Doanh nghiệpKinh doanh

Vì sao 83% doanh nghiệp mới thành lập phá sản?

Sở hữu và điều hành doanh nghiệp được xem là công việc chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, phần lớn chủ doanh nghiệp chưa ý thức mạnh mẽ điều này và không dành nhiều thời gian cho việc huấn luyện cấp dưới điều hành doanh nghiệp hoạt động tốt hơn.

“Một quan điểm khá phổ biến mà chủ doanh nghiệp thường mắc phải đó là, bất kỳ ai đều có thể bắt đầu công việc kinh doanh mà không cần tích lũy hay trau dồi kỹ năng nào, chỉ cần có một số vốn nhất định.  Đây cũng là lí do tại sao 83% doanh nghiệp mới thành lập trên thế giới phá sản trong 5 năm đầu tiên”, ông Vic Ciuffetelli, Tổng giám đốc ActionCOACH toàn cầu, thương hiệu Huấn luyện doanh nghiệp của Úc chia sẻ nhân chuyến thăm Việt Nam mới đây.

Cũng theo ông Vic Ciuffetelli, nguyên nhân thất bại chẳng phải vì chủ doanh nghiệp thiếu đam mê, mà do họ không dành thời gian học hỏi để nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng điều hành doanh nghiệp một cách linh hoạt, thích ứng nhanh với những biến đổi của thị trường.

“Khi gặp gỡ và trò chuyện với nhiều chủ doanh nghiệp Việt Nam, tôi nhận thấy một điều khá bất ngờ rằng, những khó khăn của họ cũng chính là những khó khăn mà các chủ doanh nghiệp tại các quốc gia khác trên thế giới đã và đang gặp phải”.

Nhìn nhận về các cơ hội của doanh nghiệp Việt khi tham gia hội nhập vào khối cộng đồng chung Đông Nam Á (AEC) và Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP),  ông Vic Ciuffetelli cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế mới nổi nằm trong nhóm phát triển nhanh nhất trên thế giới, nên đây là cơ hội lớn cho các chủ doanh nghiệp Việt Nam gia tăng lợi nhuận nhanh chóng.

Tuy nhiên, khi hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, các nền kinh tế mới nổi phải đối mặt với thách thức cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi và hành động ngay từ bây giờ, để làm sao thu hút và tận dụng mọi nguồn lực cần thiết phục vụ cho mục tiêu thúc đẩy hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn và phát triển doanh nghiệp bền vững hơn.

Theo quan điểm quản trị của ActionCOACH, sở hữu và điều hành doanh nghiệp được xem là công việc chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, phần lớn chủ doanh nghiệp chưa ý thức mạnh mẽ điều này và không dành nhiều thời gian cho việc huấn luyện cấp dưới điều hành doanh nghiệp hoạt động tốt hơn.

“Chẳng hạn, với nghề sửa chữa điện, sẽ mất khoảng từ 2-3 năm để học cách trở thành một người thợ lành nghề. Nếu muốn trở thành kế toán, bạn phải mất từ 4-5 năm để hoàn thành một chương trình đào tạo tại trường đại học và thêm vài năm làm việc thực tế để có thể trở thành một nhân viên kế toán vững nghiệp vụ”, Tổng giám đốc ActionCOACH nhìn nhận.

Huấn luyện và cung cấp cho doanh nghiệp những chiến lược thực tiễn, mang tính ứng dụng cao và nhanh chóng nhất nhằm giúp doanh nghiệp phát triển, được dự báo sẽ là công việc phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Dù xuất hiện tại Việt Nam chưa lâu, nhưng nghề huấn luyện đã thu hút sự quan tâm của đông đảo chủ doanh nghiệp và giới điều hành kinh doanh.

Được biết, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân Việt Nam, tháng 4 vừa qua, KPMG Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trẻ Việt Nam đã triển khai chương trình liên kết KPMG NEXT.

Theo đó, các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia chương trình sẽ có cơ hội tham gia các buổi hội thảo chuyên đề, đào tạo tập trung được tổ chức tại Việt Nam và Singapore, nhằm giúp doanh nghiệp chuẩn bị và vượt qua các khó khăn, thử thách trên chặng đường phát triển kinh doanh bền vững. Đặc biệt, doanh nghiệp tham gia sẽ nhận được tư vấn chuyên sâu “một-kèm-một” từ các chuyên gia kinh nghiệm của KPMG Việt Nam.

Bên cạnh đó, KPMG NEXT còn là cơ hội để mở rộng các mối quan hệ và hợp tác cùng các nhà lãnh đạo trong khu vực và quốc tế, cũng như cơ hội để thăm quan và học hỏi từ các công ty danh tiếng, bao gồm KPMG Singapore, Google, Linkedln…

Theo ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của KPMG Việt Nam và Campuchia, KPMG NEXT trang bị cho các doanh nghiệp Việt cái nhìn toàn diện hơn về những thử thách và khó khăn sẽ gặp phải trong quá trình vươn ra khu vực và thế giới. Điều này đặc biệt quan trọng hơn từ năm 2016, khi Việt Nam tiến một bước dài trong việc hội nhập cùng Cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia TPP, cũng như các hiệp định thương mại quốc tế khác. Các doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn không thể bỏ qua thách thức và cơ hội do việc hội nhập này mang đến.

Gia Linh/ĐTCK

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close