Khởi nghiệpKinh doanh
5 điều cơ bản startup phải nằm lòng khi gọi vốn từ nhà đầu tư
Gọi vốn đầu tư luôn là công việc chứa đựng nhiều áp lực đối với bất kể doanh nhân khởi nghiệp nào. Song, bạn hoàn toàn có thể tự tin hơn, nếu nắm rõ 5 điều dưới đây.
Trên chuyên trang khởi nghiệp Bizztor, doanh nhân, nhà đầu tư thiên thần người Ấn Độ M.V Subramanian – nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc của công ty dịch vụ tư vấn phần mềm và công nghệ thông tin Future Focus Infotech – đã chia sẻ 5 điều mà các startup cần thiết phải nằm lòng trước khi trình bày sản phẩm để gọi vốn từ nhà đầu tư.
1. Tìm hiểu triết lý đầu tư của nhà đầu tư
Đây là nhiệm vụ đầu tiên và cơ bản nhất mà mỗi người khởi nghiệp phải chú ý. Nếu muốn tăng xác suất được rót vốn, bạn phải tìm hiểu triết lý đầu tư và lối tư duy của nhà đầu tư, song song với lĩnh vực chuyên môn cũng như sự quan tâm hiện tại của họ.
Nắm rõ triết lý của nhà đầu tư là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành bại của buổi gọi vốn, bởi vì, mỗi người đều có phương pháp cấp vốn khác nhau. Họ có thể thích đầu tư mạo hiểm, rót tiền trong vòng hạt giống hoặc cấp vốn vào giai đoạn startup đang tăng trưởng.
Những phong cách đầu tư khác nhau nói trên có thể được dựa trên niềm tin, hệ giá trị, các mối quan hệ hay kinh nghiệm của nhà đầu tư. Và, họ hoàn toàn có thể phát triển chiến lược rót tiền của mình phù hợp với xu hướng mới nhất trên thị trường hoặc thay đổi triết lý từ những kinh nghiệm đã trải qua.
2. Biết nhà đầu tư tìm kiếm điều gì ở startup
Trong quá trình gọi vốn, doanh nhân khởi nghiệp có thể gặp gỡ rất nhiều nhà đầu tư, việc tìm hiểu xem các nhà đầu tư đang thực sự tìm kiếm điều gì là vô cùng quan trọng. Đó có thể là cách mà bạn giải quyết một vấn đề nào đó trên thị trường, tiềm năng thị trường hoặc chính sản phẩm/dịch vụ của dự án v.v.
Thông thường, để khẳng định liệu một sản phẩm hay dịch vụ có sở hữu tiềm năng phát triển trên thị trường hay không, các nhà đầu tư sẽ mong muốn startup cho thấy những bằng chứng cụ thể. Các bằng chứng này có thể là tính năng độc nhất của sản phẩm, hay một số lợi thế cạnh tranh như chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ hoặc giấy phép độc quyền v.v.
3. Cung cấp đầy đủ thông tin mà nhà đầu tư yêu cầu
Phần lớn các nhà đầu tư đều biết chính xác điều họ muốn tìm kiếm, do đó startup cần cung cấp đầy đủ, rành mạch các thông tin cần thiết, ví dụ như lược sử của loại công nghệ mà mình sử dụng hay những đối thủ cạnh tranh có thể phải đối mặt trên thị trường v.v.
Người khởi nghiệp nên xoáy sâu vào những điểm mạnh của dự án và giúp nhà đầu tư nắm được bức tranh toàn cảnh về lịch sử của công ty cũng như các thông tin liên quan đến tài chính, ví dụ như tình trạng nợ, gọi vốn ban đầu như thế nào, doanh thu dự kiến ra sao v.v.
4. Tìm hiểu quy trình và thời gian ra quyết định của nhà đầu tư
Các nhà đầu tư có nhiều phương pháp khác nhau để đánh giá một đề án kinh doanh. Do đó, startup cần hỏi nhà đầu tư về quy trình ra quyết định và các mốc thời gian cụ thể của việc rót vốn. Đôi khi, nhà đầu tư có thể là thành viên của một công ty nào đó, và họ sẽ cần có sự đồng thuận từ hội đồng quản trị hoặc các đối tác trước khi có thể tiếp tục ký kết hợp đồng đầu tư.
Một nhà đầu tư có thể tỏ ra cực kỳ hào hứng và bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án kinh doanh của bạn ngay tại buổi gọi vốn; tuy nhiên, để đi đến việc đặt bút ký đầu tư cần một khoảng thời gian dài. Đừng bao giờ nghĩ bạn sẽ nhanh chóng nhận được lời đáp “có” hoặc “không” một cách nhanh chóng, mà thay vào đó, hãy chuẩn bị tâm thế cho những lần “có lẽ”, sẽ diễn ra trong ít nhất vài tháng.
5. Nắm rõ các cột mốc mà nhà đầu tư muốn startup đạt được trong tương lai
Trước khi đồng ý rót vốn, phần lớn nhà đầu tư sẽ đề xuất một số cột mốc quan trọng mà họ muốn startup đạt được trong tương lai, ví dụ như khi nào startup sẽ đạt được điểm hòa vốn, khi nào tung ra sản phẩm hay thâm nhập thị trường mới và khi nào thì đạt chỉ số về lượng khách hàng hoặc lượng nhân viên v.v. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư thêm vững tin rằng lựa chọn rót vốn cho startup là chính xác. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng thường ưu tiên cho những startup sở hữu kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh và có cái nhìn rõ nét về 2-3 giai đoạn tiếp theo”.
KHỞI VŨ