Không rõ ràng như thói quen hút thuốc lá, ăn uống nhiều dầu mỡ…, có những thói quen xấu “tinh vi và mơ hồ” vẫn có thể ngấm ngầm gây hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất.
Một số thói quen xấu có thể rất khó nhận ra, đặc biệt là khi chúng trở thành một phần trong lịch trình hằng ngày của chúng ta. Bạn không thể thấy ngay những ảnh hưởng có hại này. Nhưng theo thời gian, chúng sẽ tác động xấu đến các mối quan hệ, đến sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn.
Vì thế, hãy rà soát xem bạn thường xuyên có bất cứ thói quen nào như thế hay không.
1. “Hâm lại” chuyện buồn
Nghĩ về một chuyện buồn, chuyện căng thẳng trong quá khứ, dù là cách đây 5 năm hay năm phút, đều không tốt cho sức khỏe tinh thần của bạn.
Theo kết quả một cuộc nghiên cứu được công bố trên Tạp chí tâm lý Behaviour Research and Therapy, việc nghiền ngẫm nỗi đau (thay vì tìm ra giải pháp) sẽ làm tăng các triệu chứng trầm cảm. Càng nghĩ nhiều về một chuyện buồn thì càng có nguy cơ bị trầm cảm.
Thay vì “nhai lại” những thứ mà bạn không thể thay đổi, hãy dành năng lượng cho những mục đích xứng đáng hơn như tận hưởng hiện tại hay lập kế hoạch cho tương lai.
2. Than phiền để “xả giận” không hẳn là cách hay
Chúng ta thường nghĩ rằng việc gọi cho một người bạn để than phiền về một ngày tồi tệ sẽ giúp giải tỏa những cảm xúc tiêu cực. Nhưng theo các cuộc nghiên cứu, thay vì xua tan những cảm xúc tồi tệ, hành động “xả giận” này thật ra lại làm tăng thêm cảm xúc tiêu cực và làm bạn mắc kẹt trong tâm trạng tồi tệ.
3. Tự chỉ trích
Bạn thường tự trách và dằn vặt bản thân mỗi khi phạm sai lầm hay “lúc nào nhìn vào gương cũng soi ra khiếm khuyết”? Tự chỉ trích bản thân có thể trở thành một thói quen suốt đời và có hại cho sức khỏe tinh thần.
Ngược lại, từ bi với chính mình lại giúp cải thiện sức khỏe tâm lý và sự kiên trì. Tự chỉ trích là một thói quen khó từ bỏ, nhưng nếu nỗ lực, bạn có thể hình thành thói quen đối thoại với chính mình một cách vị tha hơn.
4. Lướt mạng xã hội không chủ đích
Dù là lướt Facebook hay chơi Instagram, dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe tinh thần.
Hầu hết mọi người nghĩ rằng mạng xã hội giúp họ cảm thấy dễ chịu hơn nên thường xuyên quay lại. Nhưng thực tế, các nhà nghiên cứu lại tìm thấy, mạng xã hội ảnh hưởng xấu đến tâm trạng và càng dành nhiều thời gian cho mạng xã hội thì chúng ta càng cảm thấy cô độc. Dù đó là hình ảnh về một chuyến du ngoạn hay một chiếc xe hơi mới tậu, việc dõi theo những nội dung như thế trên mạng xã hội khiến chúng ta không khỏi đi đến kết luận rằng cuộc đời mình “không sánh bằng” bạn bè. So sánh, ganh tỵ qua mạng xã hội cũng làm tăng nguy cơ bị trầm cảm.
Thay vì dành thời gian lướt mạng, tốt hơn nên dành năng lượng và thời gian cho giao tiếp ngoài đời thực. Ăn trưa, trò chuyện điện thoại với bạn hoặc sắp xếp một cuộc họp mặt đại gia đình. Những hoạt động này giúp cải thiện cuộc sống vui khỏe của chúng ta.
5. Thức khuya
Bạn hay nghĩ rằng đi ngủ muộn 30 phút sẽ giúp bạn giải quyết nốt vài việc, bù lại bạn có thể dậy trễ hơn một chút vào sáng hôm sau. Nhưng các cuộc nghiên cứu cho thấy thời điểm đi ngủ cũng quan trọng như việc bạn ngủ bao lâu. Thức khuya và dậy trễ vào sáng hôm sau có thể dẫn đến những quyết định tồi ảnh hưởng xấu cho sức khỏe trong suốt ngày hôm đó.
