Kinh doanh quốc tếThế giới
Trung Quốc nỗ lực giảm nợ, hệ lụy sẽ ra sao?
Việc chính phủ muốn hạn chế vay nợ tràn lan có thể coi như cần thiết để giảm bớt tình trạng thừa thãi trong xây dựng và đầu tư, giúp kinh tế tăng trưởng bền vững hơn.
Ảnh: KABC
Những công trình xây dựng ngổn ngang gạch đá, sắt thép…đó chính là những gì còn lại của dự án xe điện thành phố Lan Châu.
Cách đây mới chỉ một năm, đó là dự án hợp tác đầu tư công tư được tính toán dành riêng để phát triển cho thành phố ở khu vực trung tâm của đất nước. Tuy nhiên sau này khi chiến dịch giảm nợ của Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình được triển khai, dự án đã bị xóa sổ.
“Dự án chết rồi”, một nhân viên bảo vệ của dự án cho biết. Gần đó, những tuyến ray xe điện nằm ngồn ngang, những tuyến đường thi công dở còn đang nham nhở…nhưng đáng tiếc, có thể không bao giờ người ta còn nhìn thấy công trình được triển khai tiếp.
Có diện tích tương đương với thành phố New York, khu vực này có thể coi như khu vực vệ tinh của Lan Châu, thủ phủ tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Trong khi tại nhiều vùng khác của Trung Quốc, kinh tế vẫn tăng trưởng nhờ một số kênh tín dụng được triển khai thì câu chuyện tại Cát Lâm lại hoàn toàn khác.
Nằm xa các trung tâm công nghiệp dọc bờ biển, tình trạng vay nợ tràn lan để đầu tư tại Cát Lâm xảy ra chậm hơn so với các tỉnh khác. Trong thời kỳ kinh tế Trung Quốc tăng trưởng không ngừng từ đầu thập niên 1990 đến những năm 2000, Cát Lâm hứng chịu nhiều chỉ trích vì gây ô nhiễm không khí và môi trường.
Năm 2012, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nhận chức, trước đó không lâu, chính quyền thành phố Lan Châu đã chấp thuận kế hoạch phát triển thêm khu vực vệ tinh với mục tiêu giúp cho vùng phía Tây trở nên giàu có hơn.
Giờ đây, chủ tịch Trung Quốc đang muốn cân bằng lại sự phát triển, ông không còn muốn để xảy ra tình trạng vay nợ quá nhiều để tăng trưởng . Mục tiêu này của ông đã được tuyên bố rõ ràng trong Đại hội Đảng Trung Quốc tháng 10/2017 và Hội nghị Kinh tế Trung ương Trung Quốc tháng 12/2017.
Theo nhận xét của nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách, việc chính phủ muốn hạn chế vay nợ tràn lan có thể coi như bước cần thiết để giảm bớt tình trạng năng suất thừa thãi trong xây dựng và đầu tư, đồng thời giúp kinh tế tăng trưởng bền vững hơn.
Thế nhưng bất kỳ chính sách nào cũng sẽ gây ra nhiều hậu quả và sẽ có nhiều bên phải chịu thiệt hại, ví như dự án xe điện Lan Châu được nói đến ở trên. Nếu được triển khai, dự án sẽ giúp mang lại hệ thống đường ngầm cho thành phố giúp cho giao thông thuận lợi hơn.
Không chỉ dự án tại Lan Châu, hơn 200 dự án hợp tác đầu tư công tư khác, hơn một nửa đó thuộc tỉnh Cát Lâm cũng đã bị dừng lại. Tại khu vực Nội Mông, nhiều dự án tàu điện ngầm đã bị ngưng lại trong năm ngoái bởi gây nợ quá lớn cho chính quyền địa phương, theo khẳng định của Tân Hoa Xã.
“Khi mà các quy định điều tiết trong ngành tài chính ngày một khắt khe hơn, nguồn cung tín dụng chặt chẽ hơn, chính quyền địa phương sẽ ngày một gặp khó trong việc vay tiền để đầu tư cho hạ tầng và các khu công nghiệp. Họ cũng sẽ gặp khó nếu vay để trả nợ cũ. Quá trình giảm nợ chắc chắn gây ra nhiều đau đớn, đặc biệt với những tỉnh có kinh tế không mấy phát triển”, chuyên gia chuyên các vấn đề Trung Quốc tại Bloomberg, ông Qian Wan, khẳng định.
Khi mà nền kinh tế có quy mô 11 nghìn tỷ USD vẫn đang tăng trưởng tốt, động lực tiêu dùng ngày một có đóng góp quan trọng hơn, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có nhiều điều kiện để giải quyết nhiều vấn đề cố hữu của nền kinh tế như ô nhiễm và đói nghèo, nợ nần. Vì vậy, không ngạc nhiên nếu những dự án kiểu như Lan Châu kể trên sẽ ngày một nhiều.
Giới chuyên gia dự báo chính phủ Trung Quốc sẽ công bố GDP quý 4/2017 tăng trưởng 6,7%, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng 6,8% của quý trước đó. Doanh số bán lẻ và sản lượng của các nhà máy tháng 12/2017 vẫn ổn định. Thế nhưng có một con số đã khác, tăng trưởng đầu tư vào tài sản cố định thấp nhất trong gần 20 năm, nó cho thấy chính phủ Trung Quốc đang thực sự quyết tâm với mục tiêu của mình.
TRUNG MẾN