâu, đến 23% (từ 24.422 tỉ đồng năm 2016 xuống còn 18.690 tỉ đồng năm 2017).
2017 cũng là năm duy nhất doanh thu thuần của Tập đoàn giảm sau giai đoạn 4 năm tăng trưởng (2013-2017). Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang cũng đã lên tiếng: “Thành công không đến từ bước chân đầu tiên, mà đến từ việc học qua trải nghiệm của chính mình, qua các đúc kết, biến thành chiến lược, tận tâm theo đuổi nó để có kết quả cuối cùng!”.
Rõ ràng, trong 4 mảng kinh doanh của Masan thì tập đoàn này phải vật lộn nhiều nhất với mảng kinh doanh nông nghiệp tiêu dùng (tích hợp của mô hình 3F “từ trang trại đến bàn ăn”). Đại diện của mảng này là Masan Nutri-Science (MNS), đơn vị đã và đang phải đối mặt với cơn bão “khủng hoảng giá heo”. Do giá thịt heo xuống rất thấp, có khi chạm đáy 23.000 đồng/kg, xuất phát từ nguyên nhân thừa cung do tác động từ phía thị trường Trung Quốc và những lý do khác, đã kéo theo thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam bị thu hẹp đáng kể, từ mức sản lượng 6,3 triệu tấn năm 2016 xuống chỉ còn một nửa năm 2017.
Người nông dân phải đứng trước 2 sự lựa chọn đầy đau đớn, một là từ bỏ hoàn toàn chăn nuôi heo, hai là tiết giảm chi phí tối đa bằng cách dùng sản phẩm thức ăn tự làm thay cho việc mua thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Trên thực tế, khối lượng thức ăn do người nông dân tự trộn đã lên đến khoảng 0,7 triệu tấn trong thời gian qua, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của Masan.
Điểm đáng chú ý là Masan đang nắm gần 82,4% cổ phần của ANCO (Công ty Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế) và ANCO thì nắm gần 24,94% tỉ lệ sở hữu của Công ty Vissan. Dù gián tiếp sở hữu cổ phần tương đối lớn tại Vissan, nhưng thương vụ này còn quá sớm để Masan có thể tận dụng được nhiều hơn lợi thế của Vissan, đặc biệt là với mạng lưới hơn 150.000 điểm phân phối.
Bên cạnh đó, tính đến tháng 3.2017, ngoài ANCO là cổ đông lớn nắm giữ 24,94% thì Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng đang nắm giữ hơn 67,76% của Vissan. Việc thỏa hiệp với đối tác nhà nước về mặt chiến lược tại Vissan cũng không phải là bài toán dễ dàng với Masan. Dự báo đến cuối năm 2018, khi sản phẩm “thịt có thương hiệu” của Masan chào sân, câu chuyện tận dụng nguồn lực của Vissan mới được thấy rõ. Khi đó, nếu tích cực, sẽ có thể giúp cải thiện tăng trưởng của Masan.
Song song đó, chính doanh thu mảng chăn nuôi gia súc của Masan cũng đã giảm hơn 23,4% (từ năm 2016 đến năm 2017). Diễn tiến đến quý I/2018, tình hình tiếp tục còn nghiêm trọng hơn khi doanh thu giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước (từ 5.353 tỉ đồng xuống còn 3.201 tỉ đồng).
Masan cũng đang phải tự cứu theo cách tái cấu trúc sản phẩm. Hiện tại, các sản phẩm thức ăn chăn nuôi chủ lực của Masan đang được sản xuất với thương hiệu mẹ là Bio-zeem. Trong bối cảnh người nông dân chuyển sang các loại thức ăn chăn nuôi tự trộn với giá rẻ hơn do tình hình khó khăn, Masan đã tung ra Bio-zeem “Đỏ” với mức giá thấp hơn dòng sản phẩm truyền thống là Bio-zeem “Xanh” để kích cầu trong giai đoạn này. Đồng thời, đây cũng là cách để chuyển đổi người nông dân sang sử dụng các loại thức ăn chăn nuôi thương mại với hiệu suất cao hơn thay vì tự trộn.
