Nhân sựQuản trị

Giúp nhân viên thành… chuyên gia

Nhà lãnh đạo là người đặt ra tầm nhìn cho công ty, nhưng chính nhân viên mới là thành tố quan trọng giúp hiện thực hóa tầm nhìn đó.

Họ là người trực tiếp làm việc với khách hàng và nghĩ ra ý tưởng khi cần thiết. Nhân viên càng làm việc tốt thì công ty càng nhanh thành công. Tuy nhiên trong quá trình làm việc, một trong những kỹ năng quan trọng nhất và cũng khó nắm bắt nhất đối với nhân viên là kỹ năng giải quyết vấn đề.

Giải quyết vấn đề không phải là một kỹ năng đơn giản, rất khó truyền đạt và không dễ tiếp thu, vì nó đòi hỏi sự sáng tạo, tư duy trừu tượng, khả năng bình tĩnh và tầm nhìn rộng để có thể thấy bức tranh toàn cảnh của vấn đề.

Theo Jayson Demers – nhà sáng lập, CEO AudienceBloom (một agency trong lĩnh vực SEO – tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), sau đây là một số cách để nhà lãnh đạo giúp nhân viên nâng cao khả năng giải quyết vấn đề:

1. Bắt đầu từ quá trình tuyển dụng

Dù đã có một đội ngũ giỏi, bạn cũng cần phải nắm bắt cơ hội để tuyển thêm những nhân tài có khả năng giải quyết vấn đề tốt. Hầu hết nhà tuyển dụng khi phỏng vấn ứng viên đều rất quan tâm đến kinh nghiệm, bằng cấp, thành tích, nhưng lại không chú trọng đến khả năng sáng tạo của họ.

Hãy thử cách tiếp cận tương tự như Google: đưa ra một vấn đề cần giải quyết ngay trong buổi phỏng vấn rồi quan sát phản ứng của ứng viên xem họ có bị áp lực hay không. Nếu có, rủi ro sau này cho công ty là rất cao. Nếu ngược lại, họ chính là nhân viên tiềm năng.

2. Tin tưởng nhân viên

Hãy tin tưởng để nhân viên hoàn thành phần việc được giao. Nếu bị quản lý vi mô, họ sẽ bị phụ thuộc vào hướng dẫn của bạn và có thể “oán giận” bạn.

Thay vào đó, hãy trao cho họ một không gian riêng và cho họ biết rằng bạn hoàn toàn dựa vào khả năng tự giải quyết vấn đề của họ. Nhờ đó, họ sẽ cảm thấy được trao quyền hơn và hoàn thành công việc tốt hơn.

3. Trao cho nhân viên mục tiêu chứ không phải sự hướng dẫn

Khi phân công nhiệm vụ hay dự án mới, đừng giao một “bộ hướng dẫn” cho nhân viên, đừng nói họ cần phải làm như thế nào để hoàn thành công việc.

Thay vào đó, hãy chỉ đặt ra những mục tiêu và để họ tự lo phần còn lại. Ví dụ như đưa ra đề nghị: “Tôi muốn có được tỷ lệ chuyển đổi từ công chúng thành khách hàng cao hơn 10%. Anh/chị có thể làm được?”.

4. Khuyến khích sự sáng tạo

Bạn cần khuyến khích sáng tạo càng nhiều càng tốt, vì việc giải quyết vấn đề đỏi hỏi phải có tư duy trừu tượng. Trên thực tế, các vấn đề đơn giản và hợp lý thường không khó giải quyết.

Có nhiều cách để nuôi dưỡng tính sáng tạo tại nơi làm việc. Ví dụ như bổ sung các yếu tố màu sắc, thêm cây cối, thiết lập thêm nhiều khu vực giải trí, nghỉ ngơi, treo tranh trừu tượng… trong không gian văn phòng.

5. Cung cấp các nguồn lực phong phú

Vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng hơn nếu có đủ các nguồn lực. Chẳng hạn việc theo dõi tiến triển của một chiến dịch SEO sẽ thuận tiện hơn nếu có một phần mềm phân tích giúp bạn đi đúng hướng.

Hãy tạo điều kiện và cung cấp cho nhân viên các công cụ cần thiết để hoàn thành công việc. Và nếu họ đề xuất giải pháp để mọi thứ vận hành tốt hơn, hãy tiếp thu. Hãy kết nối họ với những nguồn lực, công cụ và sự tư vấn để họ có thể tìm ra giải pháp hợp lý nhất.

6. Khuyến khích làm việc nhóm

Nhân viên có thể là người giải quyết vấn đề giỏi, nhưng họ sẽ giỏi hơn nữa nếu cùng làm việc trong một nhóm.

Nếu khi làm việc cùng nhau, những nhân viên này chỉ tư duy tiểu tiết mà bỏ qua bức tranh toàn cảnh thì đó cũng chỉ là một quá trình lãng phí thời gian. Nhưng nếu được rèn luyện tốt kỹ năng làm việc nhóm, họ sẽ tự do chia sẻ ý tưởng hơn, bù trừ cho nhau và cuối cùng tạo ra các giải pháp nhanh hơn, hiệu quả hơn.

7. Đánh giá cao những ý tưởng mới

Hãy tiếp nhận ý tưởng mới và khuyến khích nhân viên nêu ý kiến. Khi đó, nhân viên sẽ cảm thấy được đánh giá cao và tiếp thêm sức mạnh, và họ sẽ tự tin hơn khi tự giải quyết vấn đề.

Giải quyết vấn đề là yếu tố quan trọng trong mọi phần việc của doanh nghiệp, từ phân tích một chiến dịch đến đề ra giải pháp mới cho một vấn đề chung của khách hàng. Khi nhân viên được trang bị tốt để có thể tự giải quyết các vấn đề này với sự can thiệp tối thiểu của nhà quản lý, cả công ty/tổ chức sẽ vận hành nhanh hơn, hiệu quả hơn với nhiều giải pháp đa dạng hơn.

BÍCH TRÂM (theo Entrepreneur)

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close