Ngày 11/3/2011, vùng phía Đông tỉnh Fukushima chịu đựng ba thảm họa cùng một lúc: động đất, sóng thần và hạt nhân. Phóng xạ đã lên cao đến mức cực kỳ nguy hiểm, thế nhưng không vì vậy mà người dân Nhật lùi bước.
Bà Hidemi Kobayashi vẫn giữ lại rất nhiều những bức ảnh do chính vợ chồng bà chụp sau thảm họa – Ảnh: Ngọc Diệp
Phóng viên mới đây đã có cơ hội đến thăm phần lớn khu vực phía Đông vốn chịu tàn phá nặng nề nhất của thảm họa động đất, sóng thần, hạt nhân, và tìm hiểu được nhiều câu chuyện cuộc sống của người dân nơi đây. Xin giới thiệu đến quý độc giả bài viết đầu tiên trong chùm bài nhân sự kiện này.
Đối với ông Fusazane Watanabe, năm nay 73 tuổi sống tại thị trấn Odaka, ký ức về thảm họa động đất, sóng thần, hạt nhân cách đây 7 năm luôn tồn tại trong tâm trí ông. Ông chưa bao giờ quên một giây phút nào của những ngày tồi tệ ấy, ký ức buồn vẫn luôn ám ảnh trong tâm trí ông.
Ông đã mất đi người vợ yêu quý của mình trong ngày động đất sóng thần đó. Khi mất, bà 61 tuổi, lúc động đất, sóng thần, bà đang lái xe đi thăm người bà con ở thị trấn cách Odaka khoảng 20km. Khi động đất, ông cố gắng gọi cho bà và sau đó nữa rất nhiều cuộc gọi, nhưng không có một ai bắt máy.
Sau này nhiều năm người ta cũng không thể tìm thấy bà, ông chỉ có thể làm một công việc vô vọng là đến hết khu vực tìm kiếm người mất tích này đến khu vực khác mong tìm được manh mối của bà nhưng tuyệt nhiên không có gì.
Ông rời khỏi nhà đi theo đường lớn đến khu vực lánh nạn. Tại những khu vực lánh nạn, nhiều người gào khóc bởi người thân của họ sống ở khu vực bị sóng thần cuốn đi, sóng thần cuốn bay hết cả nhà cửa, có nhiều người may mắn sống vì khi đó họ đang không ở trong thị trấn nhưng họ mất toàn bộ thành viên trong gia đình, nỗi đau đớn, hoảng sợ tuyệt vọng in lên từng khuôn mặt con người.
7 năm trôi qua, nhiều đêm trong giấc mơ của ông, ông vẫn luôn nhìn thấy quang cảnh đổ nát, tiếng người gào thét trong động đất, ông mơ thấy người vợ quá cố của mình trở về. Những khi ban ngày, nhiều khi nhớ vợ quá, ông chỉ còn biết ra biển nhìn về phía xa xôi, nơi nào đó, ông tin rằng bà vẫn biết ông đang nhớ đến bà.
Khi biết không còn có thể làm gì được nữa, ông tham gia vào đội tình nguyện địa phương tại các khu vực vẫn còn tồn dư phóng xạ cao nhất. Đối với ông, giúp đỡ được ai đó an ủi được tâm hồn ông, phóng xạ với ông cũng không còn đáng sợ nữa bởi điều đáng sợ khủng khiếp là mất đi người vợ thân yêu ông cũng đã phải trải qua rồi.
May mắn hơn ông Watanabe, bà Hidemi Kobayashi không mất đi người thân nào. Bà Kobayashi kể lại khi thảm họa xảy ra, gia đình bà đang chuẩn bị cho một chuyến đi xa đến tỉnh Chiba. Cả gia đình tụ họp vui vẻ cùng uống trà ăn nhẹ để chuẩn bị lên đường, bỗng nhiên động đất xảy ra. Sau đó điện tắt.
Lúc đó trong nhà của bà có gia đình anh của bà và gia đình bà. Gia đình anh bà sau đó đã lên xe rời khỏi thị trấn ngay lập tức cùng với những đồ dùng cần thiết kèm theo cả tiền bạc tư trang quý giá. Nhưng gia đình bà quyết định ở lại ngay cả khi những người cùng thị trấn đã ra đi gần hết.
Vợ chồng bà Kobayashi rất yêu mảnh đất mà họ đã được sinh ra, lớn lên. Công việc kinh doanh của gia đình bà cũng đã được gây dựng ở nơi này suốt 7 thập kỷ, thế nên kể cả có động đất, vợ chồng bà vẫn sẽ sống nơi đây, chết nơi đây.