Đồng thời, Masan cũng đang nỗ lực cải thiện tình hình chăn nuôi với chiến lược mới. Mục tiêu đến cuối năm 2018, Masan sẽ bắt đầu bán sản phẩm “thịt heo mát có thương hiệu”. Đây được xem như một sự nhảy vọt về tư duy, tập trung vào thị hiếu “ăn ngon ăn sạch” của người dân thay cho tập quán ăn “thịt nóng” nhưng thiếu vệ sinh. Chiến lược bán “thịt heo có thương hiệu” là chữ F cuối cùng trong nền tảng 3F (Feed-Farm-Food) nhằm khép kín chuỗi giá trị thịt của Tập đoàn.
Để chuẩn bị cho chiến lược này, tháng 12.2017, trang trại chăn nuôi heo kỹ thuật cao của Masan tại Nghệ An đã chính thức đi vào hoạt động, dự kiến cho năng suất 250.000 đầu heo thịt/năm, kế đến sẽ là tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam đã động thổ vào đầu tháng 2.2018. Đến cuối quý IV/2018, sản phẩm “thịt có thương hiệu” sẽ chính thức chào sân. Sản phẩm này có thể sẽ là một trong những động lực quan trọng để Masan cải thiện tăng trưởng.
Tiêu dùng hướng đến cao cấp
So với mảng nông nghiệp thì mảng hàng tiêu dùng làm nên lịch sử tên tuổi Masan sớm nhất, từ sau “cuộc cách mạng” marketing nước tương không chứa 3-MCPD, mì gói không dùng dầu chiên nhiều lần, nước nắm thanh trùng kép, bên cạnh hàng loạt các thương vụ mua lại những công ty trong ngành cà phê, đồ uống và bia. Tình hình kinh doanh các mảng thực phẩm trong Masan Consumer năm 2016 cũng gặp một số “sự cố”, để lại bài học lớn cho công ty này.
Năm 2016, Masan tập trung rất nhiều vào chiết khấu thương mại khi bán hàng (trong cuộc chiến giành đại lý) mà giảm sự tập trung cho xây dựng hình ảnh thương hiệu của mình. Phần trăm đầu tư vào marketing tương đối thấp trong suốt năm 2016 và chỉ tăng trở lại vào quý 4.2017. Không chỉ có thế, phần trăm đầu tư vào bán hàng trên doanh thu trong năm 2016 cũng ở mức cao 10% và tăng mạnh vào nửa đầu năm 2017, số ngày tồn kho tăng cao đột biến (80 ngày, quý IV/2016).
Đại diện cho ngành cà phê của Masan là những thương hiệu lừng lẫy một thời của Vinacafé Biên Hòa như Vinacafé, hay thương hiệu mới dành cho giới trẻ Wake-up. Thông qua công ty con là Masan Beverage, Masan Consumer hiện đang nắm tỉ lệ sở hữu chi phối 98,5% của Vinacafé Biên Hòa. Do tác động của chính sách đẩy mạnh chiết khấu nên doanh thu ngành hàng cà phê năm 2017 giảm hơn 19% so với năm 2016, trong đó nhãn hàng chiếc lược Wake-up cũng ghi nhận doanh thu giảm hơn 7,5% so với cùng kỳ.
Trước đây, hệ thống phân phối bia nhãn hiệu Sư Tử Trắng của Masan chỉ tập trung tại khu vực Tây Nam Bộ. Theo nhiều chuyên gia, độ phủ thấp khiến việc tìm mua sản phẩm này tại các điểm bán lẻ thật sự không dễ dàng. Trong năm 2017, Sư Tử Trắng bắt đầu mở rộng sang khu vực miền Đông và thành thị khiến doanh số bán bia phục hồi và gần tương đương năm 2016. Trong năm 2018, Masan dự kiến tung ra các loại bia mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời mở rộng hệ thống phân phối nhằm cải thiện doanh thu.
Chính sách kinh doanh “khuyến mãi cao, bán hàng nhiều” đã không thực sự hiệu quả như mong đợi. Masan đã phải “hy sinh” 1.200 tỉ đồng doanh thu năm 2017 nhằm giảm hàng tồn kho tại hệ thống phân phối (theo báo cáo của Ban điều hành Masan Group), khiến doanh thu giảm 9%. Từ bài học này, trong năm 2017, Masan đã đầu tư mạnh vào marketing, thương hiệu mạnh và xu hướng tiêu dùng hướng đến sản phẩm cao cấp, đánh trúng tâm lý mua sắm cao cấp hơn của các bà nội trợ.
