Kinh doanhThương mại điện tử

Xuất khẩu trực tuyến – xu hướng tất yếu

Bên cạnh kinh doanh truyền thống, kinh doanh trực tuyến đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) trong khi kinh tế thế giới có nhiều biến động. 

Năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng nhanh sau khi các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước và khu vực, như Việt Nam – EU, Việt Nam – Hàn Quốc bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu năm 2016 khó khăn hơn nhiều so với năm 2015 và mục tiêu tăng 10% tổng kim ngạch XK cả năm khó đạt được.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp và biến động. Trong đó, các mặt hàng khoáng sản, kim loại, nông sản… trên thị trường quốc tế giảm giá trong thời gian dài. Dự kiến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới sẽ “đi ngang”.

Trong đó, ngành hàng may mặc của Việt Nam những năm trước luôn duy trì tốc độ tăng trưởng 20% nhưng năm nay khó đạt được mức này khi nhiều đơn hàng đã chuyển sang Campuchia, Bangladesh…

Ngoài ảnh hưởng của biến động kinh tế thế giới, DN Việt Nam còn chịu ảnh hưởng từ chính nội tại. Trong đó, chi phí logistics ở Việt Nam thuộc loại đắt nhất khu vực và thế giới. Theo ông Lê Đăng Doanh, một container hàng từ Hong Kong về Hải Phòng mất 50 USD, từ Ba Lan về Hải Phòng 280 USD, từ châu Âu về Hải Phòng mất 350 USD nhưng cũng container ấy từ Hải Phòng đi đường bộ về Hà Nội mất 385 USD.

Những điều trên tác động không nhỏ đến xuất khẩu của các DN. Vì vậy, trong những tháng cuối năm 2016 và năm 2017, Chính phủ và DN cần tìm hướng đi mới để liên kết thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh biến động kinh tế thế giới.

Một trong những chìa khóa để tăng trưởng xuất khẩu trong thời kỳ kinh tế khó khăn là xuất khẩu trực tuyến. Tại các nước đang phát triển, xu hướng xuất khẩu trực tuyến đang là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều DN. Đây cũng là xu hướng tất yếu khi các nhà nhập khẩu trên thế giới thường xuyên tìm kiếm bạn hàng thông qua internet.

Tại các nước có thương mại điện tử phát triển, tỷ lệ giao dịch B2B (DN với DN) chiếm phần lớn trong các giao dịch thương mại điện tử. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, giao dịch B2B chiếm đến 91% tổng giao dịch thương mại điện tử của quốc gia này, tại Thái Lan, tỷ lệ này là 50%…

Hiện các nhà nhập khẩu đang có xu hướng dịch chuyển từ kinh doanh truyền thống sang trực tuyến để tối ưu hóa hoạt động. Chính vì vậy, việc tận dụng ưu thế của xuất khẩu trực tuyến nhằm tiếp cận tốt hơn với nhà nhập khẩu đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đến với DN xuất khẩu của Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội thảo Giải pháp liên kết thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh biến động kinh tế thế giới tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hạnh – Trưởng đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin – Bộ Công Thương, dẫn kết quả khảo sát trên 800 DN xuất khẩu Việt Nam (do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin công bố hồi tháng 3 năm nay) cho biết, các DN có ứng dụng website và sàn giao dịch điện tử đạt được hiệu quả xuất khẩu cao.

Có đến 42% DN cho biết, số lượng đơn hàng từ xuất khẩu trực tuyến chiếm đến 50% trong tổng lượng đơn hàng xuất khẩu của DN. Thực tế xuất khẩu trực tuyến qua sàn thương mại điện tử Alibaba cũng cho thấy, có đến 70% DN ứng dụng thương mại điện tử mang lại hiệu quả cao.

Lợi ích mà thương mại điện tử mang lại cho DN xuất khẩu là chủ động tiếp cận khách hàng, thông qua website khách hàng có thể tìm kiếm sản phẩm của DN, tiết kiệm chi phí… Việc đầu tư cho thương mại điện tử cũng là xây dựng thương hiệu DN trên internet.

Với thực tế đang diễn ra, bà Hạnh cho rằng “Thế giới đang thay đổi rất nhanh, công ty lớn không còn đánh bại công ty nhỏ nữa mà bây giờ là người nhanh đánh bại người chậm”.

Cùng nhận định này, Giám đốc Quốc gia Việt Nam của Tập đoàn Alibaba Trần Xuân Thủy cho rằng, thương mại điện tử là công cụ hữu hiệu, rất dễ dàng để mua và bán. Người mua sẽ dễ dàng mua hàng ở bất kỳ nơi đâu, 24/24 mà không có sự cản trở nào.

Qua các công cụ thương mại điện tử, DN sẽ tối đa hiệu quả và giảm chi phí về hàng tồn kho, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu của khách hàng. Nhờ những lợi thế này mà thương mại điện tử giúp DN nhỏ cạnh tranh bình đẳng trên thương trường quốc tế.

Lợi thế là vậy nhưng nhiều DN vẫn chưa đầu tư mạnh cho thương mại điện tử. Theo bà Hạnh, tại TP.HCM, hầu hết DN đều có website nhưng chỉ có 21% DN có website phiên bản mobile, 58% website có ngoại ngữ. Đây là điều rất đáng tiếc vì DN làm hàng xuất khẩu và hướng đến khách hàng nước ngoài mà không có ngoại ngữ.

Đó là chưa kể, có nhiều công ty, tập đoàn lớn nhưng webstie lại không có nhiều hình ảnh, thông tin về DN. Thậm chí, website không được cập nhật 3- 4 năm qua.

“Tại sao không xây ngôi nhà trực tuyến tốt hơn, đẹp hơn để thu hút khách hàng. Bởi website chính là hình ảnh của DN trên môi trường internet mà khách hàng nước ngoài có thể xem, truy cập”, bà Hạnh nói.

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: “Trong một thế giới kinh tế biến động như hiện nay, luôn luôn có thách thức đối với DN này nhưng lại là cơ hội đối DN khác. Vấn đề của DN là phải thay đổi, đổi mới, vận dụng khoa học – công nghệ và tìm ra được những thị trường liên kết để đẩy mạnh xuất khẩu. Và quan trọng là phải liên kết với nhau, liên kết với các nhà nhập khẩu nước ngoài, đáp ứng chất lượng theo yêu cầu của các nhà nhập khẩu quốc tế để có thể tồn tại và phát triển trong môi trường kinh doanh khắc nghiệt này”.

MINH HÀO/DNSG

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close