Các nhà tâm lý học nghiên cứu và phát hiện ra rằng, nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến đám đông là có bao nhiêu người giữ ý kiến đó, chứ không phải bản thân ý kiến đó như thế nào.
Mới đây trong buổi thảo luận về chủ đề “vạ miệng” ngoài cuộc sống cũng như trên mạng xã hội trên VTV3, tiến sỹ Đoàn Hương trích dẫn một nghiên cứu chỉ ra 50% trên Facebook là vô công rồi nghề, kết hợp với yếu tố văn hóa công chúng và văn hóa ứng xử chưa hợp lý của người dùng Facebook tại Việt Nam dẫn tới tình trạng ném đá ngày một biến tướng hơn trên mạng xã hội.
Ngay lập tức bà trở thành nạn nhân của đám đông mạng xã hội này sau khi lời phát biểu bị cắt xén thiếu đi ngữ cảnh.
Tại sao cư dân mạng like và chia sẻ một cách chóng mặt bất kể việc họ hiểu biết về câu chuyện như thế nào? Ai đúng ai sai, câu chuyện có bị bóp méo xuyên tạc? Liệu việc like và share như thế có ảnh hưởng đến người khác?
Các nhà tâm lý học nghiên cứu và phát hiện ra rằng, nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến đám đông là có bao nhiêu người giữ ý kiến đó, chứ không phải bản thân ý kiến đó như thế nào.
Dưới đây là những diễn biến tâm lý, tình cảm đạo đức đám đông điển hình được nghiên cứu bởi nhà tâm lý học xã hội nổi tiếng người Pháp Gustave Le Bon lý giải về hiện tượng này.
Tính bốc đồng, tính dễ thay đổi, tính dễ bị kích thích của đám đông
Đám đông hầu như chủ yếu bị điều khiển bởi sự vô thức. Hành động của họ bị điều khiển bới hệ thần kinh thực vật nhiều hơn não bộ.
Những hành động được thực hiện xét về mặt trọn vẹn có thể hoàn hảo, nhưng do bởi chúng không được điều khiển bởi não bộ cho nên mỗi cá nhân hành động tùy theo những kích thích ngẫu nhiên.
Họ chẳng suy tính bất cứ cái gì, dưới ảnh hưởng của những kích động trong giây phút họ có thể trải qua hàng loạt các trạng thái tình cảm trái ngược nhau. Đám đông không chỉ bốc đồng và hay biến đổi, họ không cho phép bất cứ một vật cản nào nằm giữa sự thèm muốn và việc thỏa mãn sự thèm muốn đó.
Tính dễ bị tác động và tính nhẹ dạ của đám đông
Một trong những đặc tính của đám đông đó là tính đặc biệt dễ bị tác động, nguyên nhân của nó được giải thích bởi sự định hướng cực nhanh của tâm tư tình cảm theo một chiều nào đó. Nội tâm của họ xuất hiện một sự thúc dục phải biến nhanh ý tưởng thành hành động (like & share). Bất kể mục đích hành động là gì. Đám đông, luôn bị lạc trong các ranh giới của sự vô thức, luôn ngả theo mọi ảnh hưởng, bị những tình cảm mãnh liệt của họ kích thích.
Tính thái quá (exagération) và tính phiến diện (simplisme) của tình cảm đám đông
Tất cả các tình cảm tốt và xấu mà đám đông thể hiện ra có hai đặc điểm chính, chúng rất đơn giản và thái quá. Sự thái quá của tình cảm càng trở nên mạnh mẽ bởi nó lan truyền rất nhanh do sự kích hoạt, lây nhiễm và do sự thán phục mà nó nhận được đã làm gia tăng một cách đáng kể mức độ căng thẳng của nó.
Tính phiến diện và thái quá của tình cảm đám đông đã bảo vệ nó tránh khỏi nghi ngờ và lưỡng lự. Từ một sự việc rõ ràng là đáng nghi nhưng đám đông lập tức biến nó trở thành điều chắc chắn không thể lay chuyển.
Tính không khoan dung, tính độc đoán và tính bảo thủ của đám đông
Đám đông chỉ biết đến những tình cảm đơn giản. Các ý kiến, tư tưởng, giáo lý truyền bá vào nó được nhanh chóng tiếp nhận hoàn toàn không cần xem xét hoặc bị vứt bỏ tất cả. Bởi đám đông không hề có chút nghi ngờ đối với những gì một khi họ đã coi đó là sự thật hoặc giả dối, mặt khác họ lại rất ý thức được sức mạnh của mình, cho nên nó rất tùy tiện và không khoan dung.
Tính độc đoán và không khoan dung đối với đám đông là một tình cảm hết sức rõ ràng, họ dễ dàng chấm nhận nó cũng như dễ dàng biến nó thành hành động. Đám đông tôn sùng quyền lực, đồng thời những cái tốt lại thường bị họ cho là dấu hiệu yếu đuối, cho nên có tác động rất ít đến họ.
Đạo đức của đám đông
Nếu chúng ta coi khái niệm đạo đức đồng nghĩa với sự tôn trọng những tập tục xã hội nào đó và sự kiềm chế thường xuyên những tham vọng cá nhân, thì rõ ràng rằng, đám đông quá ư là bản năng và không chín chắn để có thể tiếp nhận đạo lý. Thế nhưng nếu ta hiểu khái niệm đạo đức là những tính cách nhất định xuất hiện trong khoảnh khắc như sự hy sinh, sự tận tâm, lòng vị tha, sự xả thân, sự công tâm thì ta có thể nói, đám đông thường có thể có một tư cách đạo đức rất cao.
Đám đông thường tuân theo những bản năng thấp hèn, tuy nhiên cũng có lúc nó tỏ ra có những hành động cực kỳ cao thượng. Nếu nói rằng lòng vị tha, sự hy sinh, sự dâng hiến một cách vô điều kiện cho một lý tưởng, hão huyền hoặc thực tế, là những nhân cách đạo đức, thì ta có thể nói rằng, đám đông thường có một nhân cách như vậy ở mức độ rất cao mà ngay cả những triết gia thông thái nhất cũng hiếm khi đạt đến được.
Theo Trí Thức Trẻ