Kinh tế vĩ môThời sự

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Niềm tin của doanh nghiệp đang dần trở lại

Nhìn lại năm 2016, bà Phạm Chi Lan cho rằng có khía cạnh tốt đó là niềm tin của doanh nghiệp đang trở lại dần. “Cải cách là điều Việt Nam cần phải làm để bộ máy thúc đẩy thực sự tạo niềm tin lớn hơn trong doanh nghiệp người dân”, bà Lan nhấn mạnh.

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Niềm tin của doanh nghiệp đang dần trở lại

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Nhìn lại kinh tế năm 2016 vừa đi qua, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc không đạt được chỉ tiêu GDP 6,7% là điều tất yếu.

Theo bà Phạm Chi Lan, khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng đầu năm thì bối cảnh thuận lợi rất nhiều. Ít nhất là về tình hình biến đổi khí hậu chưa nghiêm trọng, chưa kể sự cố Formosa làm đảo lộn cuộc sống của người dân miền Trung.

“Ngoài ra còn bao nhiêu vấn nạn mới nảy sinh về môi trường rồi những dự án nghìn tỷ bỏ hoang phí. Những yếu tố đó không đặt ra ban đầu khi đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Cho nên việc không đạt tăng trưởng 6,7% cũng là tất nhiên thôi, không cần ngạc nhiên cũng đừng bức xúc về việc đó”, bà Lan nói.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, đạt được con số hơn 6% là giỏi rồi. Từ việc này cũng đặt ra cho chúng ta bài học lớn, đó là đừng quá cứng nhắc với các mục tiêu tăng trưởng.

Khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng, chúng ta không hình dung hết được rủi ro trong năm đó. Hiện nay chính trị xã hội thế giới có rất nhiều biến động như chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính sách của các quốc gia trong khu vực có ảnh hưởng tới kinh tế nước ta cũng chưa rõ như thế nào. Vấn đề về biến đối khí hậu, công nghệ mới rất dễ tác động đến nước ta – một nước còn nhỏ bé. Khi đó, làm bài toán tính toán chiến lược giữa các quốc gia càng khó giải.

“Tôi cho rằng cần thiết hơn với Việt Nam là khi bàn về tăng trưởng kinh tế, Quốc hội, Chính phủ cần bàn vào những dấu hiệu, kịch bản có thể xảy ra trong tương lai. Đối với mỗi dấu hiệu, kịch bản Việt Nam cần có một phản ứng thích ứng. Điều đó quan trọng hơn nhiều so với mục tiêu cụ thể”, bà Lan nêu quan điểm.

Theo bà Lan, ít nhất trong tương lai Việt Nam luôn luôn phải có ít nhất 3 kịch bản tăng trưởng, kịch bản tốt, kịch bản vừa, kịch bản xấu. Tương ứng với mỗi kịch bản Việt Nam phải làm gì để thích ứng với mỗi tình huống.

Khi tình huống xảy ra như thế nào, chúng ta sẽ có cơ sở để thực hiện và cuối kì sẽ đo đạc hiệu quả, trong kịch bản này Việt Nam hành xử thế này đã tốt chưa, nếu chưa tốt cần những gì để tốt hơn là cần thiết. Các quốc gia khác cũng vậy, trong thời buổi nhiều biến động phức tạp, các nước đều đặt kịch bản linh hoạt thay vì kịch bản cứng cho mình.

Năm 2016, bà Phạm Chi Lan cho rằng có khía cạnh tốt đó là niềm tin của doanh nghiệp đang trở lại dần. Từ đầu năm tới nay, Thủ tướng nói về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh với quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo để thúc đẩy nền kinh tế phát triển hơn. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, doanh nghiệp và người dân chưa hẳn hài lòng bởi những chuyển động mang lại. Như vậy, cải cách là điều Việt Nam cần phải làm để bộ máy thúc đẩy thực sự tạo niềm tin lớn hơn trong doanh nghiệp người dân. Nên đặt lợi ích chung của đất nước, của dân tộc lên số một để tất cả mọi nguồn lực tập trung thực hiện.

“Chính phủ vẫn tiếp tục đi theo hướng như hiện nay và đẩy thêm hành động thực tế, tăng sự giám sát của người dân, tăng kỉ cương nội bộ trong bộ máy nhà nước, Chính phủ sẽ vận hành tốt hơn. Khi đó, chắc chắn môi trường kinh doanh sẽ nhận được tác động lớn hơn nữa để cải thiện. Kéo theo, người dân, doanh nghiệp có thể tham gia sâu hơn vào sự phát triển của đất nước”, bà Phạm Chi Lan nói.

Bà Phạm Chi Lan cho biết, năm nay trong bối cảnh chung khó khăn như vậy nhưng khi đi về các nơi bà vẫn cảm nhận được sức sống tự nhiên của người dân, luôn nỗ lực “tự cứu mình trước khi trời cứu” để vượt qua mọi khó khăn thách thức hiện nay. Người dân Việt Nam không ỉ lại vào Chính phủ, không dựa vào trợ giúp chính sách hay hỗ trợ để vượt lên, người dân đang tự nỗ lực bằng nhiều cách.

Bà Lan lấy ví dụ, người dân Đồng bằng sông Cửu Long trước vấn nạn biến đổi khí hậu hàng trăm nay nay mới có ở vùng này, người dân vẫn tìm ra phương pháp để phát triển mới. Vì vậy, mong rằng Chính phủ trước hết tạo điều kiện tối đa để người dân vượt lên được khó khăn này.

Năm nay là một năm đặc biệt cho Việt Nam bài học về phát triển bền vững, giảm lệ thuộc vào tài nguyên khi lượng khai thác dầu giảm, giá cả xuất khẩu giảm, các yếu tố về môi trường ảnh hưởng. Về lâu dài, để phát triển bên vững, ngoài bài toán về tài nguyên, bà Lan cho rằng cần đặc biệt phát triển nội lực, không dựa vào nội lực không phát triển bền vững được.

Nhìn nhận về giai đoạn tới, bà Phạm Chi Lan cho rằng: Giai đoạn 2016 – 2020 vô cùng quan trọng với Việt Nam, là giai đoạn đặt nền tảng để Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

“Nếu Việt Nam không cố gắng tối đa từng năm để đạt nền tảng đó thì tương lai của nền kinh tế Việt Nam sẽ rất đáng lo ngại. Vì những mục tiêu đó cần phải cố gắng hơn nữa để tạo nền tảng cho phát triển trong những năm tới đây”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

MAI NGUYÊN

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close