Hầu hết chúng ta dành ra rất nhiều thời gian để suy nghĩ về việc làm thế nào để trở nên hạnh phúc hơn, trở thành người thông minh và làm việc hiệu quả hơn… Trong khi đó, chúng ta lại dành rất ít thời gian để nghĩ xem tại sao mọi chuyện lại không được như mình mong muốn, và các thói quen xấu nào gây ra điều đó. Đây là điều không thể bỏ qua, vì thực ra có những thói xấu khá dễ khắc phục và đem lại rất nhiều kết quả tích cực.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy 8 thói xấu dưới đây đang làm sụt giảm hiệu suất não bộ của bạn. Loại bỏ chúng là một cách dễ dàng để cải thiện năng lực tư duy, thay vì phải tốn công theo học một khóa toán cao cấp hay cố đọc 100 quyển sách trong năm nay.
1. Thiếu ngủ
Bạn thường cố gắng thức thêm tí để xem nốt bộ phim hoặc tranh thủ giải quyết vài cái email. Đó là lúc bạn đang quên đi tác hại tiêu cực của việc thiếu ngủ đối với khả năng nhận thức của não rồi đấy.
Các nghiên cứu tâm lý cho thấy một bộ não đang buồn ngủ sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn, và trí nhớ ngắn hạn cũng như dài hạn đều bị sụt giảm theo. Không những thế, khả năng tập trung chú ý và lên kế hoạch cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại thời điểm như thế, hầu như bạn không thể ý thức được việc mình làm, thay vào đó bạn sẽ chuyển sang làm việc theo thói quen.” Nói một cách ngắn gọn, nếu bạn không ngủ đủ giấc, bạn sẽ thấy mình kém sáng suốt hơn thấy rõ.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy bạn càng thiếu ngủ thì càng kém khả năng lãnh đạo và thuyết phục người khác nữa.
2. Ăn đồ ngọt quá nhiều
Việc ăn quá nhiều đồ ngọt không chỉ khiến bạn thừa cân và cơ thể bị mất cân bằng về mặt năng lượng, mà còn ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của não bộ. Một nghiên cứu gần đây cho thấy lượng đường trong máu có liên quan đến vấn đề trí nhớ. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một bài kiểm tra và nhận thấy người nào càng có lượng đường huyết cao thì khả năng ghi nhớ càng giảm.
3. Ôm đồm nhiều việc cùng lúc
Tác hại của việc ôm đồm quá nhiều đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Nó không những làm giảm năng suất lao động của bạn mà còn khiến một số phần của não bộ bị co thắt lại theo thời gian. Các khu vực bị ảnh hưởng này có liên quan tới năng lực ra quyết định, kiểm soát cảm xúc và ham muốn, cũng như khả năng biết đồng cảm với người khác.
4. Ăn dư thừa chất béo
Bạn nên ngừng ăn mấy miếng gà rán đi, bộ não sẽ biết ơn bạn lắm đấy. Nghiên cứu gần đây trên chuột cho thấy một chế độ ăn nhiều chất béo gây ra thiệt hại đáng kể đến khả năng thích ứng với các thay đổi tình huống.
5. Lạm dụng PowerPoint
Phần mềm văn phòng phổ biến nào có thể hạ thấp chỉ số IQ của bạn? Chính Là PowerPoint đấy, bất ngờ chưa. Vào năm 2010, các chỉ huy trong quân đội Mỹ từng nói với tờ New York Times rằng việc lạm dụng PowerPoint có thể bóp nghẹt thảo luận, làm giảm tư duy phê phán và khả năng đưa ra quyết định thấu đáo.
6. Stress kéo dài
Các nghiên cứu khoa học cho thấy tình trạng bị stress thường xuyên có thể khiến não bộ gặp khó khăn trong việc lưu trữ các kiến thức mới.
7. Thích tỏ ra là người biết tuốt
Nếu cứ cố thể hiện bản thân là người hiểu biết toàn diện, thông minh xuất chúng thì thực ra bạn càng dễ tin vào và nói ra những chuyện ngớ ngẩn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng những ai càng thích tự xưng là “phù thủy tài chính” thì càng dễ khẳng định rằng mình là chuyên gia về những khái niệm không có thật, được các nhà nghiên cứu “cài bẫy” vào. Theo một nghiên cứu khác, những người hay tự xưng là chuyên gia địa lý đã tự tin khẳng định rằng họ có thể chỉ ra vị trí của các thành phố hoàn toàn không tồn tại.
8. Bay đường dài quá nhiều
Những nghiên cứu gần đây cho thấy tình trạng lệch múi giờ sau một chuyến bay dài thường khiến cho não bộ của bạn bị mệt mỏi trong một thời gian dài hơn so với các tác động lên giấc ngủ. Nhà tâm lý học Lance Kriegsfeld cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện ra việc cơ thể bị lệch múi giờ sau chuyến bay có thể khiến khả năng nhận thức của chúng ta bị suy yếu trong vòng một tháng sau đó.”
Ông cho biết thêm: “Điều này cho thấy dù bạn là một tiếp viên hàng không, bác sĩ nội trú hay công nhân làm việc xoay ca ngày-đêm, việc liên tục bị rối loạn về chế độ ngủ có khả năng gây ra tác động lâu dài đến hành vi và nhận thức của bạn.”
Ý Nhi/NCĐT