Câu chuyệnKinh doanh

Thị trường thời trang nhanh: Mỏ vàng tại Việt Nam

Một lần nữa sự “đổ bộ” của nhiều thương hiệu thời trang nhanh nước ngoài đã đẩy ngành thời trang nội vốn chỉ có thị phần nhỏ giờ càng bị thu hẹp hơn.

Chỉ trong những ngày đầu tháng 9 đã có ba thương hiệu thời trang nước ngoài khai trương tại Việt Nam, gồm Stradivarius, Massimo Dutti của Tây Ban Nha, Hennes&Mauritz (H&M) của Thụy Điển, trong đó thương hiệu H&M đã tạo nên “cơn sốt” mua sắm trong ngày ra mắt.

Luôn chiều người thích thời trang nhanh

Những gì mà Zara Vietnam thể hiện tại cửa hàng đầu tiên đã chứng tỏ sức hút của trường phái kinh doanh fast fashion (thời trang nhanh) và H&M được dự báo sẽ tiếp bước Zara “làm nên chuyện”. Sau Zara, các “anh em” nhà Inditex như Stradivarius, Pull&Bear, Massimo Dutti cũng lần lượt thâm nhập thị trường Việt Nam.

Thời trang nhanh đang là xu hướng tiêu dùng tại nhiều quốc gia, vì thế Zara và H&M cùng nhiều nhãn hiệu khác đang đe đọa các thương hiệu xa xỉ. Những “ông lớn trong ngành thời trang như Louis Vuitton, Prada đều phải cố gắng giảm chi phí, hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh và thay vì mỗi năm ra những bộ sưu tập theo mùa, giờ đây họ tung ra nhiều bộ sưu tập hơn.

Từ sau cơn sốt Zara, thị trường thời trang Việt Nam lại có cơ hội xôn xao khi ngày 9/9, H&M ra mắt tại TP.HCM. Uniqlo của Nhật Bản cũng đã có kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, sức ép đối với các doanh nghiệp thời trang nội đang tăng dần.
Dù chỉ là “hàng hiệu bình dân” nhưng không thể phủ nhận các hãng thời trang nhanh như Zara, H&M, Topshop là những thương hiệu hấp dẫn khách hàng Việt Nam.

Đối với thị trường Việt Nam, đơn vị quản lý Zara tại Indonesia áp dụng chính sách giá thấp hơn ở Thái Lan, Singapore, Malaysia từ 15 – 20% với những mã hàng chọn lọc. Họ khảo sát mức tiêu thụ, thu nhập của từng thị trường và định giá sản phẩm dựa trên số tiền mà khách hàng sẵn sàng chi ra. Và khách hàng Việt Nam có thể an tâm mua sắm với nhiều mức giá các loại thời trang nhanh từ khoảng 149.000 đồng đến trên một triệu đồng/sản phẩm.

Tương tự, chính sách giá “phải chăng” để thu hút người mua đã được H&M áp dụng tại Việt Nam, nhưng giá của H&M được xem thấp hơn của Zara. Với mục tiêu hướng đến lượng người mua cao nhất, H&M chọn mặt bằng bán lẻ với diện tích từ 2.000 – 3.000m2, đồng thời có thể thấy việc H&M bắt tay với các nhà thiết kế danh tiếng như Karl Lagerfeld hay Balmain đã đem đến vị thế mới cho nhà mốt Thụy Điển này trong ngành thời trang nhanh đại chúng.

Bên cạnh giá, việc hợp tác với nhà thiết kế và triển khai mẫu mã nhanh chóng quyết định sự thành công của các nhãn hiệu thời trang nhanh. Chẳng hạn, Zara có thể thiết kế, sản xuất, tiếp thị và phân phối một mặt hàng mới đến 93 quốc gia với 2.213 cửa hàng chỉ trong vòng hai tuần.

Chính sự nhanh chóng thỏa mãn tâm lý thích cái mới và chính sách kinh doanh không đụng hàng đã tạo nên hiệu quả cho Zara. Đây là hạn chế mà các nhà bán lẻ truyền thống luôn phải chạy theo. Cuối cùng, sau khi tạo ra cảm giác “nghiện thời trang giá rẻ” nhưng chất lượng phù hợp, các thương hiệu bắt đầu tấn công vào sự tiện dụng, có thể tìm thấy ở bất cứ đâu.

Cửa nào cho thời trang nội?

