Đừng vội bắt đầu một thói quen mới khi hoàn cảnh xung quanh vẫn còn đang cản trở bạn làm điều đó.
Mỗi ngày của bạn đều căng thẳng như một trận đấu sinh tử, mà chiến thắng của cuộc chiến đó chính là thành công của bạn. Tại sao không thử những bí kíp chiến trận của người xưa để tự mình thành chiến lược gia điều binh khiển tướng chính đời mình.
Tôn Vũ là một chiến lược gia tài ba trong lĩnh vực quân sự thời Trung Hoa cổ đại. Không chỉ là tác giả của cuốn sách nổi tiếng, Binh Pháp Tôn Tử, ông còn là bậc thầy của thứ “quyền lực mềm” và cha đẻ của phương pháp “chiến tranh linh hoạt”. Ông luôn ưu tiên chiến thắng không cần đổ máu, hay ít nhất là thắng những trận đánh đơn giản nhất trước tiên bất cứ khi nào có thể.
“Trong quân sự, chiến lược gia đại tài chỉ đánh những trận bách chiến bách thắng.” – Tôn Vũ viết. Ông khuyên binh lính của mình “tiến quân theo những lộ trình không thể lường trước và tấn công vào những cứ điểm không được phòng thủ kĩ càng”. “Chiến thuật quân sự cũng như nước vậy. Theo lịch trình tự nhiên, nước sẽ chảy từ nơi cao và đổ nhanh xuống thấp. Vì thế, trong chiến tranh, chiến thuật là tránh cái gì mạnh và tấn công vào những nơi yếu thế.”
Phương pháp của Tôn Tử vượt ra ngoài cả lĩnh vực quân sự bởi chúng tập trung vào phương pháp tìm ra con đường dễ nhất để hiện thực hóa mục tiêu. Cách tiếp cận của ông có thể được áp dụng vào mọi lĩnh vực từ thúc đẩy kinh doanh và thiết lập mục tiêu cho đến việc giảm cân và hình thành thói quen tốt.
Trận chiến lập thói quen tốt
Chúng ta rất hay gắng sức để xây dựng những thói quen mới, giành được những mục tiêu lớn, và nếu không thì cũng là “chiến thắng trong cuộc sống” chỉ bằng sức lực của mình. Chúng ta đối mặt trực diện với kẻ thù – trong trường hợp này là những thói quen xấu – ở thời điểm mà chúng lớn mạnh nhất. Ví dụ:
Chúng ta cố gắng theo một kế hoạch ăn kiêng nghiêm ngặt khi chúng ta ăn tối với bạn bè Chúng ta cố gắng viết một cuốn sách ở trong một môi trường ồn ã Chúng ta cố gắng ăn uống lành mạnh trong một ngôi nhà tràn đầy đường kẹo Chúng ta cố gắng làm bài tập về nhà khi đang mở ti vi Chúng ta cố gắng tập trung khi đang sử dụng điện thoại thông minh với rất nhiều các ứng dụng mạng xã hội và những thứ khiến ta xao lãng khác
Và khi chúng ta thất bại trong việc chinh phục những mục tiêu, chúng ta đổ lỗi cho bản thân mình đã “không đủ khao khát” và không có đủ ý chí.
Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, thất bại không phải là hậu quả của thiếu ý chí mà là hậu quả của một chiến lược nghèo nàn.
Những nhà lãnh đạo quân sự tài ba bắt đầu từ việc giành chiến thắng trong những trận đánh đơn giản và cải thiện dần dần vị thế của họ. Họ chờ cho đến khi lực lượng đối lập yếu dần đi và tinh thần suy giảm trước khi tấn công trực diện kẻ thù. Vì vậy, tại sau lại phải bắt đầu trận chiến ở những nơi được bảo vệ gắt gao? Tại sao lại bắt đầu những thói quen mới trong khi hoàn cảnh đang ngăn cản không cho phép ta làm?
Tôn Tử không bao giờ để quân lính của mình xung trận khi địa thế không ủng hộ họ. Ông sẽ không cho tấn công ở căn cứ mà kẻ thù đang mạnh nhất.
