Câu chuyệnKinh doanh

Từ ông trùm ‘phim mát’ thành tỷ phú Nhật

Kameyama hiện là người giàu thứ chín Nhật Bản và cũng trở thành một hình mẫu tại quốc gia này.

Cuối năm ngoái, Đại học tư thục Keio danh tiếng nhất nước Nhật đã mời Keishi Kameyama – ông trùm ngành phim người lớn đến nói chuyện với sinh viên về tác dụng của việc điều hành một doanh nghiệp có ích cho xã hội.

Sau nhiều năm bị ngân hàng từ chối cho vay và đóng băng hoạt động, người đàn ông từng bị xã hội Nhật bỏ rơi hiện là người đi tiên phong trong lĩnh vực internet. Thậm chí, Kameyama còn trở thành hình mẫu tại quốc gia này.

DMM – đế chế truyền thông và công nghệ của Kameyama từng bắt đầu với phim khiêu dâm thì nay đã phát triển thành một mô hình lớn với nhiều doanh nghiệp. Nhờ đó, Kameyama trở thành một trong những người giàu nhất Nhật.

tu-ong-trum-phim-mat-thanh-ty-phu-nhat

Kameyama chưa bao giờ lộ mặt trước truyền thông. Ảnh: Bloomberg

Vài năm trước, Kameyama đã nhận được sự giúp đỡ quan trọng khi nhà làm phim “Beat” – Takeshi Kitano tin tưởng, đồng ý để anh có mặt trong các quảng cáo về hỗ trợ khởi nghiệp. Từ sau đó, Kameyama nhanh chóng được nhìn nhận lại.

Theo một cuộc khảo sát sinh viên chưa tốt nghiệp của tờ Nikkei hồi tháng 4, ông chủ của DMM là một trong 100 nhà tuyển dụng hàng đầu tại Nhật, xếp trên cả IBM và Google.

“Chúng tôi luôn thử những điều mới mẻ, nên mọi người nghĩ rằng nếu bạn làm việc ở đây, những điều thú vị sẽ xảy ra”, Kameyama chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.

Đây dường như là một điều kỳ lạ khi ông chủ một trang chuyên cung cấp phim khiêu dâm nhận được sự ủng hộ của công chúng. Tuy nhiên, Nhật là một quốc gia luôn nhìn nhận khá thoáng về vấn đề này.

Kameyama đã mở rộng lĩnh vực hoạt động sang kinh doanh tiền tệ, trò chơi điện tử, một trường học tiếng Anh trực tuyến và năng lượng mặt trời. Năm ngoái, phim người lớn chỉ mang về 1,7 tỷ USD, chưa bằng một phần ba doanh thu của DMM.

tu-ong-trum-phim-mat-thanh-ty-phu-nhat-1

Văn phòng làm việc tại trụ sở chính của DMM. Ảnh: Bloomberg

“Mọi người đang bắt đầu nhận ra người đàn ông này thông minh đến mức nào. Ông ấy cực kỳ tiến bộ và cách sử dụng tiền của Kameyama rất, rất thông minh”, Akira Ishihara – chủ tịch hãng tư vấn Kiseki Keiei Risya cho biết.

Số tài sản Kameyama sở hữu tại DMM đạt giá trị khoảng 3,5 tỷ USD, theo  Bloomberg News và Bloomberg Billionaires Index. Tuy nhiên, người giàu thứ chín nước Nhật vẫn ăn mặc đơn giản và đạp xe đi làm. Ông đã kết hôn và có hai con.

Người đàn ông 56 tuổi này bắt đầu trả lời phỏng vấn cách đây vài năm để xoá bỏ tin đồn là một yakuza. Đến nay, Kameyama vẫn chưa bao giờ cho phép hình ảnh của mình xuất hiện trên báo chí hay các trang mạng. Lý do ông đưa ra là để bảo vệ sự riêng tư.

Trong 30 năm làm phim người lớn, Kameyama cho biết chưa từng đóng một phim nào và cũng không xem phim do mình sản xuất. Với người đàn ông này, phim khiêu dâm là một thứ chỉ để bán.

Kameyama bắt đầu sản xuất phim người lớn từ cuối những năm 1980 sau khi nhận ra không đủ tiền để làm những bộ phim chính thống. Năm 1998, ông giới thiệu dịch vụ trang web trực tuyến đầu tiên tại Nhật. Thời điểm ấy, DMM đã là hãng phim khiêu dâm lớn nhất Xứ sở Mặt trời mọc.

Trong một thập kỷ, hơn một triệu người dùng internet trả tiền để xem phim của Kameyama. Ông bắt đầu tìm kiếm những thứ để bán cho các khán giả nam giới luôn dán mắt vào trang web của mình.

