Cách sốngSống

Ám ảnh ngày sinh trong ca từ Trịnh Công Sơn và thơ Trương Đăng Dung (*)

“Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”

(Gọi tên bốn mùa – Trịnh Công Sơn)

“Ngày ta sinh là ngày đầu tiên ta nằm bệnh viện”

(Những kỉ niệm tưởng tượng – Trương Đăng Dung)

Ngày sinh là khoảnh khắc thiêng liêng của đời người, là lúc ta cất tiếng khóc chào đời trong niềm hân hoan chờ đợi của những đấng sinh thành, là thời điểm bắt đầu một chu kì sống, bắt đầu những tháng ngày hạnh phúc và tươi đẹp. “Cao cả thay cáichức vị làm người trên trái đất” (Maksim Gorky).

Nhưng nếu nhìn theo một chiều kích khác, ngày sinh cũng là ngày khởi đầu cho một chuỗi dài đau khổ, là giây phút con người bị buộc phải đối diện với bao nhiêu tăm tối của cõi đời, bao nhiêu băng giá của lòng người để rồi lúc nào cũng nơm nớp trong lo âu, sợ hãi. Người xưa nói rằng “Nhân sinh lạc địa thời, vị tiếu dĩ tiên khốc” (con người ta lúc sinh ra đời chưa cười thì đã khóc).

Tiếng khóc ấy phải chăng là dự cảm cho bao nhiêu bất an, phiền muộn mà con người phải chịu đựng trong cuộc đời? Vì lẽ ấy mà Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều – người chịu ảnh hưởng sâu sắc triết thuyết Phật giáo – đã viết trong “Cung oán ngâm khúc”: “Đòi những kẻ thiên ma bách chiết/ Hình thì còn bụng thác đòi nhau/ Thảo nào khi mới chôn nhau/ Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra!”. Còn đối với J.P. Sartre – nhà văn hiện sinh nổi tiếng người Pháp thế kỉ XX – thì lúc con người sinh ra cũng là lúc “bị ném vào thế giới hiện sinh như một thách thức, con người là một thực thể đơn côi, bé nhỏ và bơ vơ”. Xuất phát từ quan niệm này, trong sáng tác của nhiều nghệ sĩ, ngày sinh đã trở thành một nỗi ám ảnh, một niềm day dứt khôn nguôi.

Phác họa chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (ảnh Internet)

Với Trịnh Công Sơn (1939-2001)- người nhạc sĩ tài hoa của nền tân nhạc Việt Nam, ngày sinh được đón đợi bằng một tâm trạng u uất, khắc khoải. Một con người ra đời không phải là tin mừng khi được hiện hữu giữa cõi người mà là tin buồn vì phải mang nặng kiếp người với bao nhiêu cô đơn, sầu muộn “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiêp người” (Gọi tên bốn mùa).

Tiếng khóc chào đời vì lẽ ấy là tiếng khóc đau thương – nỗi đau thương như được dồn nén từ tiền kiếp “Tiếng khóc ban đầu còn đau, còn đau, còn đau” (Lời mẹ ru). Nó không phải là “phúc âm” (tin mừng, tin lành) mà là “phúc âm buồn”. Tiếng khóc ấy phải chăng là nỗi đau Trịnh Công Sơn dành cho con người với vô vàn những uất hận, chua xót mà họ đang hứng chịu? Đọc Trịnh Công Sơn, còn bắt gặp một nỗi day dứt, buồn đau cho sự mỏng manh, chóng vánh của kiếp người “Sống chết mong manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non” (Giọt lệ thiên thu).

Ý thức được bước chân lạnh lùng của thời gian, quy luật vô thường của tạo vật, ông thường xuyên mang nặng trong lòng nỗi buồn quán trọ trần gian, nỗi xót xa cho sự ngắn ngủi của kiếp người. Con người khi vừa mới sinh ra đã phải hứng chịu một thân phận “cát bụi”: bé nhỏ, hư vô và ngay lập tức đã mang nặng nỗi ám ảnh về cái chết “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi” (Cát bụi).

