Câu chuyệnKinh doanhKinh tế vĩ môThời sự
TPP có là tất cả?
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết không thể phó thác tương lai của doanh nghiệp (DN) vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Người ta lo ngại khi nhậm chức, Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể sẽ tăng cường chủ nghĩa bảo hộ thông qua việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá mạnh mẽ hơn nữa, tăng cường xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng hóa trong nước. Và do đó, khả năng thông qua TPP sẽ không dễ dàng, dù bên lề Hội nghị APEC 24 mới đây, lãnh đạo 12 nước thành viên TPP đều nhất trí thúc đẩy nỗ lực thực thi thỏa thuận thương mại tự do này.
Đã có những ý kiến về một hiệp định “thay thế” tại APEC 24, đó là Khu vực Tự do thương mại châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) nếu TPP không được thông qua.
Khó thì có khó
Là một trong 12 nước thành viên tham gia đàm phán TPP, kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào nếu không có TPP? Trên diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, Việt Nam còn nhiều hiệp định kinh tế khác, đảm bảo quá trình hội nhập kinh tế thế giới.
Tính đến năm 2015, Việt Nam có quan hệ thương mại và đầu tư với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký hơn 60 hiệp định kinh tế và thương mại song phương và thiết lập quan hệ đầu tư với 84 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Dĩ nhiên không thể phủ nhận những lợi ích mà TPP mang lại, bởi các nước tham gia TPP chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu. Khi tham gia TPP, Việt Nam có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản. Đáng chú ý, những năm gần đây, Mỹ luôn là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Cách đây hơn 20 năm, kim ngạch thương mại 2 chiều của Việt Nam và Mỹ chỉ đạt 450 triệu USD, nhưng năm 2014 là 35 tỷ USD và 2015 đạt 41,26 tỷ USD. Hàng hóa Việt Nam đang xuất siêu sang thị trường Mỹ. Cụ thể, năm 2015, Mỹ là thị trường mà Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn nhất, với 25,7 tỷ USD.
Nhắc đến lợi ích của TPP, ngành dệt may, da giày được đánh giá là hưởng lợi lớn từ xác định nguồn gốc xuất xứ đến giảm thuế nhập khẩu. Trong cơ cấu hàng hóa xuất sang Mỹ, dệt may là ngành hàng dẫn đầu về kim ngạch, năm 2015 giá trị xuất khẩu đạt 11 tỷ USD.
Liên quan đến TPP, bà Nguyễn Hồng Trang – TGĐ Sơn Kim Fashion (SKF) nhìn nhận, cùng với châu Âu, Nhật Bản, Mỹ là một trong ba thị trường xuất khẩu chính của hàng dệt may Việt Nam. Nếu TPP không thông qua sẽ ảnh hưởng đến DN trong ngành, nhất là DN có quy mô sản xuất lớn và sử dụng nhiều lao động.
Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM đánh giá, nếu TPP dừng sẽ có tác động nhất định đến sự tăng trưởng của ngành dệt may, đáng chú ý là sự chủ động nguồn nguyên phụ liệu cũng như dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực này. “Tuy nhiên, nếu không có TPP thì DN sẽ tìm hướng đi khác như thời điểm chưa đặt kỳ vọng về TPP”, ông Hồng nói.
Mở con đường khác
Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Chile, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á Âu thay vì chỉ trông chờ vào những thị trường trong TPP.
Ông Phạm Hồng Hải – TGĐ Ngân hàng HSBC Việt Nam bày tỏ quan điểm, không nên tập trung vào khả năng TPP không được thông qua mà quên rằng đàm phán các FTA khác vẫn đang tiếp diễn. Một trong những đàm phán quan trọng là FTAAP.
FTAAP là một sáng kiến do APEC khởi xướng cách đây 20 năm, kết nối 21 nền kinh tế, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc. FTAAP chiếm 60% GDP thế giới và 50% giá trị thương mại toàn cầu. Văn kiện của FTAAP đã được hoàn tất và chương cuối đang được gấp rút thực hiện.
Một FTA khác với quy mô nhỏ hơn tập trung vào châu Á có thể kể đến Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định này kết nối 3 nền kinh tế tiêu dùng lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ, khối ASEAN), tạo ra khu vực tự do thương mại giữa 16 nền kinh tế châu Á và đóng góp khoảng 22.400 tỷ USD GDP và 10.000 tỷ USD giá trị thương mại thế giới.
RCEP đặc biệt sẽ có lợi cho khối các nước Đông Nam Á do sẽ giảm thiểu những bất cập giữa các FTA trước đó, từ đó đẩy mạnh lợi thế cạnh tranh của khu vực này.
“Tôi tin rằng Tổng thống mới của nước Mỹ có trách nhiệm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng như việc làm cho người dân. Đồng thời, chúng tôi cũng tin tưởng tự do thương mại được đặt trên nền móng các nguyên tắc vững chắc sẽ mang đến sự thịnh vượng. Cho dù có hay không có TPP, nước Mỹ vẫn là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và các DN Việt Nam cần theo dõi sát sao những động thái tiếp theo, đồng thời cần giữ vững tinh thần tiến lên phía trước để tận dụng mọi lợi thế có được từ các FTA trong vòng đàm phán. Mặt khác, việc cần làm song song là xây dựng thị trường nội địa vững mạnh”, đại diện HSBC Việt Nam nhấn mạnh.