SốngSống khỏe

3 cách khoa học để giảm căng thẳng

Dù ở nhà hay tại nơi làm việc, chúng ta cũng sẽ phải “chạm mặt” căng thẳng. Căng thẳng là tình trạng phổ biến nhất khi chúng ta cảm thấy không thoải mái hay sợ hãi.

Một số người không thể xử lý được tình trạng căng thẳng của họ và từ đó tạo ra một môi trường tiêu cực, mệt mỏi cho chính họ lẫn mọi người xung quanh.

Điều quan trọng trước hết là hiểu rõ bản chất của sự căng thẳng và ảnh hưởng của nó.

Khi ta gặp phải một vấn đề khó khăn, tuyến thượng thận của ta sẽ giải phóng hoocmon cortisol. Quy trình này có thể được hiểu như một chuỗi phản ứng có điều kiện nhằm giúp bảo vệ cơ thể ta khỏi những tác nhân gây hại. Trước tiên, ta sẽ đổ mồ hôi. Sau đó, tim ta đập nhanh hơn, khiến ta thở gấp hơn. Cùng lúc này, động mạch trong cơ thể ta bóp lại làm máu khó tuần hoàn hơn, việc này là vô cùng nguy hiểm đối với những người lớn tuổi. Căng thẳng còn gây ra nhiều vấn đề tâm lý khác như trầm cảm và hoang tưởng.

Trong khi ở các nước phương Tây, căng thẳng đã được xem như một vấn đề nghiêm trọng cần nhiều sự chú ý và cẩn trọng, thì ở các nước châu Á, chủ đề này vẫn còn bị xem nhẹ.

Trong nghiên cứu của mình, TS. Jamie Chiu – nhà tâm lý học đồng thời là nhà sáng lập dự án The Brightly, đã nghiên cứu về sự khác nhau khi đối mặt với căng thẳng trong văn hóa phương Đông và phương Tây. TS. Chiu cho biết: “Văn hóa Trung Quốc đè nặng vấn đề tự tôn và hổ thẹn. Bệnh tâm lý thường được xem là một khiếm khuyết, và khiếm khuyết thì đáng hổ thẹn, nên không ai muốn nhắc đến nó cả. Thậm chí trong những buổi phỏng vấn hay trao đổi, các nhà lãnh đạo cũng không muốn nhắc đến những khó khăn mà họ phải đối mặt”.

Có thể hiểu rằng, người châu Á có thói quen giữ lại tất cả những cảm xúc hay vấn đề của họ thay vì giải quyết chúng. Tuy nhiên, về cơ bản, căng thẳng không phải là xấu.

3 cách khoa học để giảm stress doanhnhansaigon
Nếu không có căng thẳng, có thể chúng ta sẽ không có động lực để hoàn thành công việc

“Sự căng thẳng thường bị mang tiếng xấu”, TS. Chiu nói, “Nhưng thật sự thì căng thẳng có ý nghĩa rất quan trọng với chúng ta. Nếu không có căng thẳng, chúng ta sẽ không có động lực để hoàn thành công việc. Tất nhiên sẽ có một ranh giới nhất định, khi mức độ căng thẳng vượt qua ranh giới đó, khả năng tập trung và làm việc của ta sẽ đi xuống. Mấu chốt là tìm ra cách giải quyết căng thẳng phù hợp nhất”.

Dưới đây là một số cách giúp bạn có thể giải tỏa căng thẳng và đối mặt với nó hiệu quả nhất:

1. Chăm sóc sức khỏe bản thân

“Ăn ngủ điều độ nhất có thể. Chú ý đến tình trạng sức khỏe của bản thân là vô cùng quan trọng”, TS. Chiu nói. Bạn phải chắc rằng bản thân có đủ năng lượng đế đối mặt với những khó khăn hằng ngày lẫn sự căng thẳng chúng tạo ra.

2. Xem căng thẳng là động lực thay vì chướng ngại 

Trong buổi nói chuyện TED Talk, nhà tâm lý học Kelly McGonigal đã giải thích tầm quan trọng của góc nhìn. Chỉ cần nhìn sự việc theo hướng khác đi, ảnh hưởng của nó lên cơ thể cũng thay đổi. Ví dụ như khi bạn căng thẳng và thở gấp, hãy xem dấu hiệu đó như một cách cơ thể đang cố gắng cung cấp thêm oxy cho não hoạt động. Bạn sẽ không hoảng loạn về việc bạn đang căng thẳng như thế nào mà sẽ cố gắng thực hiện điều mà cơ thể bạn muốn, bình tĩnh và suy nghĩ cách giải quyết khó khăn.

Janine Mendoza, quản lý của Hội Phụ huynh Philippines cũng đồng ý rằng, “Tất cả là do suy nghĩ của bạn. Bản thân tôi luôn nhìn nhận những công việc căng thẳng là những bài học giúp tôi có thêm kinh nghiệm”.

3. Nói chuyện với người khác  

Theo TS. Chiu, “Những mối quan hệ là vô cùng quan trọng. Khi ta căng thẳng và mệt mỏi, những người xung quanh sẽ là nguồn giúp đỡ vô cùng to lớn”. Khi ta căng thẳng, ngoài cortisol thì còn hoocmon oxytocin cũng được sản xuất ra. Hoocmon này còn được biết đến như “hoocmon tình yêu”. Lý do cho tên gọi này là vì nó thường được tiết ra khi ta hình thành mối quan hệ thân mật với người khác. Oxytocin làm ta có cảm giác muốn được gần gũi với người khác. Không chỉ vậy, nó còn là liều thuốc kháng sinh vô cùng hiệu quả với khả năng giúp tăng cường chức năng của tim mạch.

HOÀNG ANH (theo Inc.)

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close