Thế giớiThời sự

Cận cảnh “thế giới đảo ngược” của ông Trump

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang “đảo ngược” trật tự thế giới, CNN nhận định.

Trên thực tế, đất nước vốn trước đây được cho là “không đội trời chung” với Mỹ là Nga đang có xu hướng “thân Mỹ” hơn. Trong khi đó, mối quan hệ đồng minh lâu năm giữa Mỹ và Đức lại có vẻ như ngày càng khó đoán trước.

Ông Trump thậm chí còn có những phát ngôn bày tỏ thái độ tiêu cực đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cả Liên minh châu Âu (EU).

Trước thực trạng đó, các nước có vị thế cao trên trường quốc tế như Trung Quốc, Nga, Mexico… đang phải tái định vị chính mình để đối phó với một thế giới mới mang tính “đảo lộn” của vị tân Tổng thống Mỹ. Bởi, có vẻ như những chính sách đối ngoại đã được nhiều đời tổng thống áp dụng sẽ không còn đóng vai trò quan trọng đối với vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Trung Quốc

Chính sách ngoại giao với Trung Quốc của các đời tổng thống Mỹ trong nhiều thập kỷ luôn đi theo chiều hướng hạn chế hết sức có thể khả năng xung đột. Tuy nhiên, ông Trump dường như đang đi theo hướng ngược lại.

Tổng thống Mỹ đắc cử đã khiến lãnh đạo Trung Quốc bất bình về thái độ của ông đối với vấn đề Đài Loan, vấn đề Biển Đông và cả nhiều trở ngại thương mại khác có thể hiện diện và cản bước sự phát triển kinh tế của “gã khổng lồ châu Á”.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chính trị quốc tế cũng đồng tình với quan điểm Washington cần củng cố một vị thế mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc và rằng chính quyền thời ông Barack Obama đã chưa đủ quyết liệt trong việc bảo vệ các lợi ích của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, không nhiều người đồng tình với chiến lược “tấn công” Bắc Kinh trên… mạng xã hội Twitter của ông Trump.

Theo CNN, hôm 17/1, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2017 (WEF 2017), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ quan điểm “thẳng thắn một cách bất thường” rằng, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ bị “thách thức” trong một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ dưới thời Trump và nhấn mạnh: “Đừng đổ lỗi cho toàn cầu hóa kinh tế, vì đó không phải là nguyên nhân gây ra những vấn đề của thế giới”.

Ông Tập cũng cảnh báo rằng thế giới nên duy trì cam kết tự do thương mại và ví việc áp dụng chủ nghĩa bảo hộ giống như một kiểu “giam mình trong căn phòng tối”. Những phát biểu này được cho là đang nhắm vào các kế hoạch sắp tới của ông Trump nhằm đánh thuế đối với nhiều loại hàng hóa Trung Quốc.

Wang Wen – chuyên gia của Viện nghiên cứu Tài chính Chongyang nhận định: “Tập Cận Bình đang muốn thuyết phục ông Trump hãy suy nghĩ lại… Chủ tịch Trung Quốc hành động theo phương châm của người xưa là dùng các biện pháp hòa bình trước khi dùng vũ lực”.

Nga

Quan hệ Nga – Mỹ xấu đi chưa từng có kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh với hàng loạt vướng mắc, trừng phạt, thậm chí mọi nỗ lực hòa giải cũng gặp thất bại từ cả hai phía.

Chính quyền ông Obama và điện Kremlin đã “ghẻ lạnh” với nhau kể từ sau hành động lộ liễu của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Mỹ cùng các đồng minh phương Tây, và gần đây nhất là việc một tổ chức gián điệp Nga dính cáo buộc giúp ông Trump thắng cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.

Hành động ra sức “làm thân” với Mỹ của Nga hiện nay, dưới góc nhìn của CNN, chứng tỏ ông Putin đang hy vọng vào lời hứa bình thường hóa quan hệ 2 nước được ông Trump đưa ra kể từ chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng.

“Cá nhân tôi không biết ông Trump. Tôi cũng chưa từng gặp và không biết ông ấy sẽ làm gì trên trường quốc tế. Do đó, không có lý do gì để tôi công kích, chỉ trích hay bảo vệ ông ấy cả”, ông Putin trả lời báo chí hôm 17/1.

Người đứng đầu Nga cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng cơ quan tình báo nước này đã thu thập được các thông tin nhạy cảm về tình hình tài chính và đời sống cá nhân của ông Trump với mục đích gây sức ép thỏa hiệp lên vị tổng thống Mỹ thứ 45 này. Tuy vậy, ông Putin vẫn cương quyết cho rằng, những cáo buộc trên “toàn là những thông tin sai lệch”.

Bên cạnh đó, sự qua lại thường xuyên giữa ông Trump và Moscow đang khiến giới ngoại giao lo lắng, đồng thời đưa ra những báo động về thái độ của Tổng thống đắc cử Trump quanh vấn đề châu Âu.

Một số ý kiến cho rằng việc Moscow nỗ lực “làm thân” hơn với Mỹ, không chỉ nhằm dỡ bỏ lệnh cấm vận mà còn mong muốn nước Mỹ bày tỏ sự đồng tình về kịch bản Nga chiếm bán đảo Crimea và khiến Mỹ hoài nghi NATO hơn.

