CEO ViệtNhân vật

Nhà sáng lập Công ty Ariska: Chia sẻ để tìm thấy niềm vui

“Tôi quyết định thành lập Công ty Đào tạo và Tư vấn Ariska với mong muốn hỗ trợ những người có ý định khởi nghiệp” – chị Trần Thiên Trà, Giám đốc Công ty Ariska cho biết về mục tiêu của doanh nghiệp xã hội do mình sáng lập. 

Học ngành hóa, du học về quản trị kinh doanh ở Pháp, từng có ý định khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xà bông homemade nhưng thiếu vốn nên Trần Thiên Trà đành phải gác lại niềm mơ ước ấy. Thế nhưng, niềm yêu thích làm ra những bánh xà bông vừa đẹp vừa an toàn cho sức khỏe người sử dụng vẫn thôi thúc chị tìm nguyên liệu sản xuất.

Bốn năm du học cũng là khoảng thời gian chị tận dụng mọi cơ hội để tìm hiểu sản phẩm từ các hội chợ chuyên ngành ở Pháp và thậm chí đến tận các cơ sở sản xuất xà bông thủ công của Anh để tìm hiểu về quy trình, cách thức làm ra những bánh xà bông homemade này.

Du học trở về, Trần Thiên Trà quay lại với niềm yêu thích làm xà bông và quan trọng hơn, từ công việc yêu thích đó, chị lập thêm một doanh nghiệp khác để đào tạo, tư vấn cho người muốn khởi nghiệp. Chị chia sẻ: “Làm điều có ích cho những người cần sự hỗ trợ là niềm vui. Khi giúp được ai đó, dù là vật chất hay tinh thần, tôi cảm nhận năng lượng tích cực tăng lên và có thêm động lực, sức mạnh.

Với tâm niệm đó, chị mở lớp đào tạo cho những người muốn khởi sự kinh doanh trong lĩnh vực làm xà bông thủ công. Lớp học đầu tiên có 30 người tham dự, đa phần là phụ nữ, những người nội trợ có nhu cầu kiếm thêm thu nhập để chăm lo cho gia đình. Con số vượt quá mong đợi của lần đầu tiên ấy đã tiếp thêm động lực cho chị, và doanh nghiệp xã hội chuyên tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp Ariska ra đời.

Chia sẻ về hướng phát triển Công ty, chị Trà cho biết: “Tôi tạo ra Ariska với mục tiêu giúp chị em phụ nữ hiện thực hoá mong ước, tạo được công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ariska cũng là nơi tư vấn hỗ trợ bước đầu cho những bạn trẻ đang muốn khởi nghiệp, là trung tâm kết nối để những người khuyết tật tìm được cách kiếm sống phù hợp với sức khỏe”.

Điều đáng mừng là các khoá học của Ariska luôn kín học viên. Các nhóm công tác xã hội hay các tổ chức hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội cũng tìm đến để trao đổi thông tin, kết nối.

Trong quá trình đào tạo, tư vấn cho học viên, chị Trà nhận thấy những người khởi nghiệp đều phải tự mình thực hiện tất cả các công việc như một công ty đang hoạt động: từ xây dựng ý tưởng sản phẩm, nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu khách hàng cho đến việc lên kế hoạch phát triển thương hiệu, tìm nhân sự, gọi vốn…

Chính vì lý do này mà mặc dù có nhiều người đăng ký nhưng chị chỉ nhận 20 học viên cho mỗi khóa. Kết thúc khoá học, học viên được trang bị kiến thức về kinh doanh và tự đánh giá năng lực khởi nghiệp.

Không dừng lại ở đào tạo kiến thức, với mong muốn hỗ trợ được nhiều hơn nữa những người khởi nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội, chị Trần Thiên Trà nuôi ý định tạo dựng một cộng đồng khởi nghiệp, trong đó có sự kết nối nhu cầu giữa các công ty khởi nghiệp.

Chị Trà cho biết, hiện Ariska đã đào tạo hơn 200 học viên và sẽ xây dựng cộng đồng khởi nghiệp khi đạt được 500 học viên. Thời gian qua đã có khá nhiều tổ chức, hội nhóm nhận lời đồng hành cùng Ariska, như Câu lạc bộ Doanh nhân Xã hội Miền Nam (SSEC), Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ cộng đồng, Hội đồng Anh Việt Nam, mạng lưới các học giả về doanh nghiệp xã hội, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM…

“Với tôi, để đạt được mục tiêu xã hội, hướng tới một cộng đồng có điều kiện sống tốt đẹp hơn, trước tiên Ariska phải là một cộng đồng xã hội, hay nói chính xác, Ariska phải là một doanh nghiệp xã hội đúng nghĩa”, chị Trà chia sẻ.

TRÍ THÀNH/DNSG

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close