Khám pháSống

Vì sao “nghệ thuật là không trả giá”?

Không có bất kì chức năng gì ngoài trang trí không gian, vậy sao một bức tranh, một bức tranh hay tượng lại có giá trị tới hàng trăm nghìn hay hàng triệu USD, người ta gọi đó là nghệ thuật.

Nghệ thuật đắt vì đâu?

Tác phẩm nghệ thuật này có giá tới 44 triệu USD.
 Một tác phẩm của Ai Weiwei

Một tác phẩm của Ai Weiwei

$575.000 cho một lố ghế gỗ kỳ quặc của Ai Weiwei. Một bức tranh với một hình vẽ/in không ra bầu dục, cũng chẳng ra hình thuốc viên con nhộng, có màu xanh dương trên một mặt phẳng hình chữ nhật của Ellsworth Kelly có giá $1,5 triệu. Một tủ đựng các thiết bị phẫu thuật của Damien Hirst được chào bán với cái giá $2,5 triệu. Vậy lý do gì khiến cho nghệ thuật có thể trở nên đắt đỏ tới vậy? Điều gì có thể khiến những chiếc ghế gỗ đắt lên hàng triệu lần, hay một vết loang màu xem chẳng ai hiểu lại có giá đủ để mua cả tỷ lọ mực để thực hiện cả tỷ vết loang?

Có rất nhiều lý do để những vật vô nghĩa, vô lý và hoàn toàn chẳng có công năng gì này trở nên đắt đỏ. Nhà buôn tranh người New York, Arne Glimcher cho biết một trong những lý do khiến cho những tác phẩm của Warhol trở nên đắt đỏ là bởi chúng không ngừng bị làm giá. Simon de Pury, chủ tịch của nhà đấu giá Phillips de Pury cũng đưa ra một số những lý do giải thích tại sao một tác phẩm lại có thể đắt đỏ tới vậy. Bức ảnh có kích thước lớn sẽ có giá cao hơn bức có kích thước nhỏ. Một tác phẩm từng thuộc quyền sở hữu của một người nổi tiếng sẽ có giá cao hơn. Nếu tác phẩm đó từng được trưng bày trong một viện bảo tàng thậm chí có thể có giá cao hơn nữa.

Tuy nhiên, những điều này chỉ có thể giải thích việc tại sao tác phẩm này lại đắt hơn tác phẩm khác. Những lý do này không thể giải thích việc tại sao lại có những người bỏ những khoản tiền tương đương với một căn biệt thự cho một tác phẩm rất “giời ơi”.

Bất chấp sự suy thoái của nền kinh tế, thị trường nghệ thuật đang tăng trưởng tới mức không ngờ. Trong nửa đầu năm 2011, tổng doanh thu từ thị trường nghệ thuật thế giới đạt mức kỷ lục $5,8 tỷ, tăng 34% so với năm 2010. Trang web Artprice.comcho biết tối thiểu đã có hơn 663 tác phẩm vượt mức giá 01 triệu euro trong giai đoạn này. Mức tăng này cao hơn so với mức từng đạt kỷ lục 06 tháng đầu năm của năm 2008 là 200 tác phẩm.

Những tác phẩm có giá cao nhất dường như chẳng có gì liên quan tới các vấn đề thuộc về kinh tế. Noah Horowitz, tác giả của cuốn sách Art of the Deal, cho biết xét trên đường dài, lợi tức của việc đầu tư vào nghệ thuật chỉ tương đương với đầu tư vào cổ phiếu – nhưng vấn đề là rủi ro cao hơn. Tuy nhiên, nếu bạn xét đến trường hợp chỉ có khoảng 1% người giàu có thể thực sự hoang phí tiền, bạn sẽ thấy đầu tư vào nghệ thuật không mang nhiều ý nghĩa về đầu tư tài chính. Thay vào đó, trong trường hợp này những giá trị cần tính đến là giá trị của văn hoá của tiền, và của nghệ thuật. Cần nhớ những đồng đô la được tiêu ở Miami không phải chỉ là những đồng đô la mà là những đồng đô la văn hoá.

Dưới đây, chúng tôi sẽ gợi ý 05 lý do nghệ thuật bất chấp các khó khăn kinh tế.

 Một tác phẩm của Jeff Koons

Một tác phẩm của Jeff Koons

YẾU TỐ DANH TIẾNG

“Nếu tôi không thể bán một thứ gì đó, tôi sẽ tăng giá gấp đôi.” Đó là điều mà Ernst Beyeler, nhà môi giới hàng đầu Thuỵ Sỹ – người đã giúp thành lập Art Basel, chia sẻ. Thực tế, một vài người muốn trả nhiều tiền hơn là trả đúng giá trị của một tác phẩm. Viviana Zelizer, nhà nghiên cứu xã hội học người viết cuốn The Social Meaning of Money, giải thích nguyên nhân của việc này là do chúng ta có những phản ứng khác nhau khi phải đối diện với những món đồ có mức giá khác nhau. Cụ thể theo Zelier, chúng ta sẽ dành những kính trọng đặc biệt hoặc thậm chí là kính sợ cho những món đồ được gắn những tag giá trên trời. “Tôi cho rằng bản thân mức giá của một tác phẩm đã giống như một chiếc vương miện,” người giúp thành lập triển lãm Art Basel cho biết.

