Kinh doanhThương mại điện tử

Ăn sáng bằng bạch tuộc: Jeff Bezos đã bộc lộ chiến lược M&A “tàn nhẫn” tại Amazon

“Anh chính là món bạch tuộc mà tôi ăn trong sáng nay. Khi nhìn vào thực đơn, anh là thứ tôi muốn biết, là thứ tôi chưa bao giờ có được. Vì vậy, tôi phải ăn bằng được món bạch tuộc ấy”.

Ăn sáng bằng bạch tuộc: Jeff Bezos đã bộc lộ chiến lược M&A "tàn nhẫn" tại Amazon

Vừa qua, Amazon đã đưa ra một tuyên