Kinh tế vĩ môThời sự
Bán những “con bò sữa” của nền kinh tế
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã đề nghị các bộ, ngành nhanh chóng đẩy mạnh quá trình thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn, trong đó có Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát TP.HCM (Sabeco) và Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Có thể nói lần đầu tiên Chính phủ quyết định bán toàn bộ cổ phần của 2 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn nhất trong lĩnh vực đồ uống, mà theo tính toán sơ bộ tiền thu về cho ngân sách nhà nước vào khoảng 2,2 tỷ USD. Đây là hai trong số những doanh nghiệp “vàng” của Nhà nước mà việc thoái vốn là để đẩy nhanh kế hoạch tư hữu hóa DNNN.
Sự kiện này được nhiều chuyên gia kinh tế hoan nghênh khi Nhà nước đang cần vốn để đầu tư vào các lĩnh vực phục vụ cho cuộc sống của người dân và các nhu cầu khác của nền kinh tế. Soi rọi vấn đề dưới góc độ kinh tế thị trường thì Nhà nước nên rút khỏi các hoạt động kinh doanh thương mại thuần túy để tập trung vào việc quản lý bằng luật lệ, chính sách.
Việc rút vốn nhà nước ở các doanh nghiệp lớn còn xuất phát từ thực tế là khu vực quốc doanh đang sử dụng quá nhiều tài sản công và phần lớn lại không sử dụng một cách hiệu quả.
Hiện nay Chính phủ đang cần hàng chục tỷ đô la đầu tư vào cơ sở hạ tầng làm bệ phóng cho sản xuất, trong khi doanh thu ngân sách nhà nước giảm do giá dầu xuống thấp và hạn hán làm thất thu về lợi nhuận nông nghiệp. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thâm hụt ngân sách năm 2016 có thể vượt quá mức 4,95% GDP như đã đề ra.
Thêm một vấn đề nữa là Việt Nam đã tham gia vào nhóm các nước có mức thu nhập trung bình, đồng nghĩa với việc nguồn vốn ODA sẽ bị giảm dần trong khi khả năng vay mượn ngày càng khó và điều kiện vay mượn rất khắc nghiệt.
Chúng ta lại đang trong thời kỳ phải trả nợ rất nhiều những khoản vay ODA từ ban đầu, có những năm tiền trả nợ vốn ODA chiếm tới hơn 20% ngân sách nhà nước. Do vậy việc bán tài sản của Sabeco và Habeco sẽ tốt hơn là tìm cách huy động thêm vốn từ doanh nghiệp và người dân, vì huy động nhiều quá thì người dân không còn tiềm lực để sản xuất kinh doanh gì nữa và thực tế thì cũng không có sức để đóng góp theo nhu cầu của Nhà nước.
Theo nguồn tin từ Chính phủ, cổ phiếu của Sabeco và Habeco sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán bắt đầu từ năm sau cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng liệu quá trình chuyển vốn cho tư nhân có dễ thực hiện hay không? Đó là vấn đề đang đặt ra trong điều kiện Nhà nước quyết tâm bán những “con bò sữa” của nền kinh tế.
Chủ trương thoái vốn tại những DNNN đã cổ phần hóa đã được đề cập từ cách đây gần 10 năm, nhưng rồi vì nhiều lý do đã diễn ra hết sức chậm chạp.
Chẳng hạn như với Sabeco, một quan chức Bộ Công thương cách đây không lâu cho biết Sabeco là tài sản quốc gia, giá trị hàng mấy tỷ đô la, là thương hiệu lớn, nên việc bán và giữ thương hiệu, bán ra sao, bán cho ai, bán như thế nào là bài toán của Chính phủ chứ không phải Bộ Công thương, mặc dù bộ này đã nhiều lần làm công văn xin thoái vốn nhà nước tại Sabeco.
Trước đây Hiệp hội Tài chính đề nghị bán dứt điểm vốn nhà nước ở Sabeco theo hình thức đấu giá một lần công khai trên sàn giao dịch chứng khoán, nhưng không được sự đồng tình của một số quan chức ở Bộ Công thương, khiến đề nghị bị bác bỏ. Thậm chí còn cho rằng đây là đề xuất vụ lợi thiếu minh bạch và có thể không được Chính phủ thông qua, vì không biết người mua là ai, có cam kết giữ thương hiệu, phát triển công ty có lợi cho đất nước hay không.
Bởi Bộ Công thương là cơ quan chủ quản, là người đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco và được Chính phủ giao nhiệm vụ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại Sabeco, nên nếu họ trình ra được các phương án thoái vốn hợp lý thì không có lý gì Chính phủ lại bác các đề xuất này của họ. Phải chăng bộ này đang ném quả bóng trách nhiệm cho Chính phủ.
Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ mới đây, Thủ tướng đã nói rõ tinh thần bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này là phải công khai, minh bạch, đưa lên sàn chứng khoán, đấu giá quốc tế trong nước, công khai cả nhà đầu tư để chống tiêu cực, lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản nhà nước.
Điều này chứng tỏ việc bán vốn nhà nước trên sàn chứng khoán đã được Chính phủ nhận thức rõ là điều cần thiết. Vì vậy, sự chậm trễ trong thoái vốn nhà nước có lý do phần lớn là do sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, và lý do này cần được giải quyết cho những đợt thoái vốn tiếp theo trong tương lai.