 Triển lãm tác phẩm của Ai Wei Wei – người đã sắp đặt những chiếc ghế gỗ và gọi nó là nghệ thuật để gắn lên đó những tag giá hàng trăm ngàn đô.

Triển lãm tác phẩm của Ai Wei Wei – người đã sắp đặt những chiếc ghế gỗ và gọi nó là nghệ thuật để gắn lên đó những tag giá hàng trăm ngàn đô.

Năm 2006, đám đông đã xếp thành hàng dài để ngắm một bức chân dung được vẽ bởi Gustav Klimt trong triển lãm cá nhân Neue Galerie ở New York. Điều đáng nói là đám đông tập trung ở đây không hoàn toàn bởi vì yêu mến nghệ sỹ mà bởi họ nghe thấy người sáng lập bảo tàng, người thừa kế thương hiệu mỹ phẩm Estée Lauder đã chi một mức giá kỷ lục là $135 triệu cho bức tranh đó.

Nhà xã hội học Mitch Abolafia, người đã thực hiện một nghiên cứu về các nhà đầu tư tài chính ở Phố Wall, cho biết “thỉnh thoảng bản thân đồng tiền đã có tiếng nói riêng.” “Ngày nọ, một nhà môi giới chứng khoán đã chia sẻ với tôi, ‘Bạn không thể thấy nó, nhưng tiền ở mọi nơi trong căn phòng này. Tiền đang bay khắp nơi – hàng triệu triệu dollar.’ Đó là một cảm giác phấn khích chung về tiền. Thậm chí, ngay cả tôi cũng cảm thấy nó.” Sự phấn khích đó là tất cả những gì chúng ta có được từ những tác phẩm nghệ thuật đắt giá. Một nhà sưu tập, người luôn tin nghệ thuật nên được mua chỉ bởi nghệ thuật, cũng cho biết các tác phẩm được bán trong những “điều kiện” kiểu này cũng có mức giá tăng cao tới không ngờ.

Những người đang chi những khoản kếch xù để mua các tác phẩm nghệ thuật không phải chỉ bởi những ánh hào quang lấp lánh của tác phẩm. Ai cũng biết rằng để làm được điều này, tất cả những gì họ cần phải làm là chi $20 để thăm các bảo tàng. Điều quan trọng là cái thú của việc độc quyền sở hữu các tác phẩm. Theo nhà buôn tranh New York Glimcher, đó là cái cảm giác bạn sở hữu bức tranh Picasso trị giá $100 triệu. Nhà xã hội học Abolafia giải thích các nhà đầu tư tài chính mà ông quen biết chẳng bao giờ “thẹn thùng” khi khoe khoang giá cả những món đồ chơi của họ. Theo ông, trong thế giới của những người này, bạn mua thứ gì không quan trọng bằng việc bạn có thể ném qua cửa sổ bao nhiêu tiền để mua nó.

TIỀN LÀ CHUYỆN NHỎ, NHƯNG QUAN TRỌNG

Nhà sưu tập người New York, Agnes Gund chia sẻ nếu giá trị các tác phẩm nghệ thuật của cô đột ngột giảm một nửa, cô vẫn không cảm thấy có gì thay đổi. Thực tế, rất nhiều nhà sưu tập bỏ hàng triệu đô vào nghệ thuật bởi họ có một niềm tin thực sự vào giá trị thẩm mỹ của một tác phẩm. “Chúng tôi không xem nghệ thuật là một kênh đầu tư. Khi mua một tác phẩm nghệ thuật, chúng tôi có được phần thưởng tinh thần cho bản thân mình – tôi thích trở về nhà và nhìn ngắm những bức tường của nhà mình,” Eli Broad, một nhà đầu tư ở Los Angeles chia sẻ. (Eli Broad đã mua những bức ảnh của Cindy Sherman với giá thấp nhất khoảng $150.000.)

Những tác phẩm giả bóng bay này của Jeff Koons cũng có giá hoàn toàn không rẻ. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng những “quả bóng không thể bay này” có giá tối thiểu từ hàng triệu tới hàng chục triệu đô.
 Tác phẩm Acrobat của Jeff Koons. Có thể nói Jeff Koons khá nổi tiếng với phong cách bong bóng đặc trưng này.

Tác phẩm Acrobat của Jeff Koons. Có thể nói Jeff Koons khá nổi tiếng với phong cách bong bóng đặc trưng này.

