Khám pháSống

Khủng hoảng Venezuela: Nhật ký hành trình tìm thức ăn ở “vùng đất chết”

Sự sụp đổ của Venezuela lan ra với một quy mô chưa nhìn thấy ở Tây bán cầu trong nhiều thập kỷ.

Đất nước Venezuela đang phải chịu một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng khi phe đối lập nổi dậy chống lại chính phủ của tổng thống Nicolas Maduro để phản đối chính sách điều hành của ông này. Hàng trăm nghìn người tham gia biểu tình từ tháng 4 và tính đến nay số người thiệt mạng trong các cuộc bạo động đã lên đến 100.

Khắp nơi đều là cảnh tượng hỗn loạn khi phe biểu tình ngang nhiên cướp bóc, đánh nhau còn lực lượng chính phủ thì phun hơi cay trực tiếp vào đám đông và thậm chí đánh đập người biểu tình. Nhìn từ góc độ kinh tế, mặc dù có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, Venezuela vẫn đang phải gánh chịu một cuộc suy thoái và lạm phát sâu rộng. Giá cả tăng 800% vào năm 2016, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự đoán lạm phát có thể đạt tới 2.200% vào cuối năm 2017. Năm ngoái, nền kinh tế sụt giảm 18,6%, theo Reuters.

Cảnh tượng phổ biến ở Venezuela những ngày này

Cảnh tượng phổ biến ở Venezuela những ngày này

Trên hết, người dân nước này đang phải chịu một cuộc khủng hoảng nhân đạo bệnh tật và đói nghèo. Cướp bóc, hành hung liên miên, các thành phố không có điện, đến cả bệnh viện cũng không có nguồn cung cấp.

Để tái hiện lại “cơn ác mộng” này một cách chân thực nhất, phóng viên Bloomberg Fabiola Zerpa đã tự ghi lại hành trình 30 ngày tìm kiếm thức ăn nuôi sống gia đình trung lưu của mình ở thành phố Caracas, thủ đô của Venezuela. Sau đây là một phần câu chuyện.

Ngày 9/6

Thứ 5, cơ hội duy nhất trong tuần để tôi mua dầu ăn, gạo và bột giặt – theo giá nhà nước đặt ra. Người Venezuela được chỉ định ngày cố định trong tuần để mua hàng dựa trên số chứng minh thư. Ngày của tôi là Chủ nhật và thứ 5. Nhưng chủ nhật thì có cũng như không vì từ lâu các cửa hàng đã không còn mở cửa vào cuối tuần.

Thứ 5 cũng không khá hơn được bao nhiêu. Mấy tháng gần đây, hàng người đứng đợi trước cửa 2 siêu thị gần nhà tôi ở phía Đông Caracas kéo dài đến tận 2 dãy nhà. Phải mất hàng giờ mới đến lượt và cũng chẳng nói trước được tôi có còn tìm được thứ gì trên kệ hay không.

Zerpa tần ngần đứng trước kệ hàng trống trơn

Zerpa tần ngần đứng trước kệ hàng trống trơn

Thế nhưng sáng nay tôi vẫn đi qua siêu thị xem thử. Tất nhiên là không có hy vọng vì bãi đỗ chật cứng, tôi chẳng thể tìm được một chỗ đậu xe. Tôi tiếp tục đi. Đằng nào hôm nay tôi cũng phải đến vài nơi trong thành phố nên sẽ cố gắng “săn tìm” thứ gì đó mang về cho chồng và 2 con, 1 trai 8 tuổi và 1 gái 10 tuổi.

Tầm trưa, tôi tạt qua một tiệm bánh để tìm mua bánh mì. Một cô gái trẻ bước ra, có vẻ hơi khó chịu. “Chúng tôi chỉ bán bánh mì vào lúc 5 giờ chiều, thưa bà”, cô nói. Trên đường đi ra, tôi nhìn thấy một biển báo ở cửa trước mà lúc nãy không để ý: “Không có bánh mì”. Ra đến xe, tôi nhận ra tôi sắp hết tiền mặt nên đi đến một máy ATM gần đó. Máy hết tiền!

14/6

Tôi lại đi tìm bánh mì. Giờ tôi cũng không cần bánh tươi như trước nữa, mà bánh mì gói cũng được. Đến trưa, tôi tạt vào một hàng tạp hóa và thật may không có ai xếp hàng bên ngoài, Nhưng đến khi vào trong tôi mới hiểu tại sao, trên kệ chỉ lèo tèo vài thứ. Bánh mì cũng không thấy đâu. “Bánh có từ sớm và đã bán hết mất rồi, thưa bà”, một nhân viên bán hàng đứng tuổi nói.

Sau đó, tôi xoay quanh một trung tâm mua sắm để thanh toán hoá đơn điện. Tôi cũng muốn trả tiền trực tuyến tại nhà nhưng dịch vụ Internet ở Caracas đã không còn hoạt động. Tuy nhiên khi tôi đến nơi thì không có ai ra nhận thanh toán vì các nhân viên đều đang đình công.

