Khởi nghiệpKinh doanh

“Vũ khí” cạnh tranh khi khởi nghiệp thời 4.0

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ dành cho lĩnh vực lập trình. Khoa học công nghệ là cần thiết, nhưng trước tiên phải có nền tảng sáng tạo, từ đó mới dùng công nghệ để tạo ra các mô hình có tính cạnh tranh.

 

“Vũ khí” cạnh tranh khi khởi nghiệp thời 4.0

Ông Lý Đình Quân – CEO Songhan Incubator chia sẻ tại Tọa đàm Khởi nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo 2018 – Cơ hội và thách thức

Đó là chia sẻ của ông Lý Đình Quân – chuyên gia tư vấn, nhà sáng lập và CEO Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator) tại Tọa đàm Khởi nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo 2018 – Cơ hội và thách thức, do Báo Doanh Nhân Sài Gòn, Songhan Incubator và Quỹ khởi nghiệp Việt Nam (SVF) phối hợp tổ chức hôm 30/6/2018.

Thị trường Việt Nam có hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 70% trong số đó là doanh nghiệp dịch vụ thương mại, làm nhiệm vụ mua đi bán lại, không có nhiều hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm, dịch vụ. Vì vậy họ không có thế mạnh cạnh tranh, phạm vi hoạt động chủ yếu quanh quẩn ở địa phương.

Chính phủ Việt Nam muốn thay đổi hiện trạng này bằng cách thúc đẩy nền kinh tế tri thức, trong đó đổi mới sáng tạo là động lực và nền tảng, nhằm nâng cao năng suất, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp của nước ngoài, từ đó vươn ra thế giới. Vì vậy, trong vòng 3 năm qua, hành lang pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đã dần được hoàn thiện, với sự ra đời của nhiều văn bản pháp luật, như Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Chỉ thị số 16 /CT-TTg ngày 4/5/2017 tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị định 34/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Theo Tiến sĩ kinh tế Ngô Minh Hải – nhà đồng sáng lập Songhan Incubator, khi dùng tư duy đổi mới sáng tạo để giải quyết các vấn đề đang gặp phải hằng ngày, nhà khởi nghiệp có thể nảy ra rất nhiều ý tưởng kinh doanh. Sau đó họ có thể đưa công nghệ vào, như đưa sản phẩm đó lên app, lên các nền tảng phù hợp, rồi đẩy mạnh tiếp thị, bán hàng. Ông Hải tóm tắt quy trình khởi nghiệp sáng tạo: xây dựng sản phẩm, đóng gói, thử nghiệm với khách hàng và thị trường, sau đó chuyển giao cho những nơi có nhu cầu.

Nguồn: Songhan Incubator

Nguồn: Songhan Incubator

Với kinh nghiệm gần 20 năm kinh doanh và 4 năm điều hành Songhan Incubator – nhà ươm tư nhân đầu tiên ở khu vực miền Trung (chuyên thiết kế các chương trình ươm tạo và tăng tốc cho các doanh nhân khởi nghiệp và tư vấn hệ sinh thái khởi nghiệp cho các địa phương), ông Lý Đình Quân chia sẻ về những lợi ích to lớn khi thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo:

1. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng

Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo là làm cho cộng đồng thay đổi cả một nền tảng tư duy sang hướng 4.0, nghĩa là chuyển sang cách nhìn sáng tạo. Chính vì vậy, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mang lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho người trẻ mà cho cả một nền kinh tế.

Trước tiên là thay đổi tư duy về cách làm việc, hợp tác. Thay vì trước đây, doanh nghiệp, nhà trường, nhà nước có những cách làm khác nhau, thì bây giờ cả ba “nhà”: nhà trường, nhà nước, nhà doanh nghiệp phải hợp tác lại với nhau, và mỗi “nhà” đều có một sứ mệnh riêng cho sự phát triển của xã hội. Chẳng hạn, nhà trường không chỉ quan tâm mỗi một vấn đề về đào tạo, mà phải chú trọng thay đổi cách tiếp cận, sao cho sản phẩm đầu ra của mình phải tạo ra được giá trị cho xã hội.

Tiếp theo là thúc đẩy văn hóa chấp nhận thất bại, chấp nhận rủi ro – yếu tố không thể thiếu nếu muốn thúc đẩy người trẻ sáng tạo. Bởi sáng tạo là một quá trình đi từ tưởng tượng đến định hình những phương án, rồi thử nghiệm để chọn ra phương án tối ưu. Vì vậy, không thể yêu cầu người trẻ sáng tạo mà lại không cho họ được phép thất bại, điều quan trọng là phải có tư duy logic để kiểm soát rủi ro.