Bà Kobayashi kể lại: “Ngày động đất sóng thần đầu tiên, điện cắt, nước cắt, chúng tôi chỉ còn lại rất ít nước dự trữ để dùng uống. Nhưng đồ ăn chúng tôi không thiếu bởi bản thân gia đình làm nghề khách sạn đã lâu vậy nên lúc nào đồ ăn cũng nhiều. Chúng tôi đã dự định ở lại mãi, thế nhưng đến ngày hôm sau, có một người có vẻ như thuộc đội cứu trợ đến thông báo với chúng tôi rằng lò phản ứng hạt nhân của Fukushima Daiichi phát nổ rồi, phóng xạ độc hại đầy trong không khí nên chúng tôi cần phải rời đi ngay”.
“Ngay cả khi đó, chúng tôi vẫn nghĩ rằng chúng tôi sẽ không ra đi. Nhưng rồi sau nhiều cân nhắc, chúng tôi cũng quyết định gói ghém hành lý đến ở tại nhà chị gái tôi ở Nagoya cách nơi động đất sóng thần vài trăm cây số”, bà Kobayashi cho biết.
Hai vợ chồng bà ở đó được hai tuần, nhưng rồi họ vẫn quyết định quay về xem tình hình ở Odaka, thị trấn quê hương bà ra sao. Tại các khu vực lánh nạn, nỗi sầu khổ không có lời nào tả hết. Có nhiều người mất con, người mất chồng, người mất cha mẹ.
Những người sống ở khu vực lánh nạn với điều kiện ăn ở thiếu thốn, tâm lý tuyệt vọng. Nhiều người bị ám ảnh bởi những giây phút sóng thần, động đất đến nỗi đêm ngủ vẫn la hét, gào khóc. Có không ít người hiếm khi được đêm nào ngon giấc bởi những ký ức kinh hoàng.
Những ngày không thể nào quên đối với bà Kobayashi – Ảnh: Ngọc Diệp
Họ sống trong một sự bế tắc và tuyệt vọng về con đường trước mắt. Họ chỉ có thể sống ngày này qua ngày khác trong các khu lánh nạn, nhiều người không nhận được bất kỳ tin tức nào về người thân của mình, họ cũng không thể có công việc gì để kiếm ra tiền ngoài việc trông chờ vào những trợ cấp từ chính phủ. Tâm lý xung quanh u ám, tuyệt vọng.
Với điều kiện của gia đình, bà Kobayashi làm hết sức để chia sẻ và quyên góp cho những người xung quanh giúp cho cuộc sống vật chất của họ đỡ khó khăn hơn. Không chỉ vậy, hai vợ chồng bà cùng chia nhau ra đi gặp và nói chuyện với thật nhiều trường hợp thương tâm mà họ có thể biết được, bởi bà hiểu rằng với những người đang sống trong tuyệt vọng, miếng ăn thức uống quan trọng nhưng họ cần những bàn tay sẻ chia nắm lấy tay họ cho họ vượt qua cơn sốc tinh thần.
Gia đình bà Kobayashi sống ở thị trấn Odaka. Trước đây thị trấn từng có hơn 10 nghìn người, nhưng đến hiện tại, sau 7 năm thảm họa và gần 2 năm tính từ khi lệnh sơ tán được giỡ bỏ, cũng chỉ có chưa đến 400 người trở về.
Gia đình bà Kobayashi là một trong những người đầu tiên. Khi được hỏi tại sao hai vợ chồng bà lại quyết định quay về sớm như vậy, bà chia sẻ: “Gia đình tôi từ đời ông bà, cha mẹ đã sống ở đây hơn 70 năm, qua cả Chiến tranh Thế giới, qua bao nhiêu giai đoạn thăng trầm của nước Nhật. Khi phóng xạ vẫn còn cao, tôi nghĩ rằng tôi cũng đã ngoài 50 tuổi rồi, nếu nhiều lắm tôi sống được độ 20 năm nữa, nên kể cả phóng xạ còn cao thị trấn còn hoang vắng, tôi vẫn quay về. Tôi muốn rằng những người khác sẽ có niềm tin vào quê hương như tôi”.
Khi bà quay về, thị trấn hoang vắng giống như một thị trấn ma, chỉ có lác đác 5,6 người trở về. Thế nhưng họ cùng ăn với nhau, đi dạo với nhau, chia sẻ với nhau từng miếng cơm, vật dụng cần thiết. Rồi họ thành lập ra những nhóm tính nguyện đi vào các khu vực lánh nạn, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.
Mọi người rồi cũng trở về đông hơn, họ chung nhau dọn dẹp đường sá cho quang đãng, cùng xây dựng ngôi nhà cộng đồng để giúp mang đến nơi trò chuyện, chia sẻ về tinh thần cho người trở về.
Những người đầu tiên trở về thị trấn Odaka như bà Kobayashi và ông Watanabe đã giúp thêm nhiều người của thị trấn Odaka sau này trở về lại quê hương, cùng gây dựng lại mảnh đất mà họ đã yêu thương suốt cuộc đời.
NGỌC DIỆP