Góc nhìnQuản trị

3 cách “chung sống” với trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo càng nhấn mạnh tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc.

Công nghệ máy học và trí tuệ nhân tạo vừa thú vị vừa đáng sợ. Thú vị vì chúng có thể cải thiện cuộc sống con người theo nhiều cách, từ quản lý công việc đến chăm sóc sức khỏe.

Nhưng chúng cũng đáng sợ vì có liên quan mật thiết đến nhiều vấn đề xã hội và cá nhân, đặc biệt là có tác động đến sự nghiệp của nhiều người. Khi chúng càng phát triển, con người càng cần học hỏi các kỹ năng mới để tạo ra sự khác biệt cho bản thân.

Trong một bài viết trên Harvard Business Review, 2 tác giả Barry Libert – CEO Hãng tư vấn kỹ thuật số OpenMatters, đồng tác giả cuốn The Network Imperative: How to Survive and Grow in the Age of Digital Business Models (tạm dịch: Làm thế nào để sống sót và phát triển trong kỷ nguyên của các mô hình kinh doanh kỹ thuật số) và Megan Beck – chuyên gia tư vấn kỹ thuật số của OpenMatters, cũng là đồng tác giả cuốn The Network Imperative: How to Survive and Grow in the Age of Digital Business Models – cho biết hiện nay, nhiều công việc đòi hỏi tay nghề cao trong nhiều lĩnh vực cùng tuân theo một quy trình chung:

– Thu thập dữ liệu

– Phân tích dữ liệu

– Giải thích kết quả

– Đề ra định hướng hành động

– Thực hiện quá trình hành động

Chẳng hạn, các bác sĩ thực hiện xét nghiệm, phân tích kết quả, giải thích kết quả để chẩn đoán bệnh, lên kế hoạch định hướng điều trị, sau đó làm việc với bệnh nhân để hiện thực hóa kế hoạch này. Tương tự, các chuyên gia tài chính thu thập và phân tích dữ liệu từ khách hàng và các phương tiện đầu tư tiềm năng, giải thích ý nghĩa của các yếu tố liên quan đến rủi ro, đề xuất một chiến lược đầu tư, và giúp khách hàng hiện thực hóa chiến lược này.

Dễ dàng nhận ra vai trò của sự tự động hóa trong việc thu thập và phân tích dữ liệu. Máy móc làm các phần việc này rất hiệu quả và sẽ còn tiếp tục tiến xa. Bởi con người luôn có những giới hạn nhất định và thường bị đóng khung vào những kinh nghiệm cũ. Chẳng hạn, các bác sĩ không dễ theo kịp những điều mới mẻ liên tục phát sinh trong lĩnh vực y tế. Thay vào đó, họ thường đưa ra quyết định dựa vào kinh nghiệm cá nhân hơn là hoàn toàn dựa vào kiến thức thuần chuyên môn. Các chuyên gia khác cũng vậy, từ một tập hợp kinh nghiệm nhất định, họ dần hình thành nên sở thích, kỳ vọng và hiểu biết.

Nói cách khác, con người không thể “liên kết với nhiều máy chủ hơn” khi đạt đến những giới hạn trong việc xử lý thông tin mới, mà chỉ có thể dựa vào những kinh nghiệm, sở thích, thói quen và những quy tắc cá nhân.

Nhiều người cho rằng không nên tin tưởng máy móc đối với những quyết định quan trọng như quản lý sức khỏe và tài chính, nhưng đây là cách tư duy của thế kỷ XX.

Một thế hệ mới đang được kết nối với các thiết bị thông minh mà họ tin tưởng. Hơn nữa, thật khó để không chấp nhận các kết quả tiến bộ này. Một phần mềm trí tuệ nhân tạo, hay còn gọi là “siêu máy tính” của IBM có tên Watson hồi năm 2015 đã chiến thắng trong cuộc tranh tài với 2 nhà vô địch (người thắng nhiều tiền nhất và người giữ kỷ lục quán quân lâu nhất) của chương trình hỏi đáp truyền hình Jeopardy!. Watson còn chứng tỏ sự vượt trội trong lĩnh vực y tế so với các bác sĩ được đào tạo bài bản. Có thể nói, nhiều giá trị trên con đường nghề nghiệp của chúng ta đang bị xói mòn.

Do đó, những người muốn duy trì sự gắn kết với sự nghiệp của mình cần tập trung phát triển các kỹ năng mà trí tuệ nhân tạo vẫn còn gặp khó khăn khi “sao chép”, đó là sự hiểu biết, thúc đẩy và tương tác với con người.

Một cỗ máy thông minh có thể chẩn đoán bệnh và thậm chí đề xuất hướng điều trị hiệu quả hơn một bác sĩ. Tuy nhiên, vẫn cần có người ngồi bên cạnh bệnh nhân, tìm hiểu về hoàn cảnh của họ (gia đình, tài chính, chất lượng cuộc sống…) và giúp họ xác định kế hoạch điều trị tối ưu.

Tương tự, máy móc có thể “chẩn đoán” các vấn đề kinh doanh phức tạp và định hướng hành động để phát triển công ty/tổ chức. Nhưng chỉ có con người mới có thể đảm đương những phần việc như thúc đẩy ban lãnh đạo hành động, tránh đề cập đến những vấn đề nhạy cảm và xác định những cá nhân phù hợp để lãnh đạo sự thay đổi.

Đó là những khả năng khiến con người ngày càng có giá trị trong những thập kỷ kế tiếp. Các kỹ năng như thuyết phục, hiểu biết xã hội và đồng cảm sẽ giúp con người trở nên khác biệt khi trí thông minh nhân tạo và công nghệ máy học đảm đương nhiều phần việc của chúng ta. Tuy nhiên, những kỹ năng hướng đến con người này thường chỉ được xem như một ưu tiên thứ hai trong quá trình giáo dục, đào tạo.

Có 3 cách giúp con người “chung sống hòa bình” và tạo nên sự khác biệt so với công nghệ tự động hóa:

– Không chống lại sự tiến bộ của công nghệ. Vì lĩnh vực máy học và trí tuệ nhân tạo có khả năng cải thiện kết quả và giúp giảm chi phí. Hãy chào đón những sự thay đổi mới mẻ trong ngành công nghiệp mình hoạt động và làm việc chăm chỉ để nâng cao tính hiệu quả và hoàn thiện công việc.

– Xem lại khả năng tương tác, động viên và khuyến khích người khác. Nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của mình ở khía cạnh trí tuệ cảm xúc.

– Đầu tư phát triển trí tuệ cảm xúc. Cách đơn giản nhất là thay đổi cách nhìn nhận về những giá trị bạn cho là quan trọng đối với vai trò của mình, và bắt đầu tập trung vào cách bạn có thể quản lý, tác động và tương tác với người khác tốt hơn. Một bước xa hơn nữa là tìm kiếm, mở rộng các cơ hội đào tạo để nâng cao khả năng.

Điều bạn có thể làm tốt hơn bất kỳ máy móc thông minh nào là kết nối với những người xung quanh. Hãy nuôi dưỡng và đầu tư vào những kỹ năng đó song song với việc tiếp nhận những công nghệ mới. Nếu bạn có thể trở thành một người biết lắng nghe, một nhà quản lý biết thúc đẩy nhân viên, bạn vẫn có một vai trò quan trọng khi công nghệ làm thay đổi cuộc chơi.

BÍCH TRÂM

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close