Thời trang Việt từng có thời hưng thịnh với nhiều thương hiệu được đánh giá là hàng hiệu, như Ninomaxx, Foci, Hagattini, Việt Thy, PT2000, BlueExchange, Ttup. Nhưng đến nay các tên tuổi này mờ nhạt dần, thậm chí không còn. Bắt đầu từ năm 1999, với định vị ở phân khúc trung cấp, Foci (thuộc Công ty Thời trang Nguyên Tâm) thu hút khách hàng hơn chục năm thì vài năm trở lại đây lại hoạt động lèo tèo và nay đã đóng cửa.

Bà Ngô Thị Báu, Tổng giám đốc Công ty Dệt may Nguyên Tâm (chủ thương hiệu Foci) từng nói: “Một trong những nguyên nhân Foci đóng cửa vì không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ và nạn hàng giả, hàng nhái”. Nhiều nhãn hiệu thời trang Việt Nam khác cũng bị quên lãng trước sự lấn át của thời trang ngoại giá rẻ.

Nhưng một số thương hiệu vẫn phát triển trên hào quang của quá khứ. Trong đó, Ninomaxx là một trong những thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực thời trang thông dụng. Công ty Thời trang Việt của Ninomaxx đã xây dựng hình ảnh, thương hiệu cũng như tạo nên tên tuổi của ngành bán lẻ thời trang Việt Nam có kế hoạch tấn công thị trường thời trang ở Mỹ. Giới mộ điệu thời trang luôn chờ đợi những bộ sưu tập của thương hiệu này bởi sự sáng tạo trong thiết kế và chất liệu vải.

Tuy nhiên, Ninomaxx ngày càng đuối sức trong việc chạy theo mốt mới. Từ hệ thống 200 cửa hàng, nay Ninomaxx đã tái cấu trúc và đóng cửa hàng loạt điểm bán, hiện chỉ tập trung vào 64 cửa hàng, chủ yếu ở khu vực phía Nam. Mặc dù ông Nguyễn Hữu Phụng – Giám đốc Thời trang Việt tỏ ra lạc quan khi quyết tâm củng cố thị phần, trực tiếp cạnh tranh với thời trang ngoại cùng phân khúc, nhưng trong “cơn bão” cạnh tranh với thương hiệu ngoại, Ninomaxx sẽ phải rất nỗ lực.

Các thương hiệu khác như Nem, Canifa, TNG đều có chiến lược đa dạng chất liệu phổ thông như cotton, kaki, jeans, silk, voan, ren và đang cố gắng nâng số cửa hàng với nhiều vị trí đẹp ở các tỉnh, thành phố lớn, các trung tâm thương mại. Họ có lợi thế là có nhà máy giúp rút ngắn thời gian từ thiết kế đến sản xuất và phân phối.

Dù vậy, mẫu mã, thương hiệu của họ vẫn khó sánh với hàng ngoại. Ông Nguyễn Văn Thời – Chủ tịch TNG cũng từng cho rằng : “Thương hiệu ngoại vào Việt Nam cho chúng ta kinh nghiệm về cách làm. Trong đó, kinh doanh thời trang được mất nằm ở việc nhanh hay chậm đưa ra mẫu mã mới. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần có đội ngũ thiết kế thật giỏi”.

“Để tồn tại trong ngành công nghiệp thời trang, giá cả cạnh tranh là chưa đủ. Phải có sự thay đổi thật nhanh mẫu mã, đội ngũ thiết kế phải theo kịp nhu cầu người tiêu dùng”, bà Lê Quỳnh Trang – Tổng giám đốc Công ty CP Truyền thông đa phương tiện (Multimedia JSC), đơn vị đã thực hiện nhiều chương trình làm thay đổi bộ mặt thời trang Việt Nam, nhận xét.

Nhà tạo mốt Minh Hạnh luôn trăn trở với ngành công nghiệp thời trang Việt Nam do thiếu sự hợp tác giữa nhà thiết kế và nhà sản xuất. Hằng năm, số lượng nhà thiết kế tăng đáng kể từ nhiều cuộc thi thiết kế, nhưng chẳng có bao nhiêu nhà thiết kế được tuyển chọn vào công ty may mặc.

Phần lớn nhà thiết kế xây dựng thương hiệu cá nhân với qui mô nhỏ, tất yếu không tạo được tăng trưởng kinh tế từ nguồn thu cỏn con này. Còn các công ty dệt may lớn đủ lực thì bộ máy cồng kềnh, không thích ứng với cách làm sản phẩm thời trang hoàn chỉnh và nhanh, thế là đành chấp nhận gia công.

THANH DUY

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close