Năng lượngThị trường
Trung Quốc đang là yếu tố tác động mạnh nhất đến thị trường dầu lửa?
Trong năm ngoái, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và sang năm 2018, khả năng trên có thể tiếp tục lại xảy ra.
Ảnh: MarketWatch
Chiều thứ Ba tuần này, Trung Quốc công bố đã nhập khẩu 39,46 triệu tấn dầu trong tháng 4/2018. Trước đó, nhập khẩu dầu của Trung Quốc đã tăng liên tiếp nhiều tháng.
Trước thời điểm năm 2018, lượng nhập khẩu dầu hàng tháng của Trung Quốc chưa bao giờ quá 37 triệu tấn. Thế nhưng từ đầu năm 2018 đến nay, chỉ duy nhất trong tháng 2/2018 khi người Trung Quốc nghỉ Tết Nguyên đán, có lượng nhập khẩu dầu thấp hơn con số trên.
Lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc thực sự gây bất ngờ cho nhiều bên.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo mức tăng trưởng của nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ ở mức khoảng 300 nghìn thùng/ngày trong vài năm tới khi mà Trung Quốc điều chỉnh lại quá trình công nghiệp hóa, cùng lúc đó, phương tiện chạy điện trở nên phổ biến hơn sẽ khiến nhu cầu dùng xăng giảm.
OPEC từng điều chỉnh nâng dự báo tiêu thụ dầu của Trung Quốc trong năm 2017 và nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục làm vậy trong năm 2018. Nếu tính ở mức nhập khẩu dầu của tháng 4/2018 so với cùng kỳ năm trước, nó cho thấy mức tăng trưởng khoảng 1,2 triệu thùng dầu/ngày.
Có nhiều nguyên nhân có thể lý giải cho tình trạng này. Các mỏ khai thác dầu nội địa Trung Quốc đang gặp khó trong việc đáp ứng nhu cầu hoặc đã bị khai thác hết, chính phủ Trung Quốc trong khi đó hối thúc các công ty sản xuất thêm nhiều khí đốt.
Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi mà Trung Quốc đang phải dựa nhiều hơn vào nhập khẩu. Trong trường hợp này, khi nhu cầu nội địa Trung Quốc tăng trưởng chậm lại một chút, tác động sẽ lan rộng trên khắp các thị trường toàn cầu.
Một yếu tố khác không kém phần quan trọng chính là việc thực ra dầu thô nhập không nhất thiết được tiêu thụ ở Trung Quốc. Khi giới chức Trung Quốc nới lỏng hạn ngạch thương mại, hoạt động xuất khẩu sản phẩm năng lượng tăng mạnh. Chuyên gia Andy Meng thuộc Morgan Stanley ước tính rằng khối lượng sản phẩm năng lượng xuất khẩu theo hạn mức được cho phép của năm 2018 đã cao hơn con số tổng của cả năm 2017.
Nếu nhìn từ góc độ này, yếu tố nhu cầu nội địa Trung Quốc cũng không quan trọng bằng thói quen sản xuất quá thừa thãi của ngành sản xuất Trung Quốc.
12 tháng qua, Trung Quốc xuất khẩu ròng 26 triệu tấn sản phẩm năng lượng. Con số trên đủ lớn để biến một đất nước mà mới chỉ vài năm trước đây là một trong những nước nhập khẩu sản phẩm năng lượng lớn nhất thế giới thành một nước xuất khẩu sản phẩm năng lượng lớn, ngang hàng với Hàn Quốc, Cô-oét và Ấn Độ.
Việc giá dầu vẫn giảm ngay cả sau khi có thông tin cho thấy Tổng thống Donald Trump rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran có thể được lý giải rằng quyết định của Tổng thống Trump đã được thị trường dự báo trước, và biến động giá dầu vì vậy không chịu ảnh huởng. Yếu tố nhu cầu Trung Quốc sẽ có thể gây ra nhiều tác động hơn.
Hợp đồng dầu thô định giá bằng đồng nhân dân tệ mới được đưa vào giao dịch gần đây trên sàn Thượng Hải có thể là một trong những cách tốt nhất mà Iran tận dụng nhằm tránh lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Những năm gần đây, Trung Quốc giảm bớt mua dầu của các nước vùng Vịnh và chuyển sang mua dầu của Nga, Mỹ, Brazil, Malaysia. Khi lệnh trừng phạt được siết với Iran, các nhà kinh doanh năng lượng Trung Quốc sẽ có thể quay trở lại mua dầu của Iran.
Yếu tố nguồn cung có thể vô cùng quan trọng để hiểu diễn biến trên thị trường năng lượng, thế nhưng nó không phải là tất cả. Hiện nay, nhu cầu từ phía Trung Quốc có thể đáng lưu tâm nhất.
TRUNG MẾN