Chính trị - Xã hộiKinh tế vĩ mô
4 điểm sáng cho thấy nền kinh tế Việt Nam đáng lạc quan
Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% được đặt ra khó thực hiện nhưng nếu nhìn bức tranh chung nền kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng.
Chỉ còn một quý nữa để Chính phủ hoàn thành nhiều mục tiêu kinh tế xã hội năm 2016. Hồi tháng 1, Chính phủ ban hành Nghị quyết nêu rõ mục tiêu năm 2016 là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững.
Đáng chú ý là các chỉ tiêu được Chính phủ đặt ra như: GDP tăng khoảng 6,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP;…
Tuy nhiên trong phiên họp thường kỳ tháng 9/2016 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định để đạt tăng trưởng GDP từ 6,3-6,5% thì tăng trưởng kinh tế quý IV phải đạt 7,1-7,3%. Có thể nhận thấy mục tiêu 6,7% được đặt ra khó thực hiện nhưng nếu nhìn bức tranh chung nền kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng.
Đà phục hồi mạnh mẽ
Theo tổng cục thống kê (GSO), năm nay tăng trưởng GDP quý sau của Việt Nam luôn cao hơn quý trước với các thông số: Qúy I tăng 5,48%, quý II tăng 5,78%, quý III tăng 6,4%. GDP 9 tháng năm 2016 ước tính tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước.
Sở dĩ mức tăng 9 tháng đầu năm 2016 thấp hơn con số 6,53% 9 tháng đầu năm 2015 do ngành công nghiệp khai khoáng giảm sút, nông nghiệp tăng trưởng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi sự sụt giảm giá của thị trường hàng hóa toàn cầu, WSJ nhận xét.
Dù để hoàn thành kết quả đề ra đầu năm, quý cuối chúng ta cần tăng trưởng 7,1%, một mục tiêu cực kỳ khó khăn, nhưng với đà hồi phục mạnh mẽ hiện tại, Thủ tướng cho rằng mục tiêu này không phải không thực hiện được.
“Những năm trước quý IV bao giờ cũng tăng cao hơn các quý. Quý IV có nhiều điều kiện tốt có thể phấn đấu tăng GDP”. Bên cạnh đó một số tổ chức quốc tế như ADB đánh giá Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng 6%, do các yếu tố khách quan như tình trạng cá chết ở miền Trung, hạn hãn, bão lũ…”, Thủ tướng nhận định.
Lạm phát ở mức thấp
Theo GSO, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2016 tăng 0,54% so với tháng trước, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất với mức 7,19% do trong tháng các tỉnh thành phố điều chỉnh tăng giá học phí. CPI bình quân 9 tháng tháng đầu năm tăng 2,07% so với bình quân cùng kỳ 2015 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với CPI bình quân 9 tháng một số năm gần đây và nằm trong giới hạn mục tiêu 5% đề ra.
Lạm phát cơ bản tháng 9/2016 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,85% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng đầu năm tăng 1,81% so với bình quân so với cùng kỳ năm 2015.
Lãi suất, tỷ giá ổn định
GSO cho biết tính đến 20/9, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,76% so với cuối năm 2015; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,02% (cùng kỳ năm 2015 tăng 8,9%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,46% (cùng kỳ năm trước tăng 10,78%).
Lãi suất huy động hiện nay tương đối ổn định, chỉ tăng khoảng 0,2-0,3% trong khoảng thời gian giữa tháng 2 đến tháng 3/2016. Đối với lãi suất cho vay ngắn hạn đã giảm 0,5%/năm, đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó các ngân hàng thương mại tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ có hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế.
Về tỷ giá thương mại hàng hóa 9 tháng đầu năm tăng 4,29% so với cùng kỳ 2015. Tỷ giá thương mại hàng hóa quý III tăng 0,04% so với quý trước và 4,37% so với cùng kỳ năm 2015 thể hiện giá xuất khẩu hàng hóa vẫn có lợi thế tương đối so với giá nhập khẩu hàng hóa.
Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện
Mới đây Cục Đầu tư nước ngoài, thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư công bố số liệu thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm 2016 (tính từ 1/1-20/9). Ước tính trong 9 tháng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân được 11,02 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2015. Lĩnh vực thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất trong 9 tháng là công nghiệp chế biến, chế tạo với 767 dự án đăng ký mới và 608 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 12,15 tỷ USD, chiếm 73,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 9 tháng.
Tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 128,2 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Về kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 125,4 tỷ USD, tăng 1,3% so với năm 2015. Như vậy 9 tháng đầu năm xuất siêu khoảng 2,76 tỷ USD trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,38 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,14 tỷ USD.
Môi trường đầu tư kinh doanh đạt nhiều kết quả khả quan khi tạp chí Nikkei của Nhật mới đây công bố chỉ số ngành sản xuất Việt Nam tháng 9/2016 PMI đạt 52,9 điểm, cao nhất 16 tháng qua, so với Trung Quốc, Nhật là 50,4, Indonesia 50,9, Thái Lan 48,8.
Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ gặt quả ngọt khi 9 tháng đầu năm nay có 81.451 doanh nghiệp thành lập mới, cao hơn 20.000 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm mới. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng và giảm số doanh nghiệp phá sản.
Theo Infonet