Theo công ty tiếp thị Forex Magnates, Kameyama đã mua lại một công ty môi giới chứng khoán đang gặp khó khăn vào năm 2009. Sau cuộc cải tổ trị giá khoảng 100 triệu USD, ông đã biến nó trở thành nền tảng phổ biến nhất cho các nhà đầu tư ngoại tệ. DMM như là một “Las Vegas ảo”- phục vụ cho những mối bận tâm nhất của người dân: tình dục và tiền bạc.

Từ đây, Kameyama phát triển nhiều dự án thân thiện với gia đình hơn. Trò chơi điện tử “Fleet Collection” là một trong những ý tưởng hay nhất của ông.

Kameyama không tiết lộ lợi nhuận của DMM. Tuy nhiên, ông cho biết nó đủ để chi trả cho các hoạt động kinh doanh mới mà không cần DMM phải niêm yết, trừ phi ông xây dựng một công viên giải trí, chủ đề về các nhân vật hoạt hình của Nhật. “Hãy thử tưởng tượng mọi người sẽ nói gì nếu ông trùm phim người lớn xây dựng một Disneyland?”, ông chia sẻ.

Doanh thu của DMM tăng trung bình 30% mỗi năm. Trong đó, lĩnh vực giải trí người lớn đang dần chiếm một phần nhỏ. Trang DMM.com hiện có 27 triệu người dùng.

tu-ong-trum-phim-mat-thanh-ty-phu-nhat-2

DMM hiện là một doanh nghiệp đa ngành tại Nhật. Ảnh: Bloomberg

Kameyama sinh ra tại một thị trấn nhỏ ở vùng biển Kaga. Bố mẹ ông chạy bàn trong một quán rượu – nơi hầu hết đàn ông trả tiền để tận hưởng các phụ nữ nóng bỏng và hy vọng sẽ kết nối được những thoả thuận khác. Đây không phải là nhà chứa, cũng không phải là một thế giới khác. “Lớn lên trong môi trường như vậy đã giúp tôi không bị định kiến”, Kameyama chia sẻ.

Ông đã làm vũ công khoả thân tại câu lạc bộ đồng tính nam Chippendale sau khi bỏ học trường kế toán năm 1980. Kameyama cũng từng cố gắng xin việc tắm rửa cho tử thi tại một bệnh viện.

Gần 30 tuổi, Kameyama trở thành chủ một cửa hàng cho thuê băng, đĩa phim. Tuy nhiên, khi ấy, Blockbuster Video phiên bản Nhật cũng bắt đầu phát triển tại thị trấn nơi ông sinh sống. Kameyama biết rằng mô hình kinh doanh của mình sẽ khó tồn tại lâu dài. Vậy là ông quyết định thử làm phim, thay vì cho thuê phim. Kameyama thiết lập xưởng sản xuất phim người lớn của mình trong một siêu thị bỏ hoang, nơi ông dùng đầu ghi hình của gia đình để sao chép phim từ băng gốc, cả ngày lẫn đêm.

Ông đã thuyết phục được hầu hết các cửa hàng bán sản phẩm của mình bằng một cách tiếp thị khó để từ chối: “Đây là hộp 100 băng, bán được bao nhiêu thì trả tiền bấy nhiêu”. Cách này giúp Kameyama không phải sử dụng một đội quân bán hàng.

Tuy nhiên, sự đột phá lớn nhất đến vào năm 1998 khi Kameyama quyết định phát triển trên thị trường trực tuyến. Khi ấy, chỉ gần một phần năm gia đình Nhật có mạng internet.

Nhờ có chỗ đứng từ sớm trên thị trường, Kameyama đã mở rộng được tầm kiểm soát của mình ngay cả khi ngành phim khiêu dâm đi xuống. DMM hiện bán một nửa số phim người lớn tại Nhật mỗi năm, giá trị ước tính khoảng 1 tỷ USD.

“Anh ấy đã làm được những gì mà các công ty Mỹ từng làm được. Đó là khởi nghiệp từ thời kỳ DVD thịnh hành, tiến đến online và thống trị”, Alec Helmy – nhà sáng lập hãng phim người lớn XBIZ nhận xét.

Sự bền bỉ là một phần lý do khiến sinh viên của Đại học Keio ở Tokyo mời Kameyama đến tham dự buổi hội thảo về mọi thứ, về kinh doanh có ý thức xã hội cuối năm ngoái.

Các sinh viên đã hỏi làm thế nào Kameyama có những ý tưởng mới và sự tự tin để thực hiện. Một sinh viên còn hỏi làm thế nào để xây dựng một doanh nghiệp độc lập mà vẫn góp phần vào xã hội. Kameyama trả lời rằng: “Hãy bắt đầu bằng cách xây dựng một công ty để nuôi sống gia đình, thay vì cố gắng giải quyết nạn đói toàn cầu”.

Anh Tú (theo Bloomberg)

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close