Kinh doanh quốc tếThế giới
ASEAN nỗ lực giảm phụ thuộc vào ngoại tệ
Thỏa thuận hợp tác về tiền tệ giữa Indonesia, Malaysia và Thái Lan đang tạo tiền đề để tăng cường nội lực của Cộng đồng ASEAN.
Cuối tuần trước, Ngân hàng Trung ương Malaysia, Indonesia và Thái Lan ký các biên bản ghi nhớ song phương lẫn nhau, nhằm thúc đẩy thanh toán giao dịch thương mại và đầu tư xuyên quốc gia bằng đồng nội tệ của các nước. Theo giới phân tích, động thái này là cột mốc rất quan trọng nhằm đặt nền móng cho việc hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực đầu tư, thương mại và tài chính. Hơn nữa, đây cũng là dấu hiệu cho thấy các thành viên ASEAN đang đặt mục tiêu giảm phụ thuộc quá nhiều vào đồng tiền của đối tác bên ngoài khối khi thanh toán giao dịch nội khối, từ đó tránh rủi ro về biến động tỷ giá cũng như ngăn ngừa nguy cơ áp đặt ảnh hưởng từ bên ngoài.
Tờ The Nation dẫn lời trợ lý Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Chantawan Sucharitkul cho hay nước này đang hy vọng sẽ tăng tỷ lệ sử dụng đồng nội tệ trong thương mại vượt mức 15% hiện tại. Theo bà Chantawan, sắp tới Thái Lan và Indonesia nới lỏng quy định về tính thanh khoản, đồng thời cho phép các ngân hàng thương mại ở 2 nước kiểm soát đủ lượng tiền phục vụ kinh doanh. Dự kiến danh sách ngân hàng thương mại tham gia sẽ được công bố trong quý 2/2017. Hiện kim ngạch thương mại song phương hằng năm giữa Thái Lan và Malaysia đạt 20 tỉ baht (556 triệu USD) và giữa Thái Lan – Malaysia đạt 15 tỉ baht.
Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia Muhammad Ibrahim, bản ghi nhớ vừa ký kết nằm trong nỗ lực nhằm xây dựng khung thể chế và chính sách tăng cường hợp tác tài chính, giảm rủi ro trong ASEAN. “Cụ thể, những thỏa thuận này cho phép nhà xuất nhập khẩu ở các nước có thể quản lý tốt hơn rủi ro ngoại hối bằng cách sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch thương mại và các hoạt động đầu tư”, tờ The Star dẫn lời ông Muhammad nhận định. Ông cũng nhấn mạnh Ngân hàng Trung ương Malaysia luôn ủng hộ hội nhập kinh tế và tài chính ở ASEAN cũng như châu Á, nhằm phát huy tối đa tiềm năng phát triển của khu vực. “Chúng tôi cũng mong sẽ hợp tác với nhiều ngân hàng trung ương của các nước khác trong khu vực về vấn đề này”, ông nói.
Trước tín hiệu lạc quan về quá trình tăng cường hợp tác tiền tệ giữa các thành viên ASEAN, giới quan sát đánh giá đây là xu hướng rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, họ cũng khuyến cáo ASEAN cần thận trọng, không “hăng máu” tiến tới một đồng tiền chung như mô hình EU. Chuyên san The Diplomat dẫn lời chuyên gia Lili Yan Ing thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á nhận định EU là “nguồn cảm hứng” chứ không nên đóng vai trò khuôn mẫu cho ASEAN. “Không nên nhắm đến đồng tiền chung vì mức độ phát triển không đồng đều sẽ khiến các thành viên không thể chia sẻ trách nhiệm ổn định giá trị đồng tiền này”, bà nói. Theo bà Ing, các nước ASEAN cũng không hoàn toàn “tự cung tự cấp” được như EU và do đó nên tiếp tục tăng cường hội nhập trên các lĩnh vực thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.
Tương tự, Chủ tịch Ngân hàng Philippines Veterans Roberto de Ocampo cũng cho rằng ASEAN không nên xây dựng đồng tiền chung như EU. “Thay vào đó, chúng ta nên tập trung đảm bảo các cam kết trong Cộng đồng kinh tế ASEAN, tăng cường năng lực của Ban Thư ký ASEAN cũng như hỗ trợ nhiều hơn cho những nước phát triển chậm hơn trong khối”, tờ The Manila Times dẫn lời ông nhận định.
Theo Thanh Niên