Năng lượngThị trường

Đã qua rồi cái thời OPEC kiểm soát thị trường dầu mỏ

Trong nhiều thập kỷ trước, sức ảnh hưởng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) lên giá dầu là không thể chối cãi, CNNMoney cho hay.

Tuy nhiên, cục diện hiện nay đã thay đổi. Sự ảnh hưởng của tổ chức này đã giảm đáng kể sau cuộc cách mạng đá phiến ở Mỹ.

Trong ngày thứ Tư tại Hội nghị SALT ở Las Vegas, Douglas Rachlin, Giám đốc điều hành tại Rachlin Group, cho hay: “Ả-rập Xê-út và OPEC không còn kiểm soát được giá dầu”.

Các nhà sản xuất dầu đá phiến dần trở thành một thành phần quan trọng trên thị trường dầu toàn cầu và họ có thể bơm dầu ngay cả trong thời kỳ giá ở mức thấp. Điều này có nghĩa là OPEC không còn có khả năng chi phối giá nữa, ông Rachlin cho biết. “Cuộc cách mạng đá phiến đã thay đổi cục diện của thị trường dầu”.

Bằng chứng thể hiện rõ ràng nhất là vào đầu tháng này, OPEC đã gửi một lá thư đề nghị Mỹ ngừng bơm quá nhiều dầu. Nguyên nhân về việc OPEC đưa ra lời đề nghị trên là do các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ đã cung cấp lượng dầu khổng lồ đến thị trường, đặc biệt là ở Texas và New Mexico thuộc khu vực Permian Basin, qua đó làm giảm đáng kể đến khả năng ổn định giá dầu của OPEC.

“Trên thực tế, Mỹ hiện là ‘nhà sản xuất chi phối’ (swing producer)”, Michael Hintze, tỷ phú sáng lập quỹ CQS, cho biết tại hội nghị SALT.

[quote_box_right] “Fracking” hay nói cách khác là dùng kỹ thuật thủy lực bẻ gãy, hay là bơm nước áp lực cao trộn với cát và hóa chất để cắt phá đá phiến sét, qua đó giải phóng dầu và khí đốt bị kẹt lại trong lớp đất đá.[/quote_box_right]

Ông Hintze chỉ ra năng suất cao từ Permian Basin là nhờ khu vực này có địa chất độc đáo cho phép sử dụng công nghệ khai thác dầu “fracking” qua nhiều lớp đá cùng một lúc. Ngoài ra, các nhà sản xuất ở Permian Basin còn tận dụng các công nghệ tiên tiến nhằm làm giảm chi phí khoan dầu.

Trong những ngày gần đây, OPEC đã phải tìm cách xoa dịu nỗi lo lắng của nhà đầu tư. Ả-rập Xê-út và Nga đã đẩy giá dầu lên cao sau khi cam kết thực hiện bất kỳ điều gì để hỗ trợ thị trường dầu, bao gồm cả việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến tháng 3/2018.

Dẫu vậy, ông Hintze cho biết Ả-rập Xê-út không còn là nhà sản xuất chi phối nữa vì các vấn đề về tài chính. Ả-rập Xê-út đang triển khai kế hoạch “Vision 2030”, một chương trình đầy tham vọng nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và đa dạng hóa nền kinh tế của họ.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNNMoney, Bộ trưởng Tài chính Ả-rập Xê-út, Mohammed Al Jadaan, cho biết: “Chúng tôi sẽ không lo lắng quá nhiều cho dù giá dầu ở mức 40, 45, 50, 55 USD/thùng vào thời điểm 2020 vì lúc đó chúng tôi đã giảm đáng kể sự phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu mỏ”.

Ông Al Jadaan nói thêm: “Chúng tôi đang lên kế hoạch sẽ chấm dứt hoàn toàn tình trạng phụ thuộc vào dầu mỏ đã kéo dài trong 40-50 năm qua. Hy vọng là vào năm 2030, tôi sẽ không phải lo lắng cho dù giá dầu rơi xuống mức 0”.

Nếu vậy thì ai sẽ là người có thể chi phối sản lượng toàn cầu? Chính là Mỹ, Ông Hintze cho hay.

Một yếu tố khác cũng tác động đến thị trường dầu chính là Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Chính quyền Mỹ đang tích cực hỗ trợ ngành dầu mỏ”, ông Rachlin cho biết, đồng thời đưa ra dẫn chứng là Rex Tillerson, cựu CEO của ExxonMobil, trở thành Bộ trưởng ngoại giao và Rick Perry, cựu Thống đốc bang Texas, trở thành Bộ trưởng Năng lượng Mỹ.

Ông Rachlin cho biết: “Hiện nay, chúng tôi có người quen ở các vị trí cao trong chính quyền. Tôi cảm thấy rất tốt”.

Tuy nhiên, ông Rachlin thừa nhận rằng các vấn đề gần đây của ông Trump có thể thay đổi môi trường chính trị hiện tại./.

Theo Vietstock

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close