Ngoài việc không nhìn slide đọc trực tiếp, nhiều diễn giả còn kết hợp sử dụng âm thanh, hình ảnh trong lúc diễn thuyết giúp bài nói trở nên sinh động hơn.
Carol Roth – diễn giả, tác giả cuốn sách bán chạy The Entrepreneur Equation của The New York Times cho biết, diễn thuyết trước đám đông là một cách giúp doanh nhân (hoặc nhà khởi nghiệp) nâng cao vị thế bản thân, tạo tiếng vang cho công ty và được mọi người công nhận là chuyên gia trong lĩnh vực cụ thể.
Dù vậy, việc phát biểu tại sự kiện (cho dù đó là một buổi họp nội bộ, thuyết phục nhà đầu tư hay tại một buổi lễ lớn của công ty) vẫn là nỗi lo của không ít người. Dưới đây là 5 cách đơn giản giúp bạn có một buổi thuyết trình hiệu quả, được Carol giới thiệu trên trang CNBC:
1. Đừng học thuộc lòng
Rất nhiều người tin rằng cách tốt nhất để có một bài thuyết trình thật hay là học thuộc từng từ được soạn sẵn. Tuy nhiên, theo Carol, đây lại là cách dở tệ.
Việc nói theo những điều được ghi nhớ sẵn trong đầu sẽ khiến giọng của bạn không còn tự nhiên, thậm chí tạo cảm giác bối rối, hoảng loạn và một không khí im lặng bao trùm nếu bạn đột ngột “quên bài”.
Do đó, tốt hơn hết, bạn nên nhớ nội dung chính cần nói thay vì học thuộc lòng từng câu trong kịch bản. Hãy tạo điểm nhấn cho bài nói bằng cách sử dụng thông điệp lớn, kể câu chuyện thú vị hay đưa ra những con số đặc biệt.
2. Tập nói nơi ồn ào
Carol chia sẻ, bí quyết này cô học được từ một diễn viên gạo cội Hollywood, người có thói quen học lời thoại kịch bản tại nơi đông người qua lại.
Trong khi nhiều người có xu hướng tìm nơi vắng vẻ, yên tĩnh nhằm tránh bị phân tâm thì theo Carol, cách làm này sẽ vô dụng khi bạn thực sự bước lên sân khấu. Bởi trong thời gian diễn thuyết trước đám đông, mọi rắc rối đều có thể xảy ra, từ tiếng chuông điện thoại réo liên hồi hay tiếng la ó của khán giả vọng lên dưới khán đài.
Và bằng cách tập nói tại nơi ồn ào, bạn có thể vượt qua sự phân tâm, kiểm soát cảm xúc và biết cách điều chỉnh âm lượng giọng nói phù hợp với hoàn cảnh hiện tại trong lúc vẫn tập trung vào nội dung và thông điệp muốn gửi gắm đến khán giả.
Bằng cách đó, “Không gì có thể khiến bạn nao núng trong thời gian thuyết trình”, bà chia sẻ.
3. Tăng tính tương tác
“Một trong những bài diễn thuyết của bản thân mà tôi yêu thích lại là một bài nói ngắn. Ngay lúc bắt đầu, tôi đã thu hút sự chú ý bằng cách chiếu những đoạn phim thực tế liên quan đến chủ đề đang nói tới đồng thời để mọi người bình luận về tính đúng, sai của nó. Cách làm này giúp khán giả tương tác trực tiếp với diễn giả, đồng thời tạo không khí tự nhiên, vui vẻ và những ký ức đó được khắc sâu hơn”, bà phân tích.
Tổng thống Mỹ Barak Obama giao lưu với các thủ lĩnh trẻ Việt Nam của Tổ chức YSEALI trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 5/2016. Ảnh: Quý Hòa |
Khi lên kế hoạch cho bài diễn thuyết, hãy nghĩ đến những thời điểm mà bạn có thể tương tác với khán giả, thậm chí sử dụng những vật dụng, những thứ có thể lôi kéo họ tham gia vào bài nói để có thể tạo ra tương tác trực tiếp giữa hai bên.