Trong cuộc phỏng vấn hồi cuối tuần trước với tờ Time of London (Anh) và Bild (Đức), ông Trump đã đặt câu hỏi quanh sự hữu dụng của các đồng minh phương Tây đối với Mỹ, đồng thời dự đoán EU đang trên đường tan rã, và bộc lộ ý định khôi phục lại một số mối thỏa thuận quyền lực xoay quanh các vấn đề như chống khủng bố, cắt giảm vũ khí hạt nhân, gây báo động khắp châu Âu.

Giám đốc Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế Heather Conley nói với CNN: “Những điều ông Trump đưa ra trong loạt bài bài phỏng vấn trên, đó chính xác là các mục tiêu và nguyện vọng mà Kremlin đang hướng đến: hạ uy tín của NATO và danh dự của EU, sau đó chiếm lấy và chia nhỏ các khu vực này, bên cạnh việc nắm trong tay quyền kiểm soát vũ khí”.

“Đó chính là các mối quan tâm hiện nay của Nga”, bà Conley nhấn mạnh.

Đức

Việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đã từng khiến thủ tướng Đức Angela Merkel “sốc nặng”. Tuy nhiên, theo giới quan sát, thông tin một vị tổng thống Mỹ nổi tiếng có thiện cảm với Nga lại dính nghi vấn nhờ Nga nhúng tay nên đắc cử, mới là tin sốc hơn đối với bà.

Trong một lần công khai hiếm hoi, bà Merkel tỏ ra điềm tĩnh khi ông Trump ngụ ý với báo chí châu Âu rằng ông tin tưởng ông Putin nhiều như ông đã từng, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

“Thủ tướng Merkel là người lãnh đạo nước Đức – một đồng minh vô cùng thân thiết với Mỹ từ nhiều thập kỷ qua. Việc đặt họ (bà Merkel và ông Putin – PV) ngang hàng nhau đã gây ra nhiều lo lắng, không chỉ từ phía Washington mà còn trong nhóm đồng minh của Mỹ tại châu Âu về cách xử trí của Mỹ khi duy trì mối quan hệ với tổ chức này mà vẫn kết giao với Nga”, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Stephen Pifer nói vớiCNN hôm 17/1.

Nói với tờ Bild hôm 16/1, bên cạnh những lời lẽ ca tụng, ông Trump cũng thẳng thừng cho rằng Thủ tướng Đức đã mắc “sai lầm thảm họa, một sai lầm hết sức nghiêm trọng” khi tiếp nhận hơn một triệu người di cư. Trước đó, khi chạy đua chức tổng thống, ông Trump từng dùng những từ “mất trí”, “điên rồ” để nói về hành động mở cửa đón chào dân nhập cư của bà Merkel.

NATO

NATO và EU được xem là một nỗ lực chính trị đóng góp phần lớn vào việc ngăn chặn đổ máu ở châu Âu trong suốt hàng trăm năm nay.

Khi được đặt vấn đề rằng liệu một châu Âu hùng mạnh hay quốc gia (Mỹ) hùng cường thì quan trọng hơn, ông Trump dứt khoát: “Cá nhân tôi không nghĩ rằng châu Âu quan trọng hơn chính nước Mỹ. Hãy nhìn xem, EU được thành lập, một phần là để đánh bại thương mại Hoa Kỳ, đúng không? Vì vậy, tôi không thực sự quan tâm liên minh đó giàu mạnh riêng biệt hay cùng giàu mạnh với chúng ta”.

Ý kiến của ông Trump đi ngược lại chính sách đối ngoại của Mỹ từ hàng thập kỷ qua. Bất chấp những căng thẳng và khác biệt với khối này, Washington đã luôn ưu tiên mạnh mẽ cho EU, bởi vì đó là sự đại diện cho thế giới tự do, cởi mở, hệ thống chính trị và thương mại thế giới.

28 nước phương Tây được thành lập vào cuối những năm 1940 nhằm để chống lại mối đe dọa của Liên Xô. Nhiều thành viên, đặc biệt là ở khối hiệp ước Warsa (hiệp ước quân sự giữa 8 nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa ở Trung và Đông Âu), đang cảm thấy có một mối de dọa tương tự đến từ Moscow.

Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử xem NATO đã lỗi thời, vì ông tin rằng khối này không thể đối phó với chủ nghĩa khủng bố mặc dù điều 5 quy định phòng thủ chung NATO đã từng được thành lập sau cuộc tấn công 11/9. Kể từ đó, hàng ngàn binh sĩ NATO đã phục vụ tại Afghanistan chiến đấu để ngăn chặn chiến tranh tàn phá đất nước và một lần nữa tạo ra thiên đường khủng bố như nhóm cực đoan al Qaeda.

“Chúng ta đã bị tấn công ngày 11/9. Những nước trong khối NATO này không phải là nạn nhân nhưng họ vẫn gửi những người đàn ông, phụ nữ trẻ đến phục vụ tại Afghanistan, hơn 1.000 người đã thiệt mạng tại Afghanistan”, John McCain nói với CNN, “Họ chiến đấu không phải vì họ bị tấn công mà là vì chúng ta bị tấn công”.

Cựu Thượng nghị sĩ Mỹ George Mitchell cho rằng ông Trump đã liều mạng lật đổ một trong những thành tựu lớn nhất của Mỹ – xây dựng một trật tự xuyên Đại Tây dương từ đống đổ nát sau hai cuộc thế chiến khiến 68 triệu người chết. “Tôi tin rằng các sử gia đều cho rằng đây là một những thành tựu vĩ đại nhất của Mỹ”, Mitchell nói với CNN.

BÍCH TRÂM – VY KHÁNH – VÂN THẢO

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close