Kết quả được nhìn thấy ở quý I/2018 khi doanh số ngành tiêu dùng của Masan tăng vọt hơn 78,3% (từ 2.011 tỉ đồng quý I/2017 lên 3.586 tỉ đồng quý I/2018). Cụ thể, bia, gia vị và cà phê đã có sự bứt phá khi tăng trưởng lần lượt là 564%, 104% và 79%. Trong ngành gia vị, các sản phẩm cao cấp được ưa chuộng hơn sản phẩm thông thường, đơn cử như thương hiệu nước mắm Chin-Su cao cấp đã tăng trưởng hơn 323% so với mức tăng trưởng 78% của nước mắm Nam Ngư.
Rõ ràng hơn cho chiến lược sản phẩm cao cấp hiệu quả là mì ly Omachi (với cây thịt) và xúc xích Heo Cao Bồi. Đây là những sản phẩm có giá bán khá cao nhưng lại đang tạo ra doanh thu rất tốt. Mảng hàng tiêu dùng được dự báo sẽ hồi phục tăng trưởng trên 30% nếu các mục tiêu xây dựng thương hiệu và triển khai dòng sản phẩm cao cấp được triển khai đúng trọng tâm, với doanh thu dự báo năm 2018 là 17.900 tỉ đồng đến 19.500 tỉ đồng.
Vonfram bước qua chu kỳ khó
Trong quá khứ, không chỉ mảng nông nghiệp tiêu dùng và hàng tiêu dùng của Masan gặp khó khăn mà lĩnh vực khai khoáng mỏ tài nguyên vonfram cũng đã có một chu kỳ kinh doanh chật vật khi phải đối diện với dòng tiền kinh doanh âm liên tiếp. Masan cũng đã phải tìm đủ mọi cách để “thoát hiểm”.
Trong báo cáo năm 2014 từ Công ty Kiểm toán KPMG, Masan Resources (MSR) đã có khoản lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh liên tiếp trong năm 2013 và 2014. Nguyên nhân của khoản lỗ là chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp quá lớn, thu không đủ bù chi. Chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp năm 2014 rất cao, lần lượt là 614 tỉ đồng và 280 tỉ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận gộp sau khi khấu trừ giá vốn hàng bán chỉ là 739 tỉ đồng.
Đến năm 2015, do Trung Quốc yêu cầu tái cơ cấu lại các công ty quốc doanh sản xuất vonfram của quốc gia này, đồng thời một số mỏ chịu chi phí cao ở Mỹ và châu Âu phải đóng cửa hoặc bảo trì vô thời hạn, dẫn đến mặt bằng cung – cầu thị trường vonfram toàn thế giới biến chuyển mới có lợi cho Masan.
Cung không đủ cầu, kéo theo giá vonfram tăng mạnh là đòn bẩy giúp Masan tăng mạnh doanh thu những năm sau đó. Tình hình cung – cầu thị trường được dự đoán sẽ không thay đổi trong năm 2017, khi Trung Quốc tiếp tục tiến hành áp đặt tiêu chuẩn về môi trường chặt chẽ hơn với các mỏ, nhà máy chế biến vonfram và doanh nghiệp xử lý chất thải của nước này. Kết quả tất yếu là giá vonfram sẽ tiếp tục tăng đột biến.
Trong phiên họp đại hội, Masan đã gây ấn tượng mạnh với cổ đông khi doanh thu thuần và lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ nhờ giá vonfram tăng cao và hiệu quả vận hành được cải thiện. Theo đó, doanh thu thuần của Masan Resources tăng trưởng 26,25% (từ 1.176 tỉ đồng quý I/2017 lên 1.487 tỉ đồng quý I/2018). Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của Masan Resources tăng 168,3% (117 tỉ đồng trong quý I/2018). Chiến lược của Công ty là tăng cường đầu tư công nghệ mới nhằm tiếp tục chế biến sâu và tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng từ vonfram, từ đó đem lại dòng tiền ổn định xuyên suốt, độc lập với chu kỳ giá cả hàng hoá đầy biến động nếu chỉ tập trung chế biến thô.
Mảng sáng và những biến số
Trong tất cả các mảng kinh doanh của Masan, Ngân hàng Techcombank xứng đáng là “con gà đẻ trứng vàng” của tập đoàn này, góp phần xoa dịu những áp lực mà các mảng kinh doanh khác đang phải hứng chịu. Phần lãi phát sinh của công ty liên kết này cho Masan cứ tăng trưởng đều đặn hằng năm.
