Bất động sảnThị trường

Giữ sinh khí cho một “Cuộc” đất chuẩn phong thủy

Tôn trọng quy luật vận động của tự nhiên để tiếp nhận tối đa trường sinh khí cho cuộc sống con người là điều các dự án bất động sản cần quan tâm nhất. 

Tuy nhiên, việc lựa chọn đất cho quy hoạch dự án là rất khó và thường thì chủ nhiều dự án bất động sản quan tâm tới việc kinh doanh, lợi nhuận hơn là việc lựa chọn một “cuộc” đất chuẩn phong thủy. Họ quên rằng, từng căn hộ riêng biệt cho dù phong thủy tốt cũng chịu sự chi phối từ phong thủy tổng thể cả khu dự án.

Trục từ trường của Trái đất được tính theo hai cực Bắc và Nam của Địa cầu, nhưng trục quay của Trái đất nghiêng 23,5 độ và trên la bàn thì kim của la bàn sẽ chỉ hướng Bắc, tức là kim từ trường lấy theo trục từ trường của Trái đất. Nếu tính từ cực Bắc là 0 độ, thì khi Trái đất nghiêng 23,5 độ, tức là đã sang hướng Tây Bắc và như vậy, trên thực tế, trục quay của Trái đất là hướng Tây Bắc – Đông Nam so với trục từ trường của hai cực trái đất là Bắc – Nam. Vì thế, trong Địa lý phong thủy bát trạch Lạc Việt, tương tác của từ trường tới con người được chia làm hai nhóm: Đông tứ trạch và Tây tứ trạch. Mỗi nhóm có một trục gọi là trục Phúc đức: nhóm Đông tứ trạch có trục Bắc – Nam và nhóm Tây tứ trạch có trục Tây Bắc – Đông Nam.

Trong môn Địa lý phổ thông cơ bản, chúng ta cũng đều biết núi và sông chạy theo hướng từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Trong Địa lý phong thủy, thì sự chuyển động và hướng “đi” của núi – sông được gọi là “Long mạch”. Chúng ta cần phải giữ được Long mạch cho dự án bất động sản không bị gãy đứt, tức là chúng ta có được một trường sinh khí tốt cho toàn bộ những căn nhà bên trong khu đất đó.

Có thể điểm qua một vài dự án bất động sản trên thị trường hiện nay.

Khi nói tới Ciputra là chúng ta liên tưởng tới ngay một khu dân cư hạng sang nhất nhì Hà Thành.

Giá trị của mỗi căn biệt thự tại đây được ví đất như vàng nhưng dưới góc nhìn từ Địa lý phong thủy Lạc Việt thì trong quá trình xây dựng Ciputra đã mắc một vài lỗi mà nếu được khắc phục thì khu này còn trở nên giá trị hơn nữa.

Trước tiên, cần phải khẳng định, Khu đô thị Ciputra có một năng lượng trường địa khí tốt nhất Hà Nội cũng như khó tìm được một trường địa khí nào tương tự trên đất nước ta. Thật tiếc, giá trị đặc biệt trời cho này đã không được tân dụng tối ưu.

Vì sao lại gọi là Trời cho?

Thường thì chúng ta có thể tìm được một khu vực có trường địa khí cực tốt, nhưng chỉ là một phần trong toàn bộ dự án được quy hoạch, cũng như việc chủ đầu tư không thể chỉ lựa chọn một mảnh đất tốt nhất trong toàn bộ quy hoạch từ cơ quan quản lý. Như thế, trong mỗi dự án bất động sản đều có chỗ tốt, chỗ xấu. Ciputra thì khác, toàn bộ dự án được khoanh đúng chỗ đẹp nhất và đó là sự may mắn đầu tiên dành cho chủ đầu tư. Trong quá trình khai thác, những cách bố cục sai trong phong thủy khiến giá trị bất động sản nơi đây bị giảm đi. Tuy nhiên, bởi trường địa khí ở đây mạnh hơn rất nhiều so với các nơi khác nên cho dù sai phạm đã làm giảm bớt năng lượng đó, nhưng cũng vẫn đủ để giữ giá trị của nó bằng hoặc hơn các nơi khác.

Những điểm phạm nên khắc phục để phát huy tốt nhất vị trí vàng của Khu đô thị Ciputra, chúng tôi sẽ đề cập cụ thể ở các bài viết sau.

Với một dự án gần 40 ha trên Quốc lộ 32, những điểm phạm còn nặng hơn. Khu đô thị này được hoàn thành năm 2013. Tuy nhiên, sau 3 năm thì dự án này vẫn bị bỏ hoang và không có dân cư sinh sống, mặc dù cũng đã có những căn biệt thự được hoàn thiện.

Với trục chính là hướng Bắc – Nam tính theo cổng chính thì khu đô thị này Tọa Bắc – Hướng Nam. Trục chính chạy ngang khu đô thị và kết thúc cuối con đường là ruộng với các trục đường giao thông bên trong được thiết kế hợp lý và chuẩn bố cục với các trục quanh hồ Tây Bắc – Đông Nam.

Tuy nhiên, điểm sai phạm đầu tiên cũng lại chính là trục đường chính, bởi nó được thiết kế như một con đường cụt. Do đó, thay bởi mang nhiệm vụ là phân phối Khí tới các trục đường nhỏ thì huyết mạch cùng với hai con đường trước sau của dự án này lại mang nhiệm vụ hút khí ngược trở ra do động Khí mạnh mẽ từ con đường 32 đông đúc tạo ra, gây nên sự kiệt quệ về Khí cho dự án vốn dĩ đã hoang vắng.

Khu đô thị này nằm bên trong  cách xa đường 32 là một lợi thế, nhưng trong trường hợp này do bố cục lại biến nó thành một điểm bất lợi và khu đô thị này bị biến thành Vô khí. Vô khí là tượng trưng của một sự hoang tàn, vắng vẻ, lạnh lẽo…

Đối với Dự án Time City và Royal City lại khác. Trục chính của Dự án Time City chạy theo hướng Bắc – Nam, bên phải là sông Hồng và bên trái nội đô. Royal City được thiết kế theo trục Tây Bắc – Đông Nam với bên phải là sông Tô Lịch và mặt trước là đường Nguyễn Trãi đông đúc. Với cách cục như vậy, hai dự án này đủ chuẩn Địa lý phong thủy cho một cuộc đất sinh khí. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, nếu thiết kế kiến trúc bên trong mỗi khu nhà, căn hộ mà sai thì cũng không thể tận dụng được trường sinh khí của cả khu dự án này.

Dự án Sun Grand City tại phố Hoàng Hoa Thám và Thụy Khuê cũng nằm theo trục Đông Bắc -Tây Nam. Dự án này về bố cục thì phía sau là đường Hoàng Hoa Thám cao hơn phía trước là phố Thụy Khuê và hồ Tây với hướng chính nhìn về phía hồ Tây. Do vậy, nếu khéo xử lý trong thiết kế kiến trúc thì dự án này hoàn toàn vẫn có thể có được trường sinh khí.

Theo Hoàng Triệu Hải, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu học Đông Phương
Báo Đầu tư Bất động sản

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close