CEO Thế giớiNhân vật
CEO Micromax – người quyết “dân chủ hóa công nghệ”
Mỗi ngày, Rahul Sharma đi đến một cửa hàng điện thoại di động của Micromax, vào vai một nhân viên bán hàng. Với tư cách là nhà sáng lập và giám đốc điều hành, tất nhiên đó không phải là việc Sharma cần làm, nhưng đây chính xác là biểu hiện của triết lý kinh doanh đã giúp anh xây dựng Micromax thành một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.
Trả lời phỏng vấn CNNMoney, Sharma chia sẻ: “Tôi bán điện thoại, cho dù đó là Micromax hoặc bất kỳ thương hiệu nào khác, tôi cần hiểu chính xác những gì người tiêu dùng đang tìm kiếm”.
Năm 2000, cùng với 3 người bạn đại học ngành cơ khí, Sharma thành lập Công ty Micromax – một startup thương mại điện tử. 9 năm sau đó, họ đưa công ty tham gia vào thị trường di động, và nay là nhà bán điện thoại di động lớn thứ ba Ấn Độ.
Sự chuyển đổi ngoạn mục ấy của Sahrma và Micromax được bắt nguồn từ một tình huống khá ngẫu nhiên: Khi đi ngang qua một ngôi làng hẻo lánh phía tây Bengal, Sharma gặp một người đàn ông lớn tuổi đang sử dụng pin xe tải để sạc bốt điện thoại công cộng của làng. Và bởi vì chính ngôi làng nơi anh ở cũng không có điện, anh thường phải mang theo cục pin trên xe đạp tới làng kế bên để sạc lại nó, Sharma nhanh chóng nhận ra vấn đề cần giải quyết.
“Đó chính là ý nghĩa đằng sau chiếc điện thoại Micromax đầu tiên – pin của nó có thể sử dụng trong một tháng”, Sharma nhớ lại.
Cả Sharma và đồng nghiệp đều lo sợ khi giới thiệu sản phẩm vào thị trường đã có đầy thương hiệu nước ngoài nổi tiếng, như Nokia, Samsung, Motorola. Kết quả sau đó cho thấy sự căng thẳng kia là không cần thiết: Tất cả 10.000 chiếc điện thoại của họ đều được bán hết chỉ trong 10 ngày.
Micromax phát triển nhanh chóng và họ đã sớm tìm được đối tác cho mảng M2M (Machine to Machine) là Nokia, và cả hai đạt được thành công rực rỡ. Thế nhưng không lâu sau đó, họ gặp trở ngại lớn đầu tiên khi Nokia bán công nghệ của mình.
Tuy nhiên, chứng kiến những thành quả xuất sắc của Micromax, Nokia đề nghị hợp tác với họ trong dự án mới mà doanh nghiệp đa quốc gia này đang lên kế hoạch triển khai. Nhóm Micromax, giữ vững lập trường và tự tin vào đường hướng mà họ đã đặt ra, từ chối lời đề nghị này và quyết định tiếp tục hoạt động độc lập.
Micromax tạo ra phần cứng của riêng mình và sớm thu hút được Bharti Airtel trở thành đối tác. Nhiệm vụ đầu tiên của họ là lắp đặt bốt điện thoại công cộng cho các khu vực hẻo lánh vùng Jammu và Kashmir.
Sharma quyết định tham gia dự án này với niềm tin rằng nếu các bốt điện thoại có thể hoạt động ở những môi trường kém phát triển như vậy thì Micromax cũng có thể mở rộng thị trường của mình tới mọi nơi ở Ấn Độ. Cơ sở cho niềm tin ấy của Sharma là quan niệm nếu người dùng cuối được hưởng lợi từ sản phẩm, dù ở dạng này hay dạng khác, sản phẩm chắc chắn sẽ thành công.
Mọi nỗ lực của Sharma và Micromax và đều tập trung và xoay quanh triết lý kinh doanh “sản phẩm được thiết kế để phù hợp với các nhu cầu khác nhau của người dùng Ấn Độ”. Và trong thực tế, cách tiếp cận này đã giúp Micromax cho ra đời chiếc điện thoại 2 SIM đầu tiên tại thị trường Ấn Độ.
Ngày nay, điện thoại SIM kép đã phát triển thành một phân khúc hoàn toàn mới với sự tham gia và cạnh tranh của nhiều thương hiệu toàn cầu, nhưng Micromax là những người đầu tiên làm điều đó.
“Chúng tôi không được phép đi trên con đường mòn mà người khác đã tạo sẵn. Chúng tôi phải tự tạo lối đi riêng cho mình, với những mẫu hàng mới và sáng tạo hơn, được thiết kế riêng để đáp nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng”, Sharma nhấn mạnh.
Những sản phẩm di động với giá phải chăng, được trang bị những đặc tính dành riêng cho từng nhóm khách hàng của Micromax đã tạo được ảnh hưởng mạnh mẽ, hơn tất cả các đối thủ khác trong thị trường Ấn Độ, chỉ đứng sau mỗi doanh nghiệp khổng lồ Samsung của Hàn Quốc.
Theo thông tin từ Công ty nghiên cứu công nghệ Gartner, hiện Micromax xếp thứ 10 trong số những doanh nghiệp sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới. Micromax cũng đã bắt đầu mở rộng thị trường sang Bangladesh, Sri Lanka, Nepal và Nga.
Sharma không giấu tham vọng và mục tiêu: “Trong vòng 5 năm tới, chúng tôi muốn nằm trong trong top 5 của thế giới”. Hiện tại các vị trí này đang được nắm giữ bởi Samsung, Apple, cùng ba nhãn hiệu của Trung Quốc là Huawei, Oppo và Xiaomi.
Các công ty của Trung Quốc đang phát triển khá mạnh tại thị trường Ấn Độ. Những dữ liệu mới nhất của IDC cho biết Micromax đang bị Lenovo (công ty này cũng sở hữu cả Motorola) dẫn trước, và chỉ nhỉnh hơn Xiaomi một chút. Những nhãn hiệu địa phương mới cũng đang dần chiếm được chỗ đứng và có khả năng hạ gục Micromax. Apple cũng sẽ sớm đạt được mục tiêu mở thêm nhiều cửa hàng ở Ấn Độ nhờ chính sách đầu tư dễ chịu tại quốc gia này.
Hành trình đến mục tiêu của Micromax chắc sẽ chứa nhiều trở ngại, nhưng Sharma tự tin rằng công ty của mình đáp ứng nhu cầu của người mua Ấn Độ một cách tốt nhất.
“Nhiệm vụ chính đặt ra cho Micromax vẫn luôn là dân chủ hóa công nghệ”, Sharma chia sẻ.
Rahul Sharma tốt nghiệp ngành thương mại của Đại học Saskatchewan (Canada) và ngành kỹ sư cơ khí của Đại học Nagpur (Ấn Độ). Được xem là một “kiến trúc sư marketing” với nền tảng kiến thức về hàng hóa và tiếp thị công nghệ, Sharma từng dẫn đầu và mang lại thành công cho một số chiến dịch marketing của Proctor & Gamble, Microsoft Xbox, Shaw Cablesystem… Năm 2010, Sharma có tên trong bảng Những cá nhân tiêu biểu năm do Forbes bình chọn. Năm 2011, Rahul Sharma được mời tham gia diễn đàn TechSparks 2011 Delhi với tư cách là Giám đốc điều hành (CEO) Micromax. Năm 2014, Fortune vinh danh Rahul Sharma là một trong 40 doanh nhân dưới 40 tuổi tiêu biểu của năm. |
TAYLOR NGUYEN