Kinh tế vĩ môThời sự

Lao động TP.HCM khó tìm việc nhất cả nước, tỷ lệ “1 chọi 48”

Tp. Hồ Chí Minh là thành phố có tỷ lệ cạnh tranh việc làm lớn nhất nước. Trung bình 1 người tìm việc phải cạnh tranh với 48 người khác để có công việc mới.

Lao động TP.HCM khó tìm việc nhất cả nước, tỷ lệ "1 chọi 48"

Theo báo cáo khảo sát của trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm nhu cầu tuyển dụng lao động của thành phố cao gấp 2,24 lần so với cùng kỳ 2016.

Nhu cầu nhân lực tại thành phố tập trung nhiều nhất tại các nhóm ngành như Kinh doanh – Bán hàng (19,53%), Dịch vụ phục vụ (16,13%), Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng (6,45%), Dệt may – Giày da (6,36%), Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu (5,99%), Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng (4,15%), Cơ khí – Tự động hóa (4,12%), Công nghệ thông tin (3,85%).

Nhu cầu nguồn nhân lực tăng cao do tình hình kinh tế xã hội ổn định, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 7,76% cùng với những chính sách tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nguồn vốn.

Các doanh nghiệp luôn chú trọng tuyển dụng lao động đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn và yêu cầu tính chuyên nghiệp cao, chiếm 65,32% tổng nhu cầu tuyển dụng. Với Trình độ Sơ cấp nghề – CNKT lành nghề chiếm 20,89%, nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất vào các ngành như: Tài xế, thợ may, thợ mộc, Công nhân đứng máy, thợ nhôm kính, thợ cơ khí, thợ hàn, thợ cắt chỉ,…

 Với trình độ Cao đẳng – Trung cấp (33,74%); tập trung ở một số vị trí cụ thể như Kế toán – Kiểm toán, chuyên viên IT, lập trình viên, Thiết kế đồ họa, nhân viên thiết kế, Trình dược viên, Lễ tân, Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng, Nhân viên văn phòng, Kỹ thuật viên máy tính,..

Ngoài ra  nhu cầu tuyển dụng với trình độ Đại học trở lên chiếm 10,69%, tập trung ở các vị trí như Kỹ sư cơ khí, Kỹ sư điện, Kiến trúc sư, Giám đốc Kinh doanh, quản lý điều hành, chuyên viên quản lý và tuyển dụng nhân sự, bác sỹ, trình dược viên…

Một báo cáo khác của trung tâm tuyển dụng trực tuyến Vietnamworks cho thấy, Tp. Hồ Chí Minh cũng là thành phố có tỷ lệ cạnh tranh việc làm lớn nhất nước. Trung bình 1 người tìm việc phải cạnh tranh với 48 người khác để có công việc mới. Một điều khá bất ngờ vị trí quán quân thuộc về Bắc Ninh và Bình Dương khi tỷ lệ cạnh tranh là 1/42. Thủ đô Hà Nội có mức độ cạnh tranh bằng Đà Nẵng ở mức 1/39.

Lao động TP.HCM khó tìm việc nhất cả nước, tỷ lệ 1 chọi 48 - Ảnh 1.

Nguồn: Vietnamwork, VnExpress

VietnamWork cho biết những ngành có tỷ lệ cạnh tranh cao là hành chính/thư ký, tiếp theo là kế toán, sản xuất, cấp quản lý điều hành. Theo dự báo của công ty này, 6 tháng cuối năm tỷ lệ cạnh tranh ở nhiều nhóm ngành nghề có thể tiếp tục tăng mạnh vì đây là thời điểm thị trường lao động đón nhận nguồn cung lớn từ số sinh viên mới tốt nghiệp.

Cụ thể theo dự báo của Trung tâm nguồn nhân lực, 06 tháng cuối năm 2017 nhu cầu tuyển dụng của địa phương này là 139.000 chỗ làm việc (trong đó Quý III: 71.000, Quý IV: 68.000) theo xu hướng như sau:

Quý III/2017, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng 10% so quý 06 tháng đầu năm 2017. Dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động quý III/2017 tập trung thu hút lao động ở một số ngành nghề như: Marketing – Kinh doanh – Bán hàng, Cơ khí, Kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng, Công nghệ thông tin, Dệt may – Giày da, Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu, Kinh doanh tài sản – Bất động sản, Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng, Công nghệ ô tô – xe máy, Nông – lâm nghiệp – thủy sản, Quản lý nhân sự, Kế toán kiểm toán, Hóa – Hóa chất, Dịch vụ – Phục vụ, Điện – Điện tử – Điện lạnh – Điện công nghiêp, …

Với quý Quý IV/2017, do nhu cầu tập trung hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh và Lễ -Tết, đồng thời chuẩn bị phát triển năm 2018 các doanh nghiệp tuyển dụng lao động cho công việc ổn định và nhu cầu việc làm thời vụ – bán thời gian, chú trọng lao động có trình độ, tay nghề. Nhu cầu tuyển dụng nhân lực tập trung ở các nhóm ngành nghề như: Dệt – May – Giày da, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Xây dựng, Du lịch (nghiệp vụ lữ hành, ăn uống, công nghệ dưỡng sinh,…), Dịch vụ – Phục vụ, Marketing, Bán hàng, Nhân viên kinh doanh và thương mại điện tử, nhân viên giao hàng, nhân viên chăm sóc khách hàng, bảo hiểm,…

Thảo Nguyên

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close