Tương tự trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta nên bắt đầu cải thiện những điểm dễ trong thói quen trước, hãy xây dựng điểm mạnh của mình, thiết lập một vị trí tốt từ đó tấn công những thay đổi khó nhằn nhất về sau.
Tôn Tử, bậc thầy của thói quen
Hãy áp dụng những lời dạy của Tôn Tử để xây dựng những thói quen tích cực hơn. Dưới đây là một số ví dụ về việc ứng dụng các suy ngẫm của ông trong chiến tranh vào cuộc sống hằng ngày.
Ví dụ 1:
Tôn Tử: “Bạn có thể nắm chắc được phần thắng trong cuộc tấn công của mình nếu bạn chỉ tấn công những nơi không được phòng thủ.”
Áp dụng: “Bạn có thể nắm chắc được phần thắng trong thói quen của mình nếu bạn chỉ xây dựng những thói quen đơn giản để duy trì.”
Ví dụ 2:
Tôn Tử: “Người chiến thắng là người biết khi nào nên đánh khi nào nên ngừng”
Áp dụng: “Người cải thiện được hành vi của mình là người biết nên bắt đầu từ thói quen nào và cái nào thì nên để sau”
Ví dụ 3:
Tôn Tử: “Một vị tướng tài sẽ tránh một đội quân đang thiện chiến nhưng sẽ tấn công khi quân lính đã rệu rã và muốn thoái lui”
Áp dụng: “Một con người thông minh sẽ tránh những thói quen xấu nào đang mạnh nhất, nhưng sẽ tấn công nơi chúng yếu và dễ thay đổi.”
Đánh những trận mà bạn chắc chắn sẽ thắng
Trở nên tốt hơn không đơn giản là vấn đề của ý chí hay đạo đức làm việc. Nó là một vấn đề của chiến lược. Cái mà mọi người vẫn giả định là thiếu ý chí hoặc không sẵn sàng thay đổi chỉ là hậu quả của việc cố gắng xây dựng thói quen tốt trong môi trường xấu.
Nếu bạn đang cố gắng đọc thêm nhiều sách, đừng đọc nó ở trong phòng có nhiều trò chơi điện tử, Netflix và tivi. Hãy chuyển đến địa điểm ít gây xao lãng hơn. Nếu bạn đang thừa cân, đừng gắng theo một chương trình luyện tập cho các vận động viên điền kinh ở trường. Sau này bạn có thể đạt đến mốc đó, nhưng ngay bây giờ thì nó vẫn chưa phải là cuộc chiến cho bạn. Hãy bắt đầu với một thay đổi bạn có thể làm chủ nó. Nếu xung quanh bạn là những con người muốn phá hoại mục tiêu của bạn, hãy tiếp tục dự án của mình ở một nơi khác hoặc làm quen với những con người có cùng tư tưởng với mình. Nếu bạn đang cố gắng gắn bó với thói quen viết lách khi con bạn ở nhà và nhà bạn là một mớ hỗn độn, hãy làm việc đó ở một thời điểm khác. Hãy chuyển sang một thời điểm ít thứ vướng bận bạn hơn.
Hãy xây dựng thói quen của bạn trong hoàn cảnh bạn dễ dàng thực hiện nó.
Hãy xác định lại tình thế. Hãy vẽ ra cuộc chơi mà lợi thế rõ ràng đã nghiêng về phía bạn. Nó nghe có vẻ đơn giản nhưng đã bao lâu bạn thấy bản thân mải miết chiến đấu với những cuộc chiến khó nhằn và lờ đi những trận đấu dễ dàng? Cần rất nhiều thời gian để chiến đấu trong những trận đánh khó. Hãy thắng những trận đơn giản trước đã.
Lối đi thông minh nhất cho sự tiến bộ là lối đi có ít cản trở nhất. Hãy chiến đấu cho những trận đánh mà ở đó bạn chắc chắn là người chiến thắng.