Thuế TTĐB và thuế VAT chiếm tới 35% giá bán và sẽ còn tiếp tục tăng trong các năm tới theo lộ trình tăng thuế TTĐB của Chính phủ.
Về sức tiêu thụ, trong các năm gần đây, thị trường bia Việt Nam luôn lọt vào danh sách các nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới. Theo thống kê của Kirin Holdings, Việt Nam đã tiêu thụ hơn 3,8 tỷ lít bia trong năm 2015, đứng thứ 11 thế giới về tổng lượng tiêu thụ. Trong giai đoạn 2009-2015, tổng lượng tiêu thụ và mức tiêu thụ bia bình quân đầu người tại Việt Nam đều tăng.
Trong năm 2015, mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ vào khoảng 41,1 lít bia/năm, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của thế giới (27 lít/người) và của châu Á (18 lít/người). Trong khu vực châu Á, nếu xét về mức tiêu thụ bình quân đầu người, Việt Nam đang là nước tiêu thụ bia lớn thứ ba, chỉ sau Hàn Quốc và Nhật Bản.
Về cơ cấu giá thành một nghiên cứu của Euromonitor cho biết tại Việt Nam, khoảng 51% giá bán bia cuối cùng sẽ về tay nhà sản xuất, 4,6% giá bán thuộc về nhà phân phối và 9,7% là của nhà bán lẻ. Thuế TTĐB và thuế VAT chiếm tới 35% giá bán và sẽ còn tiếp tục tăng trong các năm tới theo lộ trình tăng thuế TTĐB của Chính phủ.
Về kiểm soát giá, có hai cách để nhà sản xuất có thể kiểm soát được mức giá bán ra của nhà phân phối: là ràng buộc bằng các hợp đồng pháp lý và ràng buộc thông qua các điều khoản không mang tính pháp lý.
Tuy nhiên theo công ty chứng khoán FPT, hiện nay tại Việt Nam chưa có nhà sản xuất nào sử dụng được phương pháp kiểm soát hợp pháp thông qua các hợp đồng đối với các nhà phân phối và chỉ có thể kiểm soát giá bán bằng cách còn lại.
Theo nhận định của một chuyên gia trong ngành, tất cả các nhà phân phối bia trong nước đều có mức độ và chất lượng dịch vụ gần như nhau. Điều này có nghĩa là họ bắt buộc phải cạnh tranh bằng giá và từ đó giá bán bia của các nhà phân phối sẽ tự động được điều chỉnh về cùng một mức giá chung. Trong trường hợp thị trường không tự cân bằng, các nhà phân phối sẽ phải tác động bằng một số cách như hạn chế phạm vi phân phối sản phẩm đối với từng đại lý (Heineken Việt Nam) để giảm cạnh tranh giữa các địa lý phân phối hay đưa ra các chính sách thưởng cuối tháng với điều kiện các đại lý phải bán đúng giá mà nhà sản xuất yêu cầu.
Tình trạng loạn giá bia hiện nay đang là một vấn đề đau đầu của các nhà sản xuất. Lý do gây ra tình trạng này một phần đến từ các chính sách kiểm soát giá không hiệu quả của các hãng bia, và đồng thời cũng là hệ quả của hiện tượng bia giả tràn lan trên thị trường. Hiện nay bia Sài Gòn, Hà Nội và Heineken, Tiger – các loại bia được tiêu thụ nhiều nhất tại Việt Nam cũng là các loại bia bị làm giả nhiều nhất. Tình trạng này cũng khiến cho các hãng bia gặp khó khăn trong việc kiểm soát giá bán do giá bán bia giả rất thấp, gây ra tình trạng phá giá bia tại các điểm phân phối.
Xuống đến các kênh bán lẻ, cũng giống như các kênh phân phối, hiện chưa có nhà sản xuất bia nào tại Việt Nam sử dụng phương pháp kiểm soát giá thông qua các hợp đồng pháp lý. Giá bán bia tại kênh bán lẻ on-trade biến động phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ và sự khác biệt của loại hình đó tại địa điểm on-trade cũng như mức độ phổ biến của kênh này. Ví dụ, giá bán bia tại các quán bia bình dân thường thấp hơn giá bia tại beer garden hay các bar/pub do số lượng các quán bia sệt nhiều hơn và chất lượng dịch vụ cũng như trải nghiệm của khách hàng thấp hơn.
Như vậy, càng các loại bia phổ biến và kênh bán phổ biến thì mức giá mà các nhà bán lẻ đưa ra sẽ không có sự khác biệt quá lớn và lợi nhuận về tay nhà bán lẻ cũng thấp hơn so với các kênh bán lẻ có sự khác biệt về dịch vụ và trải nghiệm khách hàng. Để tác động khiến cho các kênh bán lẻ cao cấp này đặt giá bán thấp hơn, các nhà sản xuất thường tài trợ cho các chương trình khuyến mại tại quán hay các chương trình quà tặng, tổ chức các sự kiện đặc biệt… vừa để kích thích tiêu thụ, tăng doanh số và vừa để tìm ra mức giá bán phù hợp nhất cho các bên đối với từng sản phẩm và từng kênh bán hàng.
Tại thị trường Việt Nam, sức mạnh của các nhà bán lẻ đối với nhà sản xuất bia là tương đối thấp, đặc biệt là trong bối cảnh thị phần của các hãng bia lớn chiếm đến hơn 80% thị phần tiêu thụ toàn ngành.
Mặt khác, việc nhà sản xuất ép giá bán của các nhà phân phối, bán lẻ quá thấp sẽ tạo cơ hội cho các hãng bia khác thâm nhập vào kênh dễ hơn. Do vậy, việc phân phối lợi nhuận giữa các bên trong ngành bia khá công bằng và nỗ lực trong việc quản lý, kiểm soát giá bán và chất lượng thành phẩm bia của các nhà sản xuất sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của toàn ngành phân phối và bán lẻ tại Việt Nam.
Theo Thảo Nguyên – Nhịp Sống Kinh Tế