Hồn nhạc Trịnh Công Sơn dường như có những tương đồng với hồn thơ Trương Đăng Dung, một thi sĩ đến với thơ một cách khá khiêm nhường. Bình thản lập cho mình một cõi thi ca riêng, Trương Đăng Dung đã góp vào vườn thơ đương đại những thi phẩm thấm đẫm vẻ đẹp triết lý và tinh thần nhân văn – những đóa hoa bình dị, thanh tao và thoang thoảng hương thơm làm say đắm lòng người.

Cũng như Trịnh Công Sơn, nỗi ám ảnh ngày sinh thường trực trong cõi thơ Trương Đăng Dung. Với nhà thơ của “Những kỉ niệm tưởng tượng”, ngay từ lúc còn hoài thai con người đã phải vật vã trong muôn vàn mối hoài nghi, trăn trở “Tôi có tác phẩm đầu tay là tiếng khóc chào đời sau chín tháng ngồi im tập xếp hình dấu hỏi” (Tự bạch). Tiếng khóc ấy, vì thế là hệ quả của những buồn bã, thương đau mà con người đã dự cảm được thuở còn chưa ra đời, của bao nhiêu câu hỏi về cuộc đời đã chìm trong bế tắc, vô vọng.

Trong thơ Trương Đăng Dung thường nghe vang vọng một tiếng thở dài não nuột, xót xa cho bao nhêu bi kịch của con người. Giây phút con người cất tiếng khóc chào đời cũng là giây phút họ phải đối diện ngay với một “thời đại mất chúa”, một thế giới nhàu nát bởi nghèo đói, bệnh tật, bạo lực, ô nhiễm… Cho nên từ lúc sinh ra, con người đã là một con bệnh ngắc ngoải với một tâm hồn đầy nhàu nhĩ, bất an “Ngày ta sinh là ngày đầu tiên ta nằm bệnh viện”(Những kỉ niệm tưởng tượng); đã mang nặng một mặc cảm cô đơn, lạc lõng; cảm thấy trống rỗng, xa lạ với tất cả, xa lạ với chính bản thân mình, trở thành kẻ tha nhân ngay từ trong bản thể “Thế rồi chúa đi, tôi chưa biết mặt người/ một trưa tháng Năm tôi đã ra đời/ vừa mở mắt gặp mặt trời như lửa” để rồi “Tôi lớn lên ngơ ngác cõi người/ tình thương, thù hận, buồn, vui”(Chúa đã ra đi).

Nhà thơ Trương Đăng Dung (ảnh Internet)

Trong đời thực, Trịnh Công Sơn và Trương Đăng Dung chưa từng gặp nhau, giữa họ dường như cũng chẳng có một sự liên hệ gì trong cuộc sống, vậy mà trong nghệ thuật, họ lại là hai tâm hồn đồng điệu. Vượt lên trên tất cả mọi giới hạn, mọi định kiến về chính trị, giai cấp, tôn giáo… hai người nghệ sĩ ấy đã gặp nhau trong một tấm lòng chung đau đáu hướng đến con người, đau nỗi đau của con người, yêu tình yêu của con người.

Nỗi ám ảnh ngày sinh của họ cũng không gì khác hơn là sự âu lo, trăn trở cho thân phận con người – con người “trong sự mong manh của kiếp sống, trong sự bất hạnh tột cùng và niềm hạnh phúc tột đỉnh của nó” (Trương Đăng Dung). Tấm lòng ấy, nỗi đau ấy làm nên giá trị nhân văn lấp lánh trong âm nhạc và thi ca của họ. Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng nói Tôi không thể nào tưởng tượng nổi một nghệ sĩ mà lại không mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống và nhất là tình yêu thương con người. Tình yêu này của người nghệ sĩ vừa là một niềm hân hoan say mê, vừa là một nỗi đau đớn, khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người chung quanh mình”. Điều này đúng với Trịnh Công Sơn và Trương Đăng Dung, những nghệ sĩ chân chính của nền văn nghệ Việt Nam hiện đại.

Tuy Hòa, tháng 4 năm 2014

Hồ Tấn Nguyên Minh

Comments

comments

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close