Tài chính - Ngân hàngThị trường

Chuyện doanh nghiệp lên sàn: “Thuốc mới” trị bệnh thất hứa lên sàn

Cùng với giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp tuân thủ quy định về đưa cổ phiếu lên sàn, một cơ chế mới sắp có hiệu lực sẽ ngăn chặn phát sinh các trường hợp doanh nghiệp không lên sàn sau khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).

Ấn định thời hạn phải lên sàn

“Chỉ Việt Nam mới có kiểu IPO không gắn với đưa cổ phiếu lên sàn. Còn thông lệ quốc tế, đã IPO thì không tách rời với đưa cổ phiếu lên sàn. Vì cơ chế không giống ai này nên ở Việt Nam mới phát sinh tình trạng hiện còn hàng trăm doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, IPO 5 – 7 năm trước đến nay chưa lên sàn. Điều này chẳng khác gì thả gà ra đuổi nên mới phải nhọc công tìm đủ mọi cách để thúc ép doanh nghiệp lên sàn sau nhiều năm IPO”, một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán nói.

Để giải quyết sự đã rồi trên, nhiều cơ chế đã được đưa ra, khởi đầu là Quyết định 51/2014/QĐ-TTg (có hiệu lực từ ngày 1/11/2014) của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đối với doanh nghiệp chuyển thành công ty cổ phần sau ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty cổ phần hóa phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) và đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa đáp ứng các điều kiện niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán thì sau khi đưa cổ phiếu vào giao dịch trên UPCoM, trong thời hạn tối đa 1 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty cổ phần hóa phải bổ sung hồ sơ để hoàn tất thủ tục niêm yết.

Đối với doanh nghiệp đã chuyển thành công ty cổ phần trước ngày Quyết định này có hiệu lực, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp hoàn tất việc đăng ký giao dịch và niêm yết trong thời hạn tối đa 1 năm.

Quy định rõ ràng là vậy, nhưng đến nay rất nhiều doanh nghiệp vẫn chây ì lên sàn, khiến nhiều cổ đông và giới đầu tư bức xúc. Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã ký Văn bản số 1768/TTg-ĐMDN yêu cầu các bộ, UBND cấp tỉnh, hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lập danh sách các doanh nghiệp trực thuộc đã cổ phần hóa, nhưng chưa đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán, chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp hoàn tất việc đăng ký giao dịch và niêm yết theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 1/11/2016.

Tích hợp IPO với đăng ký lưu ký và đăng ký giao dịch

Để khắc phục “khoảng hở” của cơ chế trước đây là không gắn IPO với lên sàn dẫn đến tình trạng hàng trăm doanh nghiệp đã IPO nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa lên sàn, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã ban hành Thông tư 115/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 196/2011/TT-BTC hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.

“Có hiệu lực từ ngày 1/11/2016, điểm mới nổi bật của Thông tư 115/2016 so với quy định hiện hành là khi doanh nghiệp cổ phần hóa tiến hành IPO qua Sở Giao dịch chứng khoán phải đồng thời thực hiện đăng ký lưu ký và đăng ký giao dịch cổ phần. Có nghĩa là tích hợp 3 hoạt động được tiến hành riêng rẽ trước đây là IPO, đăng ký lưu ký và đăng ký giao dịch thành một hoạt động thống nhất, để buộc doanh nghiệp sau IPO phải đưa cổ phiếu vào giao dịch ngay”, ông Tiến nói.

Theo Thông tư 115/2016, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần trúng đấu giá, Sở Giao dịch chứng khoán nơi thực hiện đấu giá sẽ gửi VSD, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) văn bản thông báo giá thanh toán bình quân kèm danh sách người sở hữu cổ phần trúng giá đã được thanh toán. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hoá phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công bố thông tin về kết quả bán cổ phần kèm theo xác nhận của ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được từ đợt đấu giá.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả đấu giá cổ phần, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gửi thông báo xác nhận kết quả đấu giá cho doanh nghiệp cổ phần hoá, HNX và VSD. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo xác nhận kết quả bán đấu giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HNX đưa cổ phần vào giao dịch trên UPCoM.

“Đến thời điểm này, HNX đã hoàn tất chuẩn bị về mọi mặt để triển khai Thông tư 115/2016 của Bộ Tài chính. Theo đó, hoạt động lên sàn đối với doanh nghiệp sau khi IPO là bắt buộc và do HNX phối hợp với VSD chủ động thực hiện, chứ không có chuyện doanh nghiệp muốn lên hay không lên sàn như trước đây”, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT HNX cho biết.

Kỳ 3: Phạt nặng doanh nghiệp thất hứa lên sàn

Hữu Đạo/ĐTCK

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close