CEO Thế giớiNhân vật
Chặng đường trở thành CTO Uber của kỹ sư gốc Việt
Làm nên thành công của dịch vụ chia sẻ xe Uber – start-up lớn nhất thế giới hiện tại, không thể không nhắc đến Thuan Pham – một kỹ sư gốc Việt tại Mỹ, người giữ cương vị Giám đốc Công nghệ (CTO) của hãng.
Đến với “Thung lũng Silicon”
Với sự nhạy bén và niềm đam mê máy tính, từ khi còn học trung học, Thuan Pham đã được nhận vào Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), theo học ngành công nghệ thông tin.
Sau khi tốt nghiệp năm 1991, ông đặt chân đến “Thung lũng Silicon” vào thời điểm mà Internet còn chưa thực sự phát triển. Thuan Pham lần lượt đầu quân cho các công ty công nghệ là HP Labs, Silicon Graphics, DoubleClick và VMWare. Trong đó, công ty phần mềm VMWare là nơi ông gắn bó lâu nhất (8 năm), giúp đội ngũ kỹ thuật viên tăng từ 300 lên 15.000 người. Sau khi dừng làm việc tại đây, Thuan Pham dự định nghỉ ngơi khoảng một năm, nhưng một bước ngoặt đã xuất hiện.
Bị CEO Travis Kalanick “lôi cuốn”
Cuối năm 2012, CEO Travis Kalanick cần một người giàu kinh nghiệm để hỗ trợ quản lý công nghệ cơ bản cho Uber. Biết Thuan Pham nghỉ làm ở VMWare, Travis đã đề xuất gặp gỡ.
“Nếu không thích, tôi sẽ nói không. Nhưng tất nhiên, ai mà lại không thích Travis chứ?”, Thuan Pham nói.
Những cuộc trò chuyện giữa Thuan Pham và Travis Kalanick sau đó giống như cuộc thảo luận giữa hai đồng nghiệp hơn là cuộc phỏng vấn. Travis gửi cho Thuan Pham danh sách các chủ đề mà ông muốn thảo luận, sau đó hai người trò chuyện qua Skype.
“Việc đó khiến tôi nghĩ rằng, ông ấy không tìm người cùng chia sẻ quan điểm của mình, mà tìm một người có suy nghĩ khác biệt, người có thể thách thức ông ấy và là người ông ấy có thể thách thức”, Thuan Pham chia sẻ.
Sau 2 tuần, các thỏa thuận công việc nhanh chóng được đưa ra và kỹ sư người Việt chính thức bước vào Uber.
Tạo dựng nền tảng kỹ thuật cho Uber
Trong những ngày đầu làm việc tại Uber, Thuan Pham đã chứng kiến ứng dụng này gặp rất nhiều lỗi và liên tục trục trặc chỉ vì một lỗi mã hoá của cá nhân, hoặc một sự cố từ chiếc máy tính nào đó. Ông đã tiến hành xây dựng lại kiến trúc hệ thống. Nhờ vậy, ngay cả khi một bộ phận gặp phải sự cố, thì nền tảng này vẫn có thể hoạt động một cách bình thường.
Dưới sự lèo lái của Giám đốc Công nghệ Thuan Pham, Uber đang xây dựng một hệ thống máy chủ riêng biệt của mình, bên cạnh việc dựa vào các nhà cung cấp dịch vụ thuộc bên thứ 3 như Amzon Web Services để quản lý.
Gần 4 năm gắn bó, Thuan Pham đã phát triển đội ngũ kỹ thuật của Uber từ 40 người lên 1.200 người, vận hành nền tảng xử lý hơn 30.000 chuyến đi mỗi ngày cho hàng triệu người trên toàn thế giới.
Chặng đường phía trước
Thực tế, trong 6 tháng đầu năm nay, mảng kinh doanh của Uber không mấy sáng sủa khi đã thua lỗ gần 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh tỷ phú Donald Trump vừa đắc cử, Uber đang đứng trước một lợi thế lớn nếu tân Tổng thống thực hiện tuyên bố trước đó của mình – cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ từ 35% xuống còn 15%.
Với Uber, chính sách thuế này sẽ rất hấp dẫn, giúp Công ty có thể an tâm đưa các khoản lợi nhuận về Mỹ, thay vì chuyển ra nước ngoài. Thêm vào đó, khi Uber muốn IPO, start-up này có thể sẽ được định giá ở mức cao hơn.
“Kế hoạch của Trump là khai thông dòng tiền trong giới kinh doanh. Đây là một tín hiệu tích cực cho thị trường IPO”, Kathleen Smith, đồng sáng lập của Renaissance Capital cho biết.
Là start-up giá trị nhất thế giới hiện nay, với giá trị vốn hóa thị trường lên tới 68 tỷ USD, Uber đang hướng tới giải quyết những vấn đề toàn cầu.
“Uber dự định cung cấp nền tảng dịch vụ trên phạm vi toàn thế giới. Đây là động lực thúc đẩy tôi xây dựng một nền tảng có thể mang mọi thứ tới cho bạn chỉ trong vài phút”, Thuan Pham cho biết.
Chặng đường sắp tới, có lẽ CTO gốc Việt sẽ càng gặp nhiều hơn nữa những cơ hội mới và cả những thách thức mới.