Bài viết của anh Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt đăng trong Group Quản trị và Khởi nghiệp nằm trong chuỗi bài “Saleman có cần biết quản lý cửa hàng?” rất hữu ích cho việc quản lý cửa hàng.
Các thông tin cần có về cửa hàng liên quan tới chuyện tác động tới việc quản lý cửa hàng.
1. Thói quen hàng ngày: mở và đóng cửa hàng lúc nào, trong cả ca làm việc nhân viên nào có quyền quyết định nhập, xuất hay nâng hạ giá bán. Trưng bày hàng, kiểm soát hàng tồn vào ngày giờ nào. Khi nào thấy cần đảo trưng bày. Có niềm tin tâm linh hay mê tin gì về bán hàng không? Ví dụ: mua vào số lẻ và tránh ngày rằm, mồng 1. ..
2. Các sản phẩm mà họ kinh doanh: Các sản phẩm mà cửa hàng đang kinh doanh cho thấy rất rõ họ có quan điểm chủ đạo ra sao, hướng về hàng lãi lớn hay là vòng quay nhanh. Số lượng sản phẩm đôi khi cho thấy chủ cửa hàng có khả năng quản lý cùng một lúc bao nhiêu sản phẩm, hoặc có phải là người biết cách quản lý khoa học hay không.
Nó còn cho thấy khả năng tài chính của họ, từ việc theo dõi số lượng hàng hiện có và tần suất xuất nhập chúng ta có thể ước chừng họ có bao nhiêu vốn để luân chuyển và sẽ đặt được đơn hàng ở mức tối ưu dựa vào đó.
3. Cách họ đối xử với nhân viên bán hàng trong cửa hàng: vì việc này quyết định nhân viên có ở lại lâu trong cửa hàng hay không. Nếu họ chỉ làm trong thời gian ngắn, tốt hơn cả là nói chuyện với ông chủ. Nếu họ làm trong thời gian dài do ông chủ quan tâm và chăm sóc họ thì hãy làm việc cả với ông chủ và nhân viên để có thể tác động tới họ từ nhiều phía.
4. Tốc độ phát triển kinh doanh của họ: Trong 1 hay 3 năm gần nhất họ có gia tăng số chủng loại hàng, doanh số, diện tích cửa hàng, số người làm, các phần mềm quản lý, chỗ đỗ xe trước cửa hàng, số bảo vệ… Đó là dấu hiệu không thể rõ hơn cho một cửa hàng tiềm năng.
Khi mới làm thị trường về mỹ phẩm cho tóc, do ban đầu chưa có đủ thông tin mà phải triển khai bán hàng ngay, tôi đã lấy tiêu chí vị trí theo từng quận, diện tích cửa hàng, số lượng ghế gội và ghế cắt để làm chuẩn phân loại A, B, C với cửa hàng. Sau này, dù quy chuẩn đó không hoàn toàn chính xác nhưng ít ra nó là cái ban đầu để công ty theo dõi chặt các biến động trên thị trường.
5. Các thông tin cá nhân khác: Trên hết ngoài quy trình và cung cách làm việc, tính cách và đời sống cá nhân của chủ cửa hàng hay của những người có quyền quyết định trong đó sẽ giúp chúng ta ngày càng phối hợp với họ hiệu quả hơn, làm lợi cho cả cửa hàng và công ty.
Làm doanh nhân, nghĩa là chúng ta luôn phải học hỏi và tìm tòi điều mới cũng như từ kinh nghiệm của những người đi trước.