CEO ViệtDoanh nghiệpKinh doanhNhân vật

Sếp Hòa Phát: “Doanh nghiệp chỉ cần đứng lại là chết”

“Tôi rất đồng tình với quan điểm cho rằng doanh nghiệp luôn luôn phải phát triển, chưa cần đến thụt lùi, chỉ cần đứng lại là chết”…

Sếp Hòa Phát: “Doanh nghiệp chỉ cần đứng lại là chết”

Sau khi công bố kế hoạch huy động vốn năm 2017, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát có xu hướng giảm khá mạnh. Ngay tại đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 10/3 của tập đoàn, nhiều cổ đông bày tỏ lo lắng về giá cổ phiếu khi kế hoạch tăng vốn 6.700 tỷ trong năm nay lên 15.170 tỷ đồng. Cuộc họp đẩy lên cao trào, khi cổ đông đòi bầu thành viên hội đồng quản trị độc lập.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoà Phát, ông Trần Đình Long đã có nhiều chia sẻ về những khúc mắc trong bài toán phát hành, tăng vốn và chiến lược lâu dài của tập đoàn.

Cổ phiếu giảm vài chục phiên cũng không ảnh hưởng gì

Tuần trước cổ phiếu HPG giảm rất mạnh, nguyên nhân bắt nguồn từ kế hoạch tăng vốn “gấp” lên 15.170 tỷ đồng. Ông nghĩ như thế nào về việc tăng vốn quá nhanh, gấp đôi mức hiện nay chỉ trong năm 2017?

Tôi là người chịu áp lực rất tốt, cổ phiếu giảm vài chục phiên cũng không ảnh hưởng gì. Việc tăng vốn nhanh, gấp là phục vụ cho dự án Dung Quất (Quảng Ngãi) có quy mô vốn lên tới 52.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1, vốn đã xong. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tính đến cuối năm 2016 là 20.000 tỷ đồng, trích ra 10.000 tỷ vốn đối ứng ngay cho giai đoạn 1.

Các doanh nghiệp khác, vốn đối ứng chỉ 30% tổng mức đầu tư. Chúng tôi luôn cẩn trọng và không muốn leo cây, vốn vay và vốn chủ sở hữu luôn ở tỷ lệ 50 -50.

Ban đầu chúng tôi dự định hai giai đoạn sẽ thực hiện cách nhau 18 tháng, làm xong giai đoạn đầu công suất 2 triệu tấn tiêu thụ tốt thì sẽ thực hiện giai đoạn 2. Đây là thời cơ, mong các cổ đông nhìn dài hạn. Thay vì chờ đợi 18 tháng, chúng tôi quyết định làm luôn vì thời cơ đang đến.

Tôi từng rất đồng tình với quan điểm của vị CEO Nissan mà mới đây đã tiếp tục ra tay cứu hãng xe hơi Mitssubishi, doanh nghiệp luôn luôn phải phát triển, chưa cần đến thụt lùi, chỉ cần đứng lại là chết.

Hoà Phát giống như chiếc xe lu chỉ tiến về phía trước. Dự án Dung Quất là một mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của công ty, đó là thời cơ. Nếu không làm giai đoạn 2 thì không cần phát hành, nhưng Hoà Phát vẫn phải tiếp tục tăng thị phần, không ai đứng lại cả, đứng lại là chết.

Giai đoạn 2 sẽ làm luôn từ tháng 8, nếu làm như vậy thì 2020 Hòa Phát mới có doanh thu gấp 2,5 lần hiện nay tức khoảng 100.000 tỷ đồng. Tốc độ tiêu thụ thép cuộn cán nóng tăng trưởng 20-30%, năm 2016 tiêu thụ 5,6 triệu tấn.

Nhiều cổ đông cũng sốt sắng về khoản 500 tỷ chi thưởng cho Ban điều hành và lãnh đạo quản lý của tập đoàn trong khi họ được chia thưởng bằng cổ phiếu, thậm chí phải chi tiền để mua vào vì sắp tới Hoà Phát tiếp tục phát hành 250 triệu cổ phiếu mới cho dự án?

Tôi nhận được câu hỏi cổ đông tại sao không chia cổ tức lại chia thưởng tiền mặt cho cán bộ, công nhân viên.

Tôi không những là cổ đông lớn, thậm chí là cổ đông sáng lập, hàng ngày tham gia điều hành mọi việc của công ty, vì vậy tôi rất hiểu những băn khoăn, tâm tư của cổ đông. Cá nhân tôi không ngại, không sợ gì cả nhưng muốn mọi người đánh giá đúng về 14.000 nhân viên tậo đoàn, những người có công, người có của, trực tiếp làm ra của cải vật chất thì phải được ghi nhận xứng đáng.

Ngay bản thân trong đại hội cổ đông cũng có nhiều quan điểm khác nhau, các cổ đông nhỏ lẻ thì muốn có tiền ngay, cổ phiếu phải tăng trong khi các nhà đầu tư lớn, quỹ đầu tư họ lại mong muốn gắn bó lâu dài, đi đường trường. HPG là cổ phiếu tăng trưởng theo tiềm năng của công ty.

