Thế giớiThời sự

Khi người Venezuela rời bỏ “thiên đường”

Venezuela từng được mệnh danh là “thiên đường của người nhập cư”, vậy mà giờ đây người dân quốc gia giàu dầu mỏ này đang lũ lượt tìm cách rời bỏ đất nước do tình trạng bất ổn kinh tế và khủng hoảng chính trị gây khan hiếm trầm trọng lương thực lẫn thuốc men.

Venezuela đang trở thành gánh nặng cho các quốc gia láng giềng. Cuộc di cư đang diễn ra ồ ạt bằng cả đường bộ, đường biển và đường hàng không. Những người Venezuela giàu có ra đi bằng máy bay. Nhưng số người ra đi bằng máy bay và tàu thủy chẳng thấm vào đâu so với hàng chục ngàn người tràn vào Colombia và Brazil – 2 nước láng giềng có chung biên giới đường bộ với Venezuela – chỉ để mua lương thực, và cũng có không ít người tính chuyện ở lại lâu dài.

Theo nghiên cứu của Giáo sư Tomás Paez tại Đại học Central Venezuela, đã có 200.000 người Venezuela bỏ xứ ra đi trong 18 tháng qua, riêng năm 2016 là hơn 150.000 người.

Nhà chức trách Brazil cho biết mỗi tháng có tới 10.000 người Venezuela đổ vào Brazil để tìm thức ăn và thuốc men. Họ cắm lều trên đường phố và làm quá tải các dịch vụ công ở các thị trấn biên giới vốn chưa được chuẩn bị đầy đủ để tiếp nhận người tị nạn.

Tình trạng khủng hoảng kinh tế và hỗn loạn chính trị ở Venezuela đang khiến các nước láng giềng như Brazil, Colombia lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn sẽ xảy ra, khiến số người di cư sẽ ngày một nhiều hơn.

Hồi đầu tháng 1/2017, bang Roraima đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu các quỹ liên bang trợ giúp để giảm nhiệt cho cuộc khủng hoảng nhưng không được đáp ứng vì các nguồn lực của liên bang sắp cạn kiệt.

Trong khi đó, tình trạng khủng hoảng ở Venezuela ngày một trầm trọng. Quyết định mới đây của Tổng thống Nicolás Maduro cấm lưu hành đồng tiền giấy mệnh giá lớn đã khiến cho lượng tiền mặt cạn kiệt, thương mại bán lẻ đóng băng. Cùng với việc thiếu thốn lương thực, nhu yếu phẩm, những biến động mới nhất này đã làm bùng phát bạo loạn và cướp bóc ở nhiều nơi.

Trong tình cảnh đó, nhiều người dân Venezuela đã lựa chọn thà sống tạm bợ và bấp bênh ở các nước láng giềng còn hơn chịu đói và bất ổn xã hội ở nhà. Các cơ quan dịch vụ công của Brazil đang oằn mình dưới sức nặng của dòng di cư đột ngột của người dân nước láng giềng Venezuela.

Người Venezuela có thể vào Brazil không cần thị thực trong 90 ngày, nhưng ngay cả những người không có hộ chiếu vẫn có thể tránh các trạm kiểm soát chính thức để nhập cảnh bất hợp pháp vào Brazil hoặc Colombia.

Thị trấn Pacaraima của Brazil chẳng hạn, được bao quanh bởi các khu bảo tồn thiên nhiên nằm giáp biên giới với Venezuela, vì vậy người nhập cư trái phép dễ dàng băng rừng, vượt qua biên giới. Người Venezuela tràn ngập các đường phố chính ở Pacaraima, mang theo những chiếc túi chứa đầy những đồng bolivar đang mất giá nhanh chóng. Họ tìm kiếm giá tốt nhất cho một bao gạo hơn 20 ký có thể mang qua biên giới.

Gần như cửa hàng nào trong thị trấn Pacaraima, từ các thẩm mỹ viện tới những văn phòng du lịch địa phương, đều bày biện ở mặt tiền những chiếc túi lớn chứa gạo và đường.

Mặc dù người Venezuela có thể dễ dàng nhập cảnh vào Brazil nhưng họ không thể làm việc hợp pháp nếu không nộp đơn xin thị thực nhập cư hoặc tị nạn. Bởi vì việc xin thị thực này là rất khó nên nhiều người Venezuela đã kiếm việc bằng cách bán hàng rong, lau kính xe hoặc bốc vác. Tình trạng này đã gây ra những căng thẳng với lao động địa phương, khi họ không thể cạnh tranh với dân Venezuela được trả công rẻ mạt.

Tại Colombia, chính quyền ghi nhận năm ngoái có khoảng 6 triệu người Venezuela nhập cảnh để mua thực phẩm và hàng hóa. Ông Christian Kruger – quan chức di trú của Colombia – khẳng định nhiều người Venezuela đang ở lại nước này để làm việc bất hợp pháp.

Colombia cho biết họ vẫn cam kết duy trì chính sách mở cửa biên giới tạo điều kiện cho thương mại và cung cấp “một con đường sống” cho các gia đình không thể tìm được thức ăn tại Venezuela.

Thực tế Colombia cũng không thể đóng cửa hoàn toàn biên giới dài 1.400 dặm giữa 2 quốc gia, nhiều nơi chỉ ngăn cách bởi rừng rậm với vô số đường mòn, lối mở mà dân buôn lậu thường qua lại.

Tuy nhiên ông Kruger cho hay, các quan chức Colombia đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và sẽ sẵn sàng đối phó với sự sụp đổ ở Venezuela hoặc sự di cư hàng loạt. Colombia cũng sẵn sàng kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các tổ chức cứu trợ quốc tế giúp đỡ.

Đ.N (theo Washington Post)

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close