Luôn có những vấn đề xảy ra hằng ngày trong gia đình. Lũ trẻ lười hoạt động và ăn vặt nhiều hơn trước đây. Vậy chúng ta có thể làm gì để giúp chúng có một cuộc sống khỏe mạnh và năng động, và tạo cho chúng những thói quen tốt sau này?
1. Cùng nhau vận động mỗi ngày
Trẻ con hiếu động theo những cách rất khác với người lớn. Trong khi chúng ta có thể dành thời gian riêng để chơi tennis, đi bộ hoặc tập gym thì trẻ con lại chơi và chạy nhảy vui vẻ trong suốt khoảng thời gian chúng ở trường. Nhưng khi chúng ở nhà, nơi có rất nhiều đồ điện tử khiến chúng xao lãng, lại là một chuyện khác, và điều này sẽ tạo cho chúng những thói quen không lành mạnh.
Có đến một nửa số trẻ con độ tuổi từ 2-14 thường xem TV hơn 2 tiếng mỗi ngày, theo khảo sát về sức khỏe ở New Zealand năm 2013. Và một khảo sát ở Úc cũng chỉ ra rằng trẻ con có TV riêng trong phòng ngủ, trung bình, đi bộ ít hơn những đứa trẻ khác 1000 bước/ ngày.
Những nghiên cứu khác cho thấy ngồi trước màn hình TV, máy tính quá nhiều dẫn đến việc tăng tỉ lệ béo phì, vì vậy, giúp trẻ trở nên năng động chưa bao giờ quan trọng như lúc này.
Cố gắng dành một khoảng thời gian mỗi ngày giúp chúng tập những bài tập thể dục phù hợp. Không cần quá nhiều thời gian – 30 phút là đủ – dắt chó đi dạo, đập bóng quanh công viên, hoặc bơi ở bể bơi. Và thậm chí còn tốt hơn nữa nếu bạn tập cùng để làm gương cho chúng – điều này luôn hiệu quả hơn là chỉ nói suông những điều bạn muốn chúng làm.
Lưu ý: Bổ sung các hoạt động phụ mỗi ngày. Thay vì lái xe đưa chúng đến trường, hãy thử đi bộ hoặc đi bộ cùng chúng đến bến xe buýt. Cùng nhau leo cầu thang ở các cửa hàng hoặc bãi đỗ xe thay vì đi thang máy, và hãy ra vườn nhiều hơn. Mục tiêu là sắp xếp ít nhất một hoạt động ngoài trời vào cuối tuần cho gia đình bạn, bao gồm thể dục – nó có thể ở mức độ nhẹ nhàng như là đi công viên hoặc xem một buổi biểu diễn, hoặc xem các trận đấu thể thao hay bất kì một trò chơi nào đó cần đến năng lượng. Khuyến khích chúng vận động là chính.
2. Nấu các bữa ăn thật đơn giản
Các nhà nghiên cứu nhận thấy có nhiều đồ ăn trong nhà hoặc trên bàn ăn rất dễ khiến chúng ăn nhiều hơn. Nó gọi là “hiệu ứng buffet” – dường như bạn sẽ muốn ăn thêm khi có một bữa ăn với thật nhiều món được mang ra. Thậm chí nếu nó có đầy đủ dinh dưỡng đi chăng nữa, nhưng ăn quá nhiều đồ ăn đa dạng cùng một lúc thực sự sẽ phản tác dụng.
Vì vậy hãy thử tự hỏi bản thân: Bạn có thực sự cần 8 hộp ngũ cốc khác nhau trong nhà? Nó có thể sẽ ổn nếu bạn muốn cho lũ trẻ có bữa sáng giống nhau từ thứ 2 đến thứ 6 và thay đổi một chút vào cuối tuần. Với đồ tráng miệng, hãy giới hạn sự lựa chọn của chúng bằng hoa quả và sữa chua, và đồ ngọt cất trong tủ, chỉ để dành cho những dịp đặc biệt.
Lưu ý: Viết một danh sách chi tiết những đồ cần mua mỗi khi bạn đi siêu thị. Nếu không lên kế hoạch, sẽ rất dễ khiến bạn nổi hứng mua những đồ không tốt cho sức khỏe.
