Thương hiệu
BMW đổi mới để thành công
Helmut Panke, kỹ sư về vật lý hạt nhân, khởi đầu sự nghiệp của mình là nhà tư vấn cho hãng McKinsey. Năm 1983, ông vào làm tại BMW và năm 2002 được nhận chức giám đốc điều hành.
Trả lời phỏng vấn tờ BusinessWeek đầu tuần này, Giám đốc điều hành tập đoàn Bavarian Motor Works (BMW) Helmut Panke cho biết, mục tiêu của hãng vào năm 2008 là đạt doanh số 1,4 triệu xe ôtô, gấp 1,4 lần so với hiện nay.
- Thưa ông, mục tiêu này sẽ đạt được bằng cách nào?
- Gần đây, có một xu hướng rõ ràng là khách hàng có thị hiếu về nhiều mẫu xe mới. Vì vậy, muốn thành công trong kinh doanh, các tập đoàn ôtô phải liên tục đổi mới, sáng tạo nhằm làm thoả mãn tất cả nhu cầu của “thượng đế”.
BMW sẽ chia nhỏ thị trường ra để từ đó tung vào mỗi thị trường một số sản phẩm phù hợp. Bằng cách này, doanh số sẽ tăng nhanh và hạn chế được rủi ro.
- Tại sao BMW mới đây tuyên bố sẽ tập trung vào các loại xe cỡ nhỏ?
- Tất cả số xe được BMW phát triển đều có chung mục tiêu là đảm bảo được một tỷ lệ lợi nhuận đầu tư (ROI) nhất định, bất kể đó là một chiếc thể thao đa dụng X3, xe Series 7 sang trọng, hay chiếc Rolls-Royce quý phái. Với xe cỡ nhỏ, chi tiêu về thiết kế, trang trí là rất cao và lợi nhuận trong giai đoạn đầu của sản phẩm là thấp.
Tuy nhiên, BMW đã liên tục tiết kiệm chi phí, chú trọng vào khâu nghiên cứu phát triển vì vậy xe cỡ nhỏ – đang bán khá chạy – vẫn đem lại một số lãi nhất định. Chẳng hạn, chúng tôi đã sử dụng chung một động cơ cho các model BMW Series 3, 5, 7, X5 và Z4…
- Mới đây, BMW cho biết sẽ phát triển xe Series 1. Ông có thể giải thích rõ thêm?
- Chủng loại Series 1 có ưu điểm vượt trội về kích cỡ và được nhiều khách hàng ưa chuộng, cho rằng đó mới thực sự là xe BMW. Thêm vào đó, xe Series 3 đến nay gần như đã hết chu kỳ vòng đời sản phẩm – nhường chỗ cho Series 5 và các model khác, Series 1 là sự lựa chọn hợp lý. Chắc chắn nó sẽ bán chạy.
- Trong bối cảnh thị trường ôtô đang cạnh tranh gay gắt, BMW sẽ nâng thị phần với các hãng khác, chẳng hạn Mercedes, như thế nào?
- Điều tuyệt vời nhất với công nghiệp ôtô Đức chính là sự khác biệt giữa BMW và Mercedes. Cả hai hãng cùng đua nhau đổi mới công nghệ, nhưng xu hướng khách hàng chuyển từ BMW sang Mercedes hay từ Mercedes sang BMW là rất hạn chế. Chúng tôi cùng cố gắng tăng trưởng doanh thu trong một thị trường rộng lớn.
- Nhiều người cho rằng văn hoá chính là một yếu tố dẫn đến thành công của BMW, ông có thể lý giải điều này?
- Tất cả các bộ phận của BMW đều rất cạnh tranh, có trật tự rõ ràng. Tại đây, mỗi thành viên của BMW đều có được sự tự do tối đa cho việc hoàn thành công việc, họ không vướng phải bất kỳ lực cản nào. Các trưởng phòng có quyền quyết định toàn bộ công việc mà không phải thông qua hội đồng… Quy trình quản lý này cũng là niềm tự hào của tập đoàn và là yếu tố thu hút tôi rời bỏ hãng McKinsey, chuyển vào BMW.
Xin được nói thêm rằng, theo điều 7 của quy chế dành cho nhân viên BMW – một điều khoản đã nổi tiếng tại Đức – mỗi trưởng phòng phải tạo được không khí làm việc vui nhộn trong tổ chức.
Tôi rất yêu công việc hiện tại của mình.