Chính trị - Xã hộiKinh tế vĩ mô

Đầu tư ngành điện: Rộn ràng khối nội

Dù thị trường phát điện cạnh tranh mới chỉ dừng lại ở khái niệm nhưng gần đây, cả khu vực tư nhân trong nước lẫn nước ngoài đang mạnh tay đổ vốn vào lĩnh vực này.

Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các công ty con và doanh nghiệp nhà nước chiếm trên 70% công suất phát điện nhưng dự kiến, trong giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ các nhà máy điện có vốn đầu tư tư nhân sẽ tăng mạnh, chiếm khoản 46% công suất phát điện cả nước.

Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã thông báo về việc chọn nhà đầu tư đủ điều kiện mua trọn cổ phần (khoảng 111 triệu cổ phần) của doanh nghiệp (DN) này tại 5 công ty thủy điện, với giá bán khởi điểm trên 1.414 tỷ đồng. Hai trong số ba nhà đầu tư vượt qua vòng chọn thầu là những gương mặt có vị thế trên thị trường.

Cụ thể là Công ty CP Điện Gia Lai thuộc Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) của gia đình ông Đặng Văn Thành và Công ty CP Cơ điện lạnh (HOSE: REE) – top 30 DN có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán.

Cả TTC và REE đều đã có bề dày thành tích trong ngành điện. Theo đó, TTC, với ưu thế sở hữu nhiều nhà máy đường nên bên cạnh 19 nhà máy thủy điện, còn làm chủ 7 nhà máy nhiệt điện (sử dụng nguồn bã mía để đốt), với tổng công suất đạt 350MW. Còn REE, tính đến cuối năm 2015, đã sở hữu các nhà máy nhiệt điện, thủy điện có tổng công suất 593MW.

Năm ngoái, khi trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn về mối quan tâm của nhà đầu tư tư nhân đối với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE cho rằng, kinh tế Việt Nam đang phát triển, nên những hạ tầng thiết yếu như nước, điện luôn phát sinh nhu cầu. Do đó, đây là những khoản đầu tư mà REE đặc biệt quan tâm.

Được biết, bên cạnh lĩnh vực truyền thống là cơ điện lạnh, năm 2010, REE còn tham gia đầu tư vào hạ tầng điện và nước. Báo cáo thường niên năm 2015 của REE cho thấy, song song với việc nắm 60% cổ phần tại Công ty CP Thủy điện Thác Bà (DN sở hữu nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam, với tổng công suất thiết kế 120MW và là một trong số gần 40 nhà máy thủy điện lớn tại Việt Nam), REE còn đầu tư vào nhiều DN phát điện dưới hình thức công ty liên kết, nắm giữ hàng loạt công trình lớn, như Nhà máy Thủy điện Thác Mơ (công suất 150MW, tại Bình Phước), Nhà máy Thủy điện Srok Phu Mieng (công suất 51MW, tại Bình Phước), Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ (công suất 220MW, tại Phú Yên), Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại (công suất 1.040MW, tại Hải Dương), Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh (công suất 1.200MW).

Lộ trình phát điện cạnh tranh

– Giai đoạn 2005 – 2014: thị trường phát điện cạnh tranh, trong đó các công ty sản xuất điện có thể chào bán điện cho bên mua duy nhất là EVN.

– Giai đoạn 2015 – 2022: thị trường bán buôn điện, trong đó các công ty bán buôn điện có thể cạnh tranh để mua điện trước khi bán cho công ty phân phối điện.

– Giai đoạn sau năm 2022: thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, trong đó người mua điện có thể lựa chọn nhà cung cấp.

Tính đến cuối năm 2015, REE đã đầu tư 3.509 tỷ đồng vào hạ tầng điện, chiếm đến 71% trong danh mục đầu tư mảng hạ tầng cơ sở của DN này (còn có than, nước, bất động sản). Tuy doanh thu và lợi nhuận của mảng điện tạm thời sụt giảm (lợi nhuận giảm đến 48,1%) do biến động của tỷ giá và khô hạn, vốn ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà máy thủy điện, nhưng REE vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư vào ngành điện.

Đáng chú ý, năm ngoái, REE đã bổ sung thêm loại hình phát điện vào danh mục đầu tư. Cụ thể, Công ty Điện Thuận Bình (công ty liên kết của REE) đã khởi công xây dựng Nhà máy Điện gió Phú Lạc 1 với công suất thiết kế 24MW tại Bình Thuận.

Dự kiến, vào cuối năm nay, khi nhà máy này hoạt động sẽ cung ứng sản lượng điện hằng năm khoảng 59 triệu kWh, đồng thời đây cũng là khởi đầu của REE cho việc tiếp tục phát triển điện gió tại Bình Thuận và Ninh Thuận.

Không chỉ REE, TTC mà từ năm 2008 đến nay, nhiều DN tư nhân trong nước đã mạnh dạn đầu tư vào ngành điện bằng hình thức đầu tư mới hoặc mua bán – sáp nhập (M&A). Chẳng hạn như Tập đoàn Bitexco, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Hưng Hải Group (sở hữu khoảng 20 nhà máy thủy điện, tổng công suất 550MW, chủ yếu tại Lai Châu, Điện Biên), Trung Nam Group (đầu tư nhà máy điện gió 3.965 tỷ đồng tại Ninh Thuận, cùng các thủy điện tại Đồng Nai, Đắk Lắk, Lâm Đồng), Công ty CP ĐT BĐS Hưng Lộc Phát…

Đáng chú ý, năm 2012, HAGL đã đưa 4 trong số 8 công trình thủy điện tại Việt Nam và Lào vào hoạt động, với tổng công suất 141,5MW. Tuy nhiên, đến giữa năm 2013, trong chiến lược tái cấu trúc, HAGL đã bán 4 nhà máy thủy điện cho Tập đoàn Bitexco. Dù thông tin về bên mua khi đó được giữ kín nhưng sau đó ít lâu, trên website của Bitexco, không chỉ 4 mà có đến 6 nhà máy thủy điện từng thuộc sở hữu của HAGL đã xuất hiện.

Cũng liên quan đến mảng thủy điện của HAGL, đại diện Công ty CP Hưng Lộc Phát tiết lộ đang nghiên cứu để có thể mua lại 2 nhà máy thủy điện của HAGL ở Lào, với công suất trên 100MW. Được biết, ngoài khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng và bất động sản, Hưng Lộc Phát đặt mục tiêu mở rộng mảng năng lượng (điện) từ đây đến năm 2020. Hiện, DN này đang sở hữu Nhà máy Thủy điện Đa Dâng 3, Nhà máy Thủy điện Quảng Sơn.

Ông Nguyễn Dư Lực – Chủ tịch HĐQT Hưng Lộc Phát cho rằng, điện là lĩnh vực đầu tư dài hạn, thường 7 – 8 năm mới thu hồi vốn, ngành này cho lợi tức ổn định nếu nhà đầu tư “khéo vén” và sở hữu được những nhà máy có tổng công suất lớn (khoảng từ 150MW trở lên).

NGUYÊN BẢO – HẢI ÂU/DNSG

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close