Việc chia cổ tức tiền mặt, mong các cổ đông hãy chậm lại vài năm, khi đó tập đoàn đã hoàn thành dự án Dung Quất, bớt áp lực thì sẽ có cổ tức tiền mặt. Tôi luôn quan niệm làm gì thì làm, khi có thành tựu thì phải chăm sóc tới đời sống cán bộ công nhân viên của mình, tôi được thì cổ đông cũng hưởng với tỷ lệ xứng đáng.

Thuế và bảo hộ

Nhìn lại giai đoạn trước đây, Hoà Phát chỉ thực sự bứt tốc khi quyết định áp thuế tự vệ cho các sản phẩm thép dài, thép xây dựng. Việc bảo hộ là chính đáng, song cần có sự công bằng với người tiêu dùng. Năm vừa qua, các doanh nghiệp thép cứ vô tư công bố lãi “khủng”, là doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường, quan điểm của ông thế nào?

Thập niên trước cứ ra đường là người ta nói đến toàn cầu hoá, nói đến hội nhập vào nền kinh tế thế giới nhưng cuối cùng vẫn là đong đếm lợi ích quốc gia. Đó là lý do vì sao ông Donald Trump trúng cử.

Thời điểm này, ra đường hay có dịp đi nước ngoài, sẽ thấy người ta đã nói nhiều đến chủ nghĩa dân tuý, chủ nghĩa bảo hộ. Việc áp thuế tự vệ đối với ngành thép là chính đáng theo cam kết hội nhập của Việt Nam, góp phần bảo vệ sản xuất, việc làm trong nước.

Phải vậy thì doanh nghiệp Việt mới vươn lên, đóng góp cho nền kinh tế đất nước.

2016 là năm mà ngành thép bứt phá, đạt mức cao nhất, rất nhiều năm qua mới có một năm như vậy. Tuy nhiên, bản thân tập đoàn năm qua đã có một vài lần giảm giá cho người tiêu dùng theo đúng diễn biến giá nguyên liệu quặng sắt.

Về xuất khẩu thép, chủ nghĩa bảo hộ cũng sẽ ảnh hưởng không lớn bởi năm vừa rồi cũng chỉ xuất khẩu được lượng vừa đủ thôi, không có thép mà bán vì công suất hiện chưa đáp ứng được, dự án Dung Quất thì mới bắt đầu.

Đủ khả năng cạnh tranh khi không có dòng thuế nào

Hoà Phát đang được hưởng lợi rất lớn từ việc áp thuế tự vệ với thép, sắp tới là tôn mạ. Tuy nhiên, việc áp thuế chỉ có hiệu lực trong từng thời hạn, sắp tới khi Formosa ra sản phẩm, “đấu trường ngành thép” trong nước liệu có khốc liệt không?

Hoà Phát có đủ khả năng cạnh tranh khi không có dòng thuế nào. Formosa là một ông lớn về hoá chất, không phải sản xuất thép, vốn hoá lên tới 60 tỷ USD, rất lớn so với Hoà Phát về quy mô doanh nghiệp, song về kinh nghiệm phát triển thép thì chưa có.

Trong khi chúng tôi có 10 năm kinh nghiệm sản xuất thép ở Hải Dương. Giá vốn sản xuất ở mức rất thấp, ở mức trung bình so với các tập đoàn trên thế giới, do đó có thể cạnh tranh tốt.

Tìm hiểu Formosa họ đang khá khó khăn về tài chính vì suất đầu rất lớn, vay hơn 6 tỷ USD qua một công ty ở Đài Loan. Chi phí đầu tư lớn, Formosa khó có thể thực hiện giai đoạn 2 trong ngắn hạn. Đó là chưa kể đến những khó khăn về môi trường, dư luận mà công ty này đang gặp phải.

Theo một nguồn tin, Hoà Phát đang có ý định tự chủ nguồn nguyên liệu, bớt phụ thuộc vào giá quặng của thế giới bằng việc khai thác Mỏ Thạch Khê – mỏ sẳt được định giá 35 tỷ USD trữ lượng hơn 500 triệu tấn?

Hoà Phát có đặt vấn đề về việc khai thác quặng sắt tại mỏ Thạch Khê. Với công nghệ hiện có, chúng tôi có thể khai thác quặng sắt về xử lý quặng sắt tại đây an toàn, đảm bảo môi trường. Việc này cũng có ý nghĩa trong việc bảo tự chủ nguồn nguyên liệu quặng sắt trong triển khai các dự án.

Về mua cổ phần của Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) hiện chúng tôi vẫn chưa có kế hoạch tỷ lệ tham gia. Công ty này TKV hiện vẫn là cổ đông lớn nhất. Quan điểm của chúng tôi là không cần thiết phải sở hữu hay chi phối, chỉ cần có nguồn cung cấp quặng sắt là được.

VnEconomy

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close