4. Kết hợp âm thanh và hình ảnh vào bài nói
“Một trong những bài diễn văn hấp dẫn nhất mà tôi từng nghe đến từ Steve Hayden – bậc thầy quảng cáo phi thường, người làm nên đoạn quảng cáo Macintosh nổi tiếng nhất của Apple (năm 1984)”, Carol nhớ lại.
Bài phát biểu của Hayden tập trung vào chủ đề xây dựng thương hiệu, nhưng nội dung thuyết trình đa phần là trình chiếu các clip quảng cáo vui nhộn trong khi diễn giả đưa ra một vài bình luận về sức lan tỏa của từng clip, cả những điều mọi người có thể học và áp dụng từ chúng.
Một bài phát biểu khác mà Carol yêu thích lại khá đặc biệt, khi có sự tham gia của một DJ với vai trò chuyển nhạc vào khoảnh khắc diễn giả kể một câu chuyện mới hay truyền tải một thông điệp nhấn mạnh quan điểm.
Ngoài việc không nhìn slide đọc trực tiếp, nhiều diễn giả còn biết cách khiến bài nói trở nên sinh động hơn bằng cách kết hợp âm thanh, hình ảnh trong lúc diễn thuyết nhằm kích thích giác quan của khán giả. Cách này không chỉ tăng sức hút cho bài thuyết trình mà còn giúp bạn giảm bớt nội dung cần nhớ.
5. Tập trung phục vụ khán giả
Ngay cả những diễn giả dày dạn kinh nghiệm cũng cảm thấy lo lắng trước lúc thuyết trình, và cách tốt nhất giúp họ bớt áp lực là thay đổi tư duy và nghĩ về việc làm thế nào để phục vụ khán giả tốt hơn, thay vì lo lắng cho màn trình diễn của mình.
Hãy nhớ rằng bạn có mặt ở đó là để cung cấp cho khán giả những thông tin hữu ích. Nếu có ai đó bỏ ngang sau khi bạn mới giới thiệu về một, hai thông tin mới thì hãy nghĩ rằng ít nhất bạn cũng đã cung cấp cho họ một vài kiến thức bổ ích trong quãng thời gian ngắn ngủi đó. “Bằng cách tập trung vào những điều có ích, ví dụ như phục vụ khán giả, bạn sẽ thấy thoải mái hơn”, bà nói.
Ngoài ra, bạn cũng có thể trò chuyện với một vài khán giả trước lúc bắt đầu chương trình. Qua đó, bạn sẽ có cơ hội hiểu hơn về nhu cầu, sở thích, phong cách của những người tham dự sự kiện. Đây không chỉ là bước “khởi động” nhẹ mà còn là cách giúp bạn phục vụ họ tốt hơn.
Thậm chí, từ những suy nghĩ cá nhân đó, bạn có thể kết hợp chúng vào bài nói của mình như một ví dụ thực tế hay một ý chuyển tiếp trong bài. Cách làm này cực kỳ hiệu quả bởi chúng tạo ra sự gần gũi, không khí cởi mở giúp khán giả tự tin tương tác với diễn giả hơn.
“Nếu bạn sắp có một buổi trò chuyện về chủ đề marketing trước các chủ doanh nghiệp nhỏ và bạn gặp Susan – người vừa kể cho bạn nghe một chiến thuật marketing độc đáo mà cô vừa sử dụng thì hãy đưa chi tiết đó vào bài nói. Chẳng hạn: Nhân nói về tiếp thị thông minh, mới đây tôi đã nói chuyện với Susan, người đang ngồi ở dãy bên trái, hàng ghế thứ ba tính từ trên xuống. Đúng rồi, là cô ấy. Susan đã kể tôi về việc sáng tạo ra chiêu PR với 400 chú mèo con để tiếp cận với đối tượng khách hàng mới“, Carol chia sẻ.