Cũng có người lo ngại liệu nếu thoái vốn dồn dập thì thị trường sẽ “bội thực” hay không, mà như vậy sẽ ảnh hưởng đến giá bán cổ phần nhà nước.
Thật ra ai có thể khẳng định được rằng điều kiện thị trường năm sau sẽ tốt hơn năm nay nên hãy đợi đến thời điểm thuận lợi sẽ niêm yết và thoái vốn. Vấn đề đặt ra là cần chủ động lập kế hoạch theo các kịch bản khác nhau và tiến hành niêm yết, thoái vốn theo những kịch bản rõ ràng để vừa đạt được mục tiêu giảm bớt sự chi phối của Nhà nước trong hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh, cũng như hoàn thành tốt nghĩa vụ ngân sách. Chắc chắn là “hàng tốt” thì lúc nào cũng có người săn tìm, còn “hàng xấu” thì dù bán rẻ cũng sẽ khó tìm được người mua.
Việc niêm yết, thoái vốn các doanh nghiệp sau cổ phần hóa không chỉ mang thêm về cho ngân sách nhà nước nguồn thu bổ sung đáng kể mà còn làm tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, giảm nguy cơ tổn thất cho Nhà nước khi vẫn phải rót thêm vốn hay tiếp tục bảo lãnh cho doanh nghiệp hoạt động mặc dù, về danh nghĩa, các doanh nghiệp này đã trở thành doanh nghiệp phi nhà nước (tư nhân) sau cổ phần hóa.
Bởi vậy, không chỉ với những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, ngay cả những doanh nghiệp lớn hơn nhưng đang thua lỗ, “đắp chiếu” thì cũng cần chủ động thoái toàn bộ vốn càng nhanh càng tốt, chấm dứt sự liên quan của Nhà nước với những “lỗ đen” tiêu tốn ngân sách này.
Trở lại với 2 doanh nghiệp lớn trong ngành rượu bia, hiện đã có nhiều khách hàng ngỏ ý mua lại phần vốn nhà nước. Trong danh sách này có những tên tuổi lớn của nước ngoài như Heineken (Hà Lan), Anheuser-Busch (Mỹ), SABMiller (Anh) và Asahi (Nhật). Hai hãng nước giải khát lớn của Thái Lan là Singha và Thai Beverage cũng đăng ký tham gia đấu giá cổ phần của Sabeco.
Đối với doanh nghiệp nội địa, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng nằm trong danh sách nhà đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên, đây chưa phải danh sách cuối cùng, các công ty vẫn có thể đăng ký thêm hoặc rút ra.
Ông Lê Hồng Xanh – TGĐ Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát TP.HCM cho biết: “Sabeco không phân biệt đối tác là công ty nội hay ngoại, cái chính là mức trả giá cao nhất. Chính phủ cũng muốn bán cổ phần Sabeco càng sớm càng tốt”.
Bộ Công thương thông báo Chính phủ dự kiến bán toàn bộ 89,59% cổ phần nhà nước trong Sabeco, có giá trị khoảng 1,8 tỷ USD. Cổ phần sẽ được chia bán trong 2 đợt vào năm 2016 và 2017. Ngoài ra, 82% cổ phần trong Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng được rao bán trong năm 2016 với trị giá khoảng 404 triệu USD.
Ông John Ditty – chuyên gia tại KPMG Vietnam nhận xét, đây là dịp hiếm có để các doanh nghiệp ngoại mua cổ phần tại doanh nghiệp bia dẫn đầu một thị trường. Ngoài ra, ông cho rằng mức chào giá của Chính phủ không phải là quá cao.
Sabeco dự kiến lợi nhuận ròng sẽ tăng 10% lên 3,76 nghìn tỷ đồng (169 triệu USD) trong năm 2016, so với mức 3,42 nghìn tỷ đồng trong năm 2015, gấp đôi tăng trưởng mục tiêu đề ra. Như vậy giá trị cổ phần nhà nước trong Sabeco sẽ cao hơn 11 lần so với lợi nhuận ròng, thấp hơn gần 6 lần so với mức trung bình 62 lần của các thương vụ bán cổ phần bia trên thế giới trong vòng 3 năm qua.
Thương vụ thu hút nhiều sự chú ý từ các ông lớn trong ngành bia ngoại, một phần do Việt Nam là nước có dân số trẻ, thu nhập của tầng lớp trung lưu đang gia tăng và nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực.
Cổ phần hóa DNNN và thoái vốn Nhà nước là những nội dung cốt lõi trong chương trình tái cơ cấu DNNN của Chính phủ. Do đó, trong thời gian qua Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo ban hành nhiều văn bản liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước với niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Sơn – Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các văn bản trên được triển khai chưa thống nhất giữa các ngành và doanh nghiệp. Vì vậy, cần có những giải pháp hiệu quả để triển khai các chính sách mới này, nhằm tạo nên một hiệu ứng tốt cho nền kinh tế, củng cố niềm tin của công chúng đầu tư vào các chương trình cải cách kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
LÊ MINH TRÍ/DNSGCT