Trong báo cáo kiểm toán của KPMG, phần lãi được chia từ công ty liên kết Techcombank cho Masan trong năm 2015-2017 như sau: 480 tỉ đồng (năm 2015), 969 tỉ đồng (năm 2016) và 2.037 tỉ đồng (năm 2017). Trong quý I/2018, Techcombank đạt tăng trưởng tổng lợi nhuận hoạt động 26,8% so với cùng kỳ năm trước (từ 3.675 tỉ đồng lên 4.660 tỉ đồng).
Đà tăng trưởng mạnh của Techcombank được lý giải ở nhiều yếu tố. Đầu tiên là Techcombank đã trích lập dự phòng thận trọng cho các khoản nợ xấu, nâng cao chất lượng của tài sản nắm giữ (tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ năm 2017 chỉ là 1,6%). Trong giai đoạn 2014-2016, Techcombank đã nỗ lực “làm sạch” bảng cân đối kế toán thông qua tăng tỉ lệ trích lập dự phòng và thực hiện mua nợ; lúc cao điểm tỉ lệ này là 61,2%. Thời điểm đầu năm 2017, lượng nợ xấu của Techombank tại VAMC là 2.922 tỉ đồng, Ngân hàng đã tiến hành trích lập dự phòng 1.367 tỉ đồng và tiến hành mua hết toàn bộ lượng nợ xấu còn lại trong nửa đầu năm 2017. Techcombank giờ đây đã sạch nợ tại VAMC.
Thêm vào đó, khoản lời từ trái phiếu chính phủ mà Techcombank nắm giữ cũng góp phần vẽ nên bức tranh doanh thu lạc quan (tính đến 31.12.2017, Techcombank đang nắm giữ 13,048 ngàn tỉ đồng trái phiếu chính phủ và 569 tỉ trái phiếu chính phủ đến ngày đáo hạn).
Đến giữa năm 2017, Masan nắm giữ 30,4% lợi ích tại Techcombank (bao gồm 15,7% tỉ lệ sở hữu trực tiếp và 14,7% lợi ích từ trái phiếu chuyển đổi). Ngày 22.1.2017, Masan đăng ký bán 11,7 triệu trái phiếu chuyển đổi của Techcombank. Giao dịch trên đã kéo tỉ lệ sở hữu cổ phần của Tập đoàn với Techcombank hiện tại tiệm cận mức 20% theo luật định.
Masan của năm 2018 có triển vọng tươi sáng. Nhìn chung, doanh số của mảng tiêu dùng, tài nguyên và ngân hàng của Tập đoàn đều tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm và tình hình của mảng nông nghiệp tiêu dùng cũng đang được cải thiện một phần nào đó. Tuy nhiên, những khó khăn mà Masan còn phải vượt qua trong tương lai cũng không ít, như sự đòi hỏi về nền tảng công nghệ ưu việt để hỗ trợ công tác sản xuất cho mảng nông nghiệp tiêu dùng và khai khoáng, nguồn nhân lực giỏi tinh nhuệ, khả năng chiếm lấy thị trường trước sự cạnh tranh khốc liệt của các tập đoàn đa quốc gia.
Bên cạnh đó, tình hình vĩ mô sẽ tiếp tục là yếu tố sống còn quyết định sự thành công của mảng nông nghiệp tiêu dùng và khai khoáng. Theo đó, giá heo thương phẩm sẽ hồi phục và nông dân Việt có động lực tiếp tục chăn nuôi heo, cũng như chính sách duy trì những quy định pháp luật bảo vệ môi trường khắt khe của Trung Quốc đối với doanh nghiệp sản xuất vonfram trong nước của họ. Nếu những biến động này bất lợi, Masan có thể sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng.
Kế đó là các yếu tố M&A, chìa khóa quyết định để Masan “đi tắt đón đầu”, sáp nhập những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường. Nếu sử dụng dòng tiền thặng dư thương mại một cách khôn ngoan, Masan có thể kiến tạo giá trị gia tăng trên chuỗi sản phẩm của Tập đoàn, cũng như tiết giảm chi phí hoạt động nhờ bản chất tự nhiên khép kín trong vận hành. Tuy nhiên, Masan chưa cho thấy bất kỳ động thái nào về các cuộc M&A trong thời gian sắp tới.
Kết quả nỗ lực xoay chuyển tình thế của Masan vì thế vẫn còn trông chờ rất nhiều yếu tố ở phía trước.
Liên Quang
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư