Bất động sảnThị trường
Học “ông lớn”, hàng loạt chủ đầu tư chạy theo làm chuỗi dự án
Những chuỗi dự án “không tên tuổi”
Tập đoàn Sunshine – một cái tên còn khá bí ẩn trên thị trường bất động sản vừa “tấn công” mạnh vào thị trường này bằng động thái ra mắt chuỗi dự án mới ở những vị trí gây chú ý tại Hà Nội như: dự án Sunshine Center ở Cầu Giấy, dự án Sunshine là Sunshine Riverside trong khu đô thị Nam Thăng Long, quận Tây Hồ, dự án Sunshine Garden ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng.
Thương hiệu Sunshine của một chủ đầu tư mới tinh trên thị trường bất động sản. Chuỗi căn hộ này theo giới thiệu được ông chủ “nhắm” tới là những căn hộ cao cấp mang phong cách châu Âu với lối thiết kế như khách sạn, resort mà chưa dự án nào tại Hà Nội có được.
Giới thiệu thì hoành tráng, nhưng thực tế triển khai dự án đến đâu, tiềm lực tài chính ra sao, cách làm thương hiệu của Sunshine thế nào….? thì thị trường vẫn cần thêm thời gian để theo dõi và có câu trả lời xác đáng nhất.
Đây là vị trí một dự án nằm trong chuỗi dự án Sunshine của chủ đầu tư mới toanh trên thị trường. Ảnh: Minh Thư |
Chuỗi căn hộ gần đây cũng được MB Land giới thiệu khi tung thương hiệu “Field” gồm: Golden Field Mỹ Đình, Central Field Trung Kính và Green Field (TP. HCM).
Hay như chuỗi dự án mang tên Rivea Park cũng vừa được Long Giang Land công bố tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Tại thị trường TP Hồ Chí Minh, chuỗi dự án mang tên Opal của Tập đoàn Đất Xanh cũng được ra mắt giới thiệu thời gian qua như: Opal Garden, Opal Tower, Opal Plaza, Opal Skyview.
Hay, Sacomreal công bố chuỗi dự án Carillon 3, 4, 5 và 6 nằm ở các vị trí khác nhau của quận Tân Bình và Tân Phú. Chuỗi căn hộ The Vista của Capitaland…
May rủi đầu tư chuỗi dự án
Trao đổi với PV Infonet, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Nghiên cứu và tư vấn CBRE Việt Nam cho rằng: Mô hình đầu tư chuỗi dự án không phải bắt đầu ở Việt Nam mà trên thế giới nhiều chủ đầu tư đã thực hiện. Đây là cách làm thương hiệu khá phổ biến, người mua cũng kỳ vọng chất lượng thống nhất ở những dự án mang cùng thương hiệu của chủ đầu tư.
“Với chủ đầu tư phát triển dự án theo chuỗi thì quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng phải đồng nhất ở tất cả các dự án đầu tư. Đối với người mua nhà, họ sẽ có thể kiểm tra, kiểm chứng những dự án cùng chuỗi mà chủ đầu tư đã thực hiện trước đó xem có thực hiện dự án đúng như cam kết hay không.
Đồng thời, người mua có quyền kỳ vọng những dự án sau chủ đầu tư cũng phải làm tương tự như dự án đã làm, nếu một dự án cùng chuỗi không đáp ứng được kỳ vọng của người mua nhà thì họ sẽ đặt ra câu hỏi: Liệu có thể tin tưởng vào chuỗi dự án của chủ đầu tư hay không?”, bà An cho hay.
Song, theo bà An, mặc dù việc xây dựng chuỗi dự án sẽ giúp chủ đầu tư có thể tiết kiệm được thời gian, chi phí nhận diện thương hiệu ở những dự án sau cùng chuỗi do người mua đã biết đến họ từ dự án trước; nhưng chủ đầu tư cũng cần phải có sự quản lý để đảm bảo tính nhất quán về chất lượng của chuỗi dự án, đồng thời, chủ đầu tư cần phải có tiềm lực vốn nhất định.
Theo một chuyên gia trong ngành, việc phát triển chuỗi dự án không phải dễ dàng mà “học đòi” được bởi phải có tầm nhìn, chiến lược, nguồn lực lớn. Nếu không chuẩn bị sẵn sàng những thứ đó thì chỉ cần một dự án có vấn đề là cả chuỗi ảnh hưởng cũng như thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp mất đi.
“Thực tế ở Hà Nội đã có chủ đầu tư “nếm trái đắng” khi đầu tư chuỗi dự án cao cấp khi đầu tư dàn trải các dự án thay vì tập trung vào một dự án dẫn đến các dự án phải hạ giá, “đắp chiếu”… mất uy tín trên thị trường bất động sản”, vị này nói.
Trong bối cảnh thị trường đang dồi dào nguồn cung như hiện nay đòi hỏi các doanh nghiệp phát triển bất động sản phải có sự chuẩn bị, xây dựng những chiến lược riêng để bước vào cuộc cạnh tranh, các doanh nghiệp không chuyên nghiệp sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Vì thế, không phải cứ đầu tư chuỗi dự án mà dễ thành công.