Thế giớiThời sự

Ngành công nghệ Ấn Độ gặp khó vì lệnh cấm thị thực của Mỹ

Các công ty công nghệ ở Ấn Độ đang ở vào giai đoạn tái cấu trúc lớn khi nhân lực của ngành bị dư thừa.

Ngành công nghệ Ấn Độ gặp khó vì lệnh cấm thị thực của MỹLệnh hạn chế cấp thị thực lao động H-1B cho người nước ngoài muốn làm việc tại Mỹ đã gây không ít khó khăn cho ngành công nghệ Ấn Độ. ẢNH: REUTER

Theo CNBC, việc kiềm chế chính sách cấp thị thực lao động cho người nước ngoài H-1B nằm trong chương trình “American First” của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đã làm tổn thương đến ngành công nghệ thông tin khổng lồ vốn tạo thành nền tảng kinh tế vững chắc cho Ấn Độ.

Các công ty công nghệ lớn của Ấn Độ như Infosys, Cognizant và Tech Mahindra gần đây đã công bố số nhân sự dư thừa trong năm nay, trong đó Infosys tuyên bố kế hoạch sẽ sa thải khoảng 1.000 nhân viên cấp cao dựa trên đánh giá về hiệu suất. Một báo cáo mới của McKinsey India cũng dự đoán có ít nhất 200.000 kỹ sư phần mềm ở quốc gia Nam Á này sẽ mất việc mỗi năm trong vòng ba năm tới.

“Với phần lớn các hoạt động kinh doanh đến từ các khách hàng ở Mỹ, động thái cắt giảm nhân sự có vẻ như là một bước đi tự nhiên cho các công ty công nghệ thông tin Ấn Độ mở rộng và củng cố lại thị trường của họ. Quyết định này cũng chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho nhiều người Mỹ và hòa nhịp với chiến lược American First của Tổng thống Trump”, Af Malhotra, đồng sáng lập công ty IT GrowthEnabler, nói với CNBC.

Dữ liệu từ Goldman Sachs ước tính rằng Ấn Độ có 195.257 người, tương đương khoảng 70,1% trong tổng số tất cả các trường hợp được hưởng lợi từ chương trình thị thực H-1B trong năm 2015. Do đó, chỉ đạo từ chính quyền mới của Mỹ rõ ràng đã ảnh hưởng không hề nhỏ tới nguồn lực đầy tham vọng của ngành công nghệ Ấn Độ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân còn đến từ các thực trạng khách quan khác.

“Ngành công nghệ thông tin đang phải vật lộn khi thu nhập các công ty Ấn Độ có xu hướng báo cáo xấu đi trong một vài quý gần đây”, một chuyên gia công nghệ tại Mỹ cho hay. Đồng thời ông cũng giải thích thêm rằng sự chuyển đổi giữa công việc lập trình thông thường sang công việc đòi hỏi kỹ thuật cao hơn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã gây ra lực cản.

“Trong quá trình chuyển đổi công nghệ, lợi ích từ việc tiết kiệm chi phí khi thuê nhân sự ở một quốc gia khác với giá rẻ hơn sẽ không bù đắp được khoản lỗ nếu như các kỹ sư đó không có đủ kỹ năng cần thiết. Thực tế Ấn Độ đã đào tạo được rất nhiều kỹ sư tốt nghiệp đại học, nhưng họ vẫn thiếu các kỹ năng có thể đáp ứng được cho các công việc phức tạp hơn”, chuyên gia tại Mỹ nói thêm.

Việc thu hẹp quy mô được đánh giá là thực tế, nhưng nó đã làm tổn thương tinh thần của nhân viên. “Tôi cảm thấy không hay khi thấy có những người đang dần rời khỏi đây như thế này. Bạn bè tôi ở các công ty công nghệ khác cũng đang cảm thấy bất an về công việc của họ”, một nhân viên của Infosys cho biết, đồng thời mô tả rằng tinh thần người lao động trong công ty đang xuống khá thấp, từ nhân viên cho đến cấp quản lý. Một số nhân viên trong ngành đã tiếp cận công đoàn lao động để khiếu nại về việc tái cấu trúc dựa trên hiệu suất này.

Theo Báo Thanh Niên

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close