Tài chính - Tiền tệThế giới

Đồng USD “phi” lên đỉnh 14 năm sau khi Fed tăng lãi suất

Đồng USD lên đỉnh cao 14 năm trong thứ Tư, làm dấy lên lo ngại bạc xanh tăng giá có thể ghìm hãm nền kinh tế vốn đang phụ thuộc vào đồng USD. 

Đồng USD tăng 0,2% so với euro 1,0513USD/EUR. Có thời điểm đồng tiền lên mức 1,0497USD/EUR, đỉnh cao 21 tháng.

Biểu đồ: Finviz 

Đồng USD tăng 1,6% so với yen Nhật lên 102,17JPY/USD. Trong phiên, có thời điểm đồng tiền chạm mức 102,35JPY/USD, đỉnh cao nhất kể từ tháng 1/2003.

Biểu đồ: Finviz 

Chỉ số Wall Street Journal Dollar Index, theo dõi tỷ giá USD với 16 đồng tiền chủ chốt, tăng 1,1% sau khi Cục dự trữ liên bang (Fed) tuyên bố sẽ tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn trong năm sau.

Fed đã tăng lãi suất ngắn hạn thêm 0,25%, từ 0,25-0,5% lên 0,5-0,7%.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất ba lần trong năm 2017, thay vì hai lần như dự báo trước đó. Đến năm 2018, lãi suất liên bang được dự báo ở mức 2,125%.

Chủ tịch Fed Janet Yellen thừa nhận một số quan chức của Ngân hàng Trung ương đã tính đến kế hoạch kinh tế của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump khi vạch ra dự báo, mặc dù sự thay đổi là “rất nhỏ”.

Tuy nhiên bà vẫn lưu ý hai yếu tố đóng vai trò quan trọng trong bức tranh là lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp.

Đồng USD tăng mạnh so với các đồng tiền của thị trường mới nổi như ruble Nga và peso Mexico.

Bạc xanh tăng giá là nỗi lo của các “con nợ” vay nhiều bằng ngoại tệ này. Nó khiến các khoản nợ trở nên nhiều hơn nếu quy ra nội tệ. Theo số liệu của Bank for International Settlements, Mỹ đã cho nước ngoài vay 9,8 nghìn tỷ USD tính đến giữa năm 2015, không tính các khoản vay ngân hàng.

Một phần ba trong đó chảy vào các thị trường mới nổi, khiến nội tệ của các nước này trở nên nhạy cảm hơn so với đồng USD và lãi suất Mỹ.

Chuyên gia tại Crédit Agricole nhận xét Fed đang lạc quan hơn đối với nền kinh tế, đây sẽ là điều có lợi cho đồng USD.

Tuy nhiên một số nhà đầu tư lo ngại đồng USD tăng giá quá mạnh có thể làm nảy sinh đợt hoảng loạn trên thị trường như trong lịch sử, sau khi Fed tăng lãi suất vào tháng 12/2015.

Thị trường toàn cầu lao dốc trong tháng Một và Hai năm sau đó vì lo ngại sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc và giá dầu, tất cả đều do áp lực đến từ đồng USD.

THẢO MAI/Bizlive

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close