Bất động sảnThị trường

Từ bài học Parkson…

Câu chuyện đáng chú ý nhất trong tuần qua là việc Trung tâm thương mại Parkson Việt Tower chính thức công bố thay đổi địa điểm kinh doanh từ ngày 15/12/2016 sau 6 năm hoạt động.

Lý do đóng cửa, theo thông báo của Parkson là để chuyển địa điểm kinh doanh, tuy nhiên, chuyển đi đâu thì doanh nghiệp chưa cho biết.

Nói về lý do phải “rút lui”, đại diện Parkson cho biết: “Hiện nay, khi ngày càng có nhiều nhà bán lẻ kinh doanh tại các trung tâm thương mại với mô hình shopping center quy mô lớn đi vào hoạt động, kèm theo những tiện ích hiện đại giữ chân khách hàng, nên thị trường càng bị cạnh tranh quyết liệt. Vì thế, Parkson Việt Tower tại Hà Nội không thể tiếp tục hoạt động tại cùng địa điểm”.

Trong trường hợp nếu không mở tại một địa điểm mới nào khác, đồng nghĩa với việc Parkson đã hoàn toàn rút chân khỏi thị trường Hà Nội (trước đó, ngày đầu năm 2015, Parkson Landmark Keangnam cũng đã đóng cửa).

Như vậy, tại Việt Nam, hiện Parkson còn 7 trung tâm tại 3 thành phố, trong đó có 5 trung tâm tại TP.HCM, gồm Parkson Saigontourist (quận 1), Parkson Hùng Vương Plaza (quận 5), Parkson C.T Plaza (quận Tân Bình), Parkson Cantavil Premier (quận 2), Parkson The Flemington (quận 11) và 2 trung tâm còn lại tại Hải Phòng và Đà Nẵng.

Sự rút lui của Parkson khỏi thị trường Hà Nội gây chú ý, nhưng không phải quá bất ngờ. Vì sao?

Có thể thấy, với việc chỉ tập trung vào mô hình hoạt động Department Store hay siêu thị bán lẻ hàng hiệu, một ngách tương đối nhỏ của ngành bán lẻ, thì sự rút lui này đã được nhiều người dự đoán cách đây vài năm.

Nếu so với các trung tâm mua sắm tên tuổi khác gia nhập thị trường với quy mô và nhiều tiện ích lớn hơn, phục vụ nhu cầu đa dạng hơn từ mua sắm tới ăn uống, vui chơi, xem phim…, thì rõ ràng Parkson tỏ ra “lép vế” hơn rất nhiều.

Một báo cáo của Knight Frank cho biết, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng của giới “siêu giàu” cao nhất thế giới với 166% trong vòng 10 năm tới. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ năng động và hấp dẫn nhất trong khu vực châu Á và trên thế giới.

Đây là con số ấn tượng đối với bất kỳ nhà bán lẻ nào, nhất là với những nhà bán lẻ hướng tới đối tượng khách hàng hạng sang như Parkson. Nhưng thống kê là một chuyên, thực tế lại là chuyện khác.

Hiện không nhiều người sẵn sàng vào các Department Store như Parkson để mua hàng hiệu, thậm chí số lượng này có dấu hiệu giảm khá nhiều trong những năm vừa qua. Trong khi đó, thị trường đang có sự cạnh tranh gay gắt khi thêm nhiều tên tuổi lớn gia nhập thị trường phân phối hàng xa xỉ, đồ hiệu như Tràng Tiền, Robins, Lotte…

Sự rút lui của Parkson có thể đem lại nụ cười cho một số nhà bán lẻ khác, vì loại được một đối thủ. Nhưng điều quan trọng hơn, “cái chết” này đã để lại một bài học đắt giá cho những người “còn sống”.

Hiện nguồn cung hàng hiệu đã trở nên đa dạng, ngày càng có nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng. Ngoài việc thích mua hàng hiệu qua đường xách tay, nhiều người đang chọn cách đi du lịch nước ngoài kết hợp mua sắm. Nếu lựa chọn mua xách tay, mua qua đường du lịch, giá có thể rẻ hơn so với mức giá bán trung bình tại các cửa hàng đồ hiệu từ vài triệu đồng mỗi sản phẩm.

Bên cạnh đó, không chỉ Tràng Tiền Plaza, Robins, Lotte, trong hơn 1 năm qua, nhiều tên tuổi bán lẻ lớn khác cũng lũ lượt vào Việt Nam như Emart, Aeon, Takashimaya hay AuchanSuper…

Không chỉ thế, hiện nay, tỷ lệ chuyển đổi từ mua sắm truyền thống (từ chợ truyền thống chuyển sang siêu thị, trung tâm thương mại…), hay thói quen sinh hoạt (ăn uống tại nhà hàng, vui chơi cuối tuần…) vẫn chưa thực sự nhiều.

Do đó, nếu không thay đổi mô hình và hạ giá bán sản phẩm so với thu nhập bình quân của người Việt Nam, thì không chỉ có Parkson, mà rất có thể sẽ có thêm nhà bán lẻ hạng sang nữa phải nói lời chia tay cuộc chơi.

Nhìn lại vài năm trước, câu chuyện “thiên đường mua sắm hàng hiệu” Grand Plaza ra mắt ầm ĩ rồi nhanh chóng rút lui “không kèn, không trống” chỉ vì không nắm được nhu cầu thật của thị trường, cũng là một bài học còn nguyên tính thời sự cho bất kỳ nhà bán lẻ ngoại nào.

Như tiền nhân đã nói, nếu không “biết người, biết ta”, thì khó mà có thể “trăm trận, trăm thắng”, nhất là cuộc chiến có nhiều đối thủ mạnh như thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay.

Theo Việt Dương
Báo Đầu tư Bất động sản

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close