Ai cũng biết người Nhật sống nguyên tắc và sạch sẽ, nhưng hành động nhặt rác ở những nơi công cộng như sân vận động, trung tâm thương mại… thì thật đáng để học hỏi.
Cứ thấy rác là nhặt
Năm 2014, những cổ động viên Nhật Bản đến cổ vũ cho đội tuyển nước nhà thi đấu tại sân vận động Arena Pernambuco, ở thành phố Recife (Brazil) đã khiến cả thế giới phải nghiêng mình kính nể khi họ lúi húi ở lại dọn rác sau khi trận đấu kết thúc.
Không ít tờ báo trên thế giới đã bình luận rằng “Dù đội tuyển Nhật Bản thua đội tuyển Bờ Biển Ngà 2–1 trong trận đấu đó nhưng cổ động viên Nhật và cầu thủ Nhật đã thắng toàn diện trong lòng người hâm mộ thế giới nhờ những hành động đẹp”.
Cụ thể, sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, những cổ động viên người Nhật đã nán lại, cầm theo túi nilong để nhặt rác vương vãi tại khu vực ghế ngồi xung quanh. Cũng giống như cổ động viên đến từ các nước khác, trong lúc cổ vũ họ có vứt rác xuống khán đài, nhưng khi trận đấu kết thúc, chính họ sẽ ở lại để thu dọn rác mà mình đã vứt ra.
Mặc dù vậy, hình ảnh cổ động viên nán lại sau khi trận đấu kết thúc, cầm theo những chiếc túi nhựa để nhặt rác vương vãi tại khu vực ghế ngồi của họ thực ra không có gì lạ lẫm đối với người dân Nhật Bản. Bởi đây là thói quen của người dân Nhật Bản từ bao lâu nay. Mỗi khi tham gia vào những sự kiện lễ hội, thể thao, người Nhật luôn có ý thức giữ gìn cảnh quan nơi mình tới. Họ sống theo triết lý “bỏ đi không để lại dấu vết”.
Thậm chí, kể cả khi đi ra nước ngoài du lịch hay cổ vũ đội tuyển nước nhà, người Nhật cũng luôn duy trì thói quen dọn rác sau khi đứng dậy.
Một quốc gia đặt cao nguyên tắc và lòng tự trọng!
Sẽ có rất nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao người dân Nhật Bản lại sẵn sàng ở lại dọn rác như vậy? Câu trả lời đầu tiên là người Nhật rất sạch sẽ và họ thường dạy trẻ con giữ gìn vệ sinh từ rất sớm. Các trường học ở Nhật thường không có nhân viên dọn dẹp, mà học sinh Nhật thường tự quét, lau dọn phòng học, cửa kính, cầu thang… khoảng 30 phút mỗi ngày.
Một bà mẹ Nhật từng chia sẻ, trong danh sách những món đồ chị chuẩn bị cho con mang đến trường luôn phải có giẻ lau. Bọn trẻ sẽ dùng giẻ này để tự lau sàn nhà hoặc bàn ghế ngồi.
Một trong những truyền thống của hệ thống giáo dục Nhật Bản là học sinh phải tự làm o-soji (người lau dọn) ở trường theo lịch, thông thường là 4 lần một tuần. Ngày cuối cùng mỗi kì học có một buổi tổng vệ sinh. Mỗi lớp có trách nhiệm tự dọn vệ sinh lớp mình và những khu vực khác xung quanh trường.
Bên cạnh đó, theo các nhà nghiên cứu xã hội và giáo dục, Nhật còn là quốc gia đề cao nguyên tắc và các giá trị sống, đặc biệt là lòng tự trọng. Tự trọng là coi trọng giá trị của mình, không cho phép mình làm việc sai trái hoặc làm việc gì đó ảnh hưởng đến người khác. Họ luôn giữ hình ảnh đẹp dù là ở bất cứ đâu.
Theo Trí Thức Trẻ/GenK