2. Tạo nền tảng tri thức thúc phát triển khoa học và công nghệ

Từ thực tế hoạt động trong các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp đưa ứng dụng đổi mới sáng tạo vào hoạt động của công ty, ông Quân cho biết, việc đưa khoa học công nghệ vào doanh nghiệp khá gian truân, do nhiều lãnh đạo chưa theo kịp xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, khi thay đổi hướng tiếp cận – thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, thì việc đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống đã nhanh chóng được hưởng ứng và triển khai, với sự tham gia nhiệt tình của giới trẻ.

“Nhờ sự dám nghĩ dám làm, sẵn sàng chấp nhận rủi ro của người trẻ, lúc đó, chỉ sau 2 năm, chúng tôi đã có vài sáng chế đăng ký, trong đó có dự án nôi thông minh. Họ chỉ là một nhóm sinh viên có ý tưởng sản xuất các bo mạch, hợp tác với nhóm những người trẻ trong lĩnh vực cơ khí thông minh. Sau đó, chúng tôi hỗ trợ họ thông qua làm việc với Sở Khoa học Công nghệ Đà Nẵng để đăng ký sáng chế. Chỉ trong vòng 3 tháng, chúng tôi đã có một sáng chế. Trong khi trước đó, muốn tìm một sáng chế để hỗ trợ là việc vô cùng khó khăn. Sau này các bạn trẻ đi đăng ký sáng chế ngày càng dễ dàng”, ông Quân kể.

3. Thu hút vốn đầu tư xã hội cho doanh nghiệp

Trong gần 20 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tiền của ngân hàng, với hơn 80% doanh nghiệp “bám chặt” vào ngân hàng. Thế hệ trẻ hiện nay nếu muốn kinh doanh sẽ lấy vốn từ đâu? Hầu hết đều không liên quan nhiều đến ngân hàng. Cách tiếp cận mới là dùng vốn của các nhà đầu tư thiên thần, nhà đầu tư mạo hiểm; khi doanh nghiệp đủ lớn, họ mới vay vốn ngân hàng. Thậm chí có nhiều startup không cần vay vốn ngân hàng, mà lấy toàn bộ vốn từ nhà đầu tư, quỹ đầu tư, hoặc IPO.

Đó là những sự khác biệt về nguồn vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp so với các doanh nghiệp truyền thống. Vì lẽ đó, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã tạo ra sức hút thu hút vốn đầu tư xã hội.

Hiện nay, pháp luật đã cho phép các nhà đầu tư cá nhân sử dụng tiền để đầu tư cho các nhà khởi nghiệp trẻ, chỉ cần có thu nhập tối thiểu trong hai năm gần nhất là 200 triệu đồng. “Đây sẽ là một thị trường đầu tư rất hấp dẫn trong tương lai. Tôi tin tưởng rằng 5 – 10 năm nữa, nguồn vốn đầu tư sẽ lan tỏa trong cộng đồng, khi thế hệ trẻ biết sử dụng tài năng trí tuệ để phát triển lên thành những doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Quân nhận định.

4. Tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay không còn bán sản phẩm nữa, mà là bán mô hình kinh doanh. Và mô hình đó của họ phải chạm tới được “nỗi đau” của người dùng. Bởi khi chạm được vào cảm xúc của người dùng, họ sẽ có sức cạnh tranh rất cao so với các doanh nghiệp truyền thống, sẽ bán được hàng và có chỗ đứng trên thị trường.

5. Tạo ra các doanh nghiệp mới bền vững

Quan điểm hình thành doanh nghiệp mới hiện nay đã rất khác so với giai đoạn trước. Trước đây, mục đích của phần lớn doanh nhân khi thành lập doanh nghiệp là để kiếm tiền, giải quyết sự nghèo khó. Còn bây giờ, người trẻ làm kinh doanh bắt nguồn từ đam mê, khát khao, ước mơ xã hội trở nên tốt đẹp hơn, thông qua việc giải quyết “nỗi đau” của xã hội.

Thay vì chờ đợi các doanh nhân đến đăng ký kinh doanh như trước kia, cách tư duy mới, cách làm mới hiện nay là “ươm doanh nhân”, tạo môi trường cho họ phát huy năng lực cá nhân và cộng hưởng với nhau (trong hệ sinh thái), tạo ra các doanh nghiệp, nếu không phải là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thì ít nhất cũng là doanh nghiệp vừa và nhỏ mang tính bền vững, do mục tiêu hoạt động là giải quyết các vấn đề xã hội.

BÍCH TRÂM

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close