Doanh nghiệpKinh doanh

Vì sao Habeco “cháy hàng” ngày đầu tiên lên sàn?

Sự xuất hiện của 231,8 triệu cổ phiếu Habeco vẫn chưa thể thỏa mãn được cơn khát cổ phiếu bia của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Dù cổ phần hóa từ năm 2008 nhưng đến hết tháng 10/2016, Tổng công ty Rượu – Bia – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) mới chính thức đưa cổ phiếu lên niêm yết.

Chưa thỏa cơn khát cổ phiếu bia

Hơn 231,8 triệu cổ phiếu của Habeco với mã chứng khoán BHN giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 39.000 đồng mỗi cổ phiếu đã chào sàn trong phiên 28/10. Sự xuất hiện của BHN dường như chưa thỏa mãn được cơn khát cổ phiếu bia trên thị trường chứng khoán khi mã cổ phiếu nhanh chóng “cháy hàng”.

Ngay khi phiên giao dịch vừa bắt đầu, lệnh đặt mua ở mức giá trần lên đến hàng triệu đơn vị, trong khi phía ngược lại, không có lệnh đặt bán nào được đẩy lên. Kết phiên, chỉ có vỏn vẹn 100 cổ phiếu BHN được bán ra. Chừng ấy cổ phiếu được chuyển nhượng cũng vừa đủ cho BHN ghi nhận mức tăng kịch trần trong phiên chào sàn UPCoM là 40%, lên 54.600 đồng mỗi cổ phiếu.

Việc nhà đầu tư háo hức với Habeco là điều dễ hiểu, bởi ngành bia tại Việt Nam được đánh giá là hết sức hấp dẫn.

Theo nghiên cứu của Nielsen được công bố mới đây, tốc độ tăng trưởng của ngành đồ uống nói chung tại Việt Nam đang có sự chững lại đáng kể. Tuy vậy, nếu xét riêng về bia thì đây vẫn là ngành có tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Kể từ quý III/2015, tốc độ tăng trưởng ngành bia Việt Nam thường đạt mức trên 13%.

Trong quý III/2016, mặc dù tăng trưởng ngành bia đã có phần chậm lại nhưng vẫn ở mức khá cao với 9,2%. Riêng trong năm 2015, Việt Nam tiêu thụ 3,4 lít bia và là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á và nằm trong top 25 thế giới.

Habeco là một trong những tổng công ty làm ăn khá hiệu quả. Cụ thể, năm 2014, lợi nhuận sau thuế đạt 831,7 tỷ đồng, năm 2015 đạt 887,1 tỷ đồng.

Năm 2016, Habeco đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 848,5 tỷ đồng và trả cổ tức 15%. Ngoài hiệu quả kinh doanh, một trong những yếu tố hấp dẫn khác của Habeco là từ thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong ngành sản xuất đồ uống có cồn. Có thể kế đến các nhãn hiệu như: bia Hà Nội, bia Trúc Bạch, cùng nhiều dòng sản phẩm khác như Premium, Lager. Habeco có 17 công ty con và 9 công ty liên kết, nằm rải rác khắp các tỉnh, thành từ miền Bắc đến miền Trung.

Hiện nay tổng công suất toàn hệ thống của Habeco đạt trên 800 triệu lít bia mỗi năm và luôn nằm trong Top 3 doanh nghiệp sản xuất bia có thị phần lớn nhất cả nước.

Chờ gọi tên Sabeco

Phát biểu tại buổi khai trương giao dịch cổ phiếu BHN trên sàn UPCoM, ông Đỗ Xuân Hạ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Habeco, chia sẻ sự kiện BHN chính thức giao dịch trên UPCoM đánh dấu bước phát triển mới, đồng thời cũng thể hiện tầm nhìn chiến lược dài hạn của ban lãnh đạo Habeco.

Đó cũng là động lực để doanh nghiệp không ngừng nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng tính minh bạch, chuẩn hóa hoạt động quản trị của tổng công ty.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào lịch sử cổ phần hóa của Habeco, sẽ thấy phát biểu của ông Hạ hoàn toàn trái ngược với những gì đã diễn ra tại doanh nghiệp này. Điều này cũng diễn ra tại tổng công ty bia hàng đầu Việt Nam hiện nay, là Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) .

Bất chấp sự hối thúc của của Chính phủ cho đến kiến nghị của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), lãnh đạo Habeco và Sabeco gần như không có động thái gì cho thấy rằng họ sẽ đưa cổ phiếu lên niêm yết, nhất là sau khi cả hai doanh nghiệp này được cổ phần hóa vào năm 2008.

Mới đây, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016, hai cái tên Habeco và Sabeco được đưa ra mổ xẻ việc chậm đưa cổ phiếu lên niêm yết.

Tại buổi họp báo này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu hai công ty phải niêm yết ngay trên sàn chứng khoán. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Habeco và Sabeco phải làm ngay để tạo minh bạch về tài chính và có sự giao dịch trên sàn, lấy giá giao dịch đó để dẫn chiếu cho hoạt động thoái vốn nhà nước khỏi hai tổng công ty này. Dự kiến, toàn bộ vốn nhà nước tại Habeco khoảng 9.000 tỷ đồng (tương đương 81,79% vốn điều lệ) sẽ được thoái vốn trong năm 2016.

Ngược lại, lộ trình thoái vốn tại Sabeco sẽ được chia làm 2 đợt. Đợt 1 thoái 53,59% vốn điều lệ (tương đương 24.500 tỷ đổng) trong năm 2016. Đợt 2 sẽ thoái tiếp 36% vốn điều lệ (tương đương 16.000 tỷ đồng) trong năm 2017 sau khi Sabeco niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Nếu thực hiện đúng lộ trình này, không cần chờ đợi bán vốn ở Vinamilk, nhà nước vẫn có thể thu được ít nhất 25.000 tỷ đồng trong năm 2016. Đây là một trong những nguồn thu đáng kể để bổ sung vào ngân sách và giảm áp lực tài khóa. Nếu Habeco đăng ký niêm yết trên UCPoM thì Sabeco đăng ký niêm yết thẳng trên sàn HOSE.

Trong công văn được Sabeco gởi lên Bộ Công Thương ngày 15/9, doanh nghiệp này xin ý kiến thực hiện niêm yết trên sàn HOSE và đề nghị này nhanh chóng được chấp thuận.

Thông thường, quá trình xem xét và duyệt hồ sơ diễn ra trong vòng hai tháng. Như vậy, nếu không có gì thay đổi thì Sabeco sẽ chính thức lên sàn trong năm 2016.

BHN là mã cổ phiếu thứ 97 lên đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trong năm 2016, nâng tổng giá trị đăng ký giao dịch trên HNX lên hơn 89.000 tỷ đồng.

Theo Zing News

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close