Mỹ thuật luôn là nền tảng của thị trường nghệ thuật. Tuy nhiên, thước đo của nghệ thuật phải mang tính “vật lý”, và trong trường hợp này thước đo chính là dollar. Một trong những nhà môi giới tranh lớn nhất New York đã chia sẻ với nhà xã hội học người Hà Lan, Velthuis rằng “trong một số trường hợp, các tác phẩm nghệ thuật chiếm tới 40% tài sản của các nhà tài phiệt. Và điều này xuất phát từ việc họ muốn được nghe mọi người đánh giá là họ có gout thẩm mỹ.”

Khi tìm kiếm những tác phẩm nghệ thuật cao cấp, điều mà chúng ta luôn làm cũng là nhìn vào giá tiền. Trở lại với những hàng dài người đứng xếp hàng để ngắm tác phẩm của Klimt. Những người này đứng xếp hàng bởi họ đang chịu tác động của hiệu ứng đám đông. Còn để phá vỡ kỷ lục về giá thì theo Glimcher: “tất cả những gì bạn cần để tạo ra một cái chợ chỉ là 02 người.”

SĂN TÌM NGHỆ THUẬT

Ở thị trường nghệ thuật, các nhà sưu tập đang không chỉ mua lấy nghệ thuật mà thực tế họ còn đang mua cả sự vui thích từ việc săn tìm các tác phẩm. Một nhà tư vấn nghệ thuật, người thường xuyên làm việc với các tác phẩm hàng đầu, chia sẻ một nhà sưu tập giống như “một người nhiễm bệnh. Căn bệnh của họ là mua sắm các tác phẩm nghệ thuật. Họ không ngừng săn tìm và thu thập các tác phẩm.”

Lý do này giúp chúng ta hiểu tại sao tranh của Warhol và Picasso lại có thể đắt tới vậy. Lý do là Warhol và Picasso đưa ra rất nhiều tác phẩm ở những thời kỳ khác nhau. Điều này khiến cho những người mua phải không ngừng săn tìm các tác phẩm của Warhol và Picasso. Khi mua được một tác phẩm ở một giai đoạn, họ sẽ có được cảm xúc của việc sở hữu được một cái gì đó thật đặc biệt, một cái gì đó rất quý hiếm và không ai có.

Một điểm giải thích cho việc các nhà đầu tư đang có xu hướng quay sang săn tìm những tác phẩm nghệ thuật đương đại là bởi mua những tác phẩm của những nghệ sỹ mà bạn có thể vui vẻ và hẹn hò cùng sẽ thích thú hơn. Ngoài ra, nếu đầu tư vào những cái tên mới, bạn có thể tuyên bố và khẳng định gout thẩm mỹ của mình. Trong khi đó, nếu đầu tư vào những tác phẩm nghệ thuật cổ, có thể bạn sẽ bị đánh giá là không cógout và quyết định mua tác phẩm của bạn được đưa ra là nhờ bởi các nhà nghiên cứu lịch sử.

CÁC THỊ TRƯỜNG MỚI

Một lý do nữa khiến thị trường nghệ thuật đang có những bước tăng trưởng tới không ngờ là sự xuất hiện của các nhà giàu tới từ các quốc gia thuộc khối BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc). Với những khách hàng này, dường như tiền không phải là một vấn đề lớn. Một nhà sưu tập kỳ cựu cho biết trước đây giá một bức tranh của Gerhard Richter vào khoảng 06 con số hoặc 07 con số nhưng không quá lớn. Tuy nhiên, với những nguồn tiền mới đổ vào thị trường (người Nga đang phát cuồng vì Richter”, giá tiền những tác phẩm của Richter đang cao tối thiểu gấp 10 lần so với mức giá trước đây.

Thậm chí, với sự xuất hiện của những nguồn tiền mới này, nếu muốn sở hữu những tác phẩm mới của những nghệ sỹ nổi tiếng nhất như Jeff Koons, ngay cả những nhà giàu nhất cũng sẽ phải học cách chờ đợi. Và cần hiểu rằng, để sở hữu một tác phẩm thì quyền quyết định giá không thuộc về bạn, quyền này thuộc về các nhà đấu giá.

ĐẲNG CẤP VĂN HOÁ

Những nhà sưu tập các tác phẩm nghệ thuật có lối suy nghĩ rất khác biệt. Một trong những lý do khiến họ không ngừng mua vào các tác phẩm nghệ thuật là bởi vì họ muốn được xem là những nhà bảo trợ nghệ thuật và văn hoá. Ở nước ngoài, người ta không ngưỡng mộ bạn vì bạn có một đoàn xe Bentley nhưng họ sẽ ngưỡng mộ bạn bởi bạn sở hữu một bộ sưu tập các tác phẩm của Richard Serras.

Chuyên gia thẩm định giá các tác phẩm nghệ thuật Velthuis cho biết một số nhà sưu tập nói về việc mua những tác phẩm như dành tặng một món quá cho một nghệ sỹ nào đó, hoặc thậm chí là sự hi sinh cho nghệ thuật. Và họ thường chỉ mua thêm chứ rất ít khi bán đi các tác phẩm của mình. Trong trường hợp bán thì thường để gây quỹ từ thiện.

Theo Trí Thức Trẻ/Hanghieumagazine

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close