Những quầy hàng đầy đồ như thế này, như trong tiệm bánh gần nhà Zerpa, thường là các mặt hàng không cần thiết ở mức giá cao ngút trời

Những quầy hàng đầy đồ như thế này, như trong tiệm bánh gần nhà Zerpa, thường là các mặt hàng không cần thiết ở mức giá cao “ngút trời”

Tôi đi sang siêu thị bên cạnh để mua thức ăn. Ở đây có rau nhưng không có thịt và giá đắt gấp đôi 5 tháng trước. Khi đi ra ngoài, tôi phát hiện ra một quầy hàng ở gần lối thoát hiểm, cách xa tất cả những quầy khác. Đằng sau bầy một số mặt hàng khan hiếm hơn như cá ngừ, đường và thuốc trừ sâu. Cửa hàng cũng rất giữ gìn những sản phẩm này và khách phải đặt tiền trước khi được chạm vào đồ.

17/6

Chồng tôi, Issac vừa kiếm được 5 cân bột ngô từ một người bạn của đồng nghiệp. Đây đúng là tin vui, bánh mì bột ngô là món quan trọng nhất trong bữa ăn của người Venezuela. Isaac trả một khoản kha khá, 1.500 Bolivar/cân, gấp 8 lần mức giá quy định. Nhưng cũng đáng, nhà sắp hết thức ăn rồi. Tôi có thể mang bột đi đổi những thực phẩm khác. Ít nhất phải mang 2 cân cho chị dâu tôi, Raquel để đổi lấy số sữa bột mà chị cho nhà tôi.

Tại một siêu thị khác, Zerpa lùng sục kệ hàng đặc biệt bán đồ khan hiếm ở mức giá cao như cá ngừ

Tại một siêu thị khác, Zerpa lùng sục kệ hàng đặc biệt bán đồ khan hiếm ở mức giá cao như cá ngừ

25/6

Tôi ra ngoài sớm để đến chợ nông sản gần nhà. Trước bình minh mỗi thứ 7, nông dân vận chuyển hàng hóa từ những ngọn núi xung quanh. Mọi thứ đều được bán với giá tự do, và lẽ ra là trái luật nhưng giờ chẳng ai quản. Được mua đồ với giá này là một thứ xa xỉ đối với hàng triệu người Venezuela nên tôi cảm thấy rất may mắn. May hơn nữa là người bán ở đây nhận trả thẻ, nếu không tôi phải mang một chồng tiền mặt đi mới đủ.

Sau một tiếng chọn hoa quả, rau và thịt, tôi xếp hàng để trả tiền. Trời bắt đầu mưa, lúc đầu mới lâm thâm rồi to như trút nước. Mạng hỏng nên máy quẹt thẻ không hoạt động được. 30 phút trôi qua, vẫn còn 30 người xếp hàng. Mọi người bắt đầu phàn nàn, nào là nhân viên lười, rồi ngân hàng vớ vẩn và cuối cùng là “đất nước này đúng là một cái hàng dài vô tận”. Vài người chán nản, để túi đồ lại rồi bỏ đi. Vài phút sau, tôi cũng theo chân họ.

Tại một siêu thị gần khu cô ở, hàng dài đến nỗi Zerpa không đủ kiên nhẫn đứng chờ

Tại một siêu thị gần khu cô ở, hàng dài đến nỗi Zerpa không đủ kiên nhẫn đứng chờ

1/7

7 giờ tối. Tôi phải đưa con đến tiệm bánh. Nói thật tôi rất ngại, vì khu này đặc biệt nguy hiểm sau khi trời tối. Hôm trước một người phụ nữ mới bị bắt cóc ngay gần tiệm bánh. May mà cảnh sát tình cờ có mặt gần đó. Cuối cùng người ta cũng cứu được con tin, một kẻ bắt cóc bị bắn chết nhưng 3 tên còn lại chạy thoát.

Khi bước vào tiệm, tim tôi đập khá nhanh. Mọi thứ trông có vẻ bình thường, mọi người vẫn đang xếp hàng mua bánh. Tôi lấy 2 ổ bánh nhỏ (mức tối đa cho phép), một ít thịt muối, phô mai và vài cái kẹo cho con rồi về nhà. Đúng là một thắng lợi lớn!

7/7

Thứ 5. Lại đến ngày tôi được đi mua hàng nhu yếu phẩm. Tôi đến siêu thị lúc hơn 10 giờ. 60 người đang đứng xếp hàng. Họ đến từ khắp vùng trong thành phố, đặc biệt là những xóm nghèo mà thực phẩm đang khan hiếm. Không ai biết siêu thị hôm nay bán gì hay mình sẽ mua được gì. Tất cả chỉ kiên nhẫn đợi dưới cái nắng Caribbean gay gắt.

Hành trinh tìm đồ ăn nuôi sống gia đình của Zerpa là cái nhìn chân thực nhất về cơn ác mộng mà người dân Venezuela đang phải gánh chịu

Hành trinh tìm đồ ăn nuôi sống gia đình của Zerpa là cái nhìn chân thực nhất về cơn “ác mộng” mà người dân Venezuela đang phải gánh chịu

“Đây là hàng người hy vọng,” một phụ nữ nói với tôi. “Chúng tôi đang hy vọng họ có cái gì đó để bán”. Tôi cười, ít nhất mọi người còn có khiếu hài hước. Nhưng vài giờ sau hàng người vẫn không nhúc nhích. Hết hy vọng, tôi bỏ đi.

Theo Trang Hồ

NDH

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close