Theo kết quả một cuộc nghiên cứu được công bố trên Tạp chí American Academy of Sleep Medicine, việc đi ngủ trễ có liên quan đến những thói quen xấu như ăn nhiều thức ăn nhanh, ít ăn rau quả và ít tập thể dục.
6. Chi tiêu quá đà
“Vung tay quá trán” ở trung tâm mua sắm hay trên cửa hàng trực tuyến có thể làm chúng ta thấy vui trong chốc lát, nhưng lại ảnh hưởng không tốt về sau. Ảnh hưởng này có thể đi xa hơn giới hạn của tài khoản ngân hàng. Theo Tạp chí tâm lý Clinical Psychology Review, bệnh thần kinh và các rắc rối tài chính có liên quan với nhau. Các nhà nghiên cứu tìm thấy rằng khả năng gặp vấn đề về sức khỏe thần kinh sẽ cao gấp 3 lần ở những người mắc nợ.
Nợ nần làm cho tình trạng stress càng thêm nặng. Và stress quá nhiều thì không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, kiểm soát tài chính và chi tiêu trong ngân sách sẽ mang lại ảnh hưởng tích cực đối với sự hài lòng trong cuộc sống.
7. Bỏ bữa
Cho dù bạn vội vàng ra khỏi nhà mà không ăn sáng hay bỏ bữa trưa với hy vọng làm giảm vòng eo, thì việc bỏ bữa sẽ có hại nhiều hơn là bạn nghĩ.
Theo Tạp chí khoa học Metabolism, bỏ bữa không có nghĩa là chúng ta nạp ít calo hơn. Hầu hết mọi người sẽ ăn nhiều hơn trong bữa kế tiếp để bù cho bữa ăn mà họ đã bỏ qua. Bỏ qua một bữa ăn có thể kéo theo những thay đổi nguy hại về chuyển hóa. Sau khi bỏ bữa, nồng độ glucose trong máu lúc đói sẽ tăng cao và phản ứng với insulin bị trì hoãn – những tình trạng dẫn đến bệnh tiểu đường.
Dành thời gian để ăn uống đầy đủ và có một chế độ ăn lành mạnh. Ăn uống điều độ giúp bạn có đủ năng lượng và sự tập trung suốt cả ngày và duy trì cân nặng hợp lý.
8. Ăn khi không đói
Có nhiều lý do khiến bạn ăn vặt hoặc ăn thêm khẩu phần thứ hai dù không thật sự đói: ăn theo cảm xúc, ăn đêm hoặc ăn nhiều tại các sự kiện. Và kết quả là chúng ta sẽ bị quá cân, cũng như tăng nguy cơ tiểu đường tuýp 2, huyết áp cao, bệnh tim và đột quỵ, thoái hóa khớp, bệnh thận và một số loại ung thư.
Để duy trì mức cân nặng hợp lý thì không nên xem thực phẩm là một dạng “giải trí” để giảm stress. Đi bộ, tham gia hoạt động giải trí hoặc thiền cũng là cách để đối phó với cảm giác không thoải mái và tạo sự bình an cho cơ thể. Giảm mức calo được tiêu thụ có thể giúp chúng ta sống lâu và khỏe mạnh hơn.
9. Ngồi quá nhiều
Nếu bạn làm việc trong các văn phòng, có nhiều khả năng là bạn sẽ dành nhiều thời gian để ngồi. Và ngồi lâu có thể ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.
Ít vận động có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như béo phì, tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim. Ngồi quá lâu trên ghế cũng không tốt cho sức khỏe tinh thần vì nguy cơ bị trầm cảm sẽ cao hơn.
Vận động ít nhất một tiếng đồng hồ mỗi ngày có thể hạn chế ảnh hưởng của việc ngồi quá nhiều. Cứ sau nửa tiếng, cố gắng di chuyển vài phút là cách giữ cho cơ thể và tâm trí khỏe mạnh hơn.
(Nguồn: Very Well)
AN BÌNH