3. Làm những đồ ăn vặt tốt cho sức khỏe thật đơn giản
Để rổ trái cây ngon trên bàn. Và cất đồ ăn ngọt như socola hay bánh quy vào phía trong của tủ để khuất tầm nhìn của chúng (và, hi vọng là chúng cũng không nghĩ đến luôn). Ở phía trước ngăn tủ lạnh, chỉ để sữa chua, những hộp rau thái sẵn, một vài miếng phô mai nhỏ và những hộp đồ ăn khai vị, đảm bảo chúng ở trong tầm mắt của trẻ. Trong tủ, đặt những hộp bánh gạo và điểm tâm nhẹ ở phía trước – chúng rất tốt trong việc cung cấp chất xơ và năng lượng.
Một khi lũ trẻ cảm thấy ăn uống lành mạnh thật dễ dàng, nó sẽ tạo nên những thói quen ăn uống tốt cho cuộc sống của chúng.
Lưu ý: Túi zip rất thuận tiện để đựng đồ ăn mang đi.
4. Chia sẻ những câu chuyện trong bữa tối
Ăn tối cùng nhau, cả gia đình ngồi quanh cái bàn và tắt TV để tránh xao lãng, sẽ là một cơ hội hoàn hảo để lũ trẻ quan sát và học hỏi những thói quen ăn uống lành mạnh.
Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy trẻ ăn nhiều rau, trái cây, ăn ít đồ chiên rán và uống ít nước ngọt hơn khi chúng ngồi ăn trong bàn. Và điều này cũng tốt cho bạn nữa – ăn ở bàn sẽ giúp trẻ và bố mẹ có thể kiểm soát cân nặng ở mức vừa phải.
Trò chuyện trong bữa tối và kể những câu chuyện cũng giúp trẻ xây dựng vốn từ ngữ – thậm chí còn tốt hơn là khi bạn đọc cho chúng nghe. Trẻ nhỏ học 1000 từ khi ngồi ăn tối cùng bố mẹ trong khi chúng chỉ có thể học được 143 từ khi được nghe truyện đọc, theo nghiên cứu năm 2006.
Điều này thậm chí còn quan trọng hơn khi chúng đến tuổi dậy thì và vị thành niên. Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy những gia đình duy trì thói quen ăn bữa tối cùng nhau có tỉ lệ hút thuốc, nhậu nhẹt, bạo lực, suy nghĩ tiêu cực và ăn uống không có giờ giấc thấp.
Lưu ý: Dạy bọn trẻ cách nấu ăn là cách giúp chúng khám phá ra mình sẽ ăn món gì và tạo thói quen ăn uống tốt cho cuộc sống của chúng .
5. Quy định giờ ngủ cố định
Rất nhiều người trong chúng ta đánh giá thấp tầm quan trọng của giấc ngủ đêm. Nó không chỉ cung cấp năng lượng cho ngày tiếp theo mà còn đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể và để có một hệ miễn dịch tốt. Nghiên cứu gần đây cho thấy thiếu ngủ phá vỡ hooc môn gây đói và ảnh hưởng đến thói quen ăn uống. Khi cảm thấy mệt, chúng ta thường chọn những đồ ăn không có lợi cho sức khỏe như socola, bánh quy, nước ngọt và cà phê.
Ngủ đặc biệt quan trọng đối với trẻ vị thành niên, chúng thường có thói quen ngủ không đúng giờ. Thức khuya nhắn tin, xem phim, hoặc nói chuyện bằng các thiết bị điện tử khiến chúng ngủ không được ngon vì ánh sáng xanh của màn hình sẽ làm giảm hooc môn melatonin gây buồn ngủ.
Lưu ý: Đặt ra quy định trong gia đình, tất cả các thiết bị điện tử (TV, laptop, di động, máy tính bảng) phải được tắt sau một giờ nhất định – kể cả bố mẹ cũng phải thực hiện đúng quy định này.
Hải Bình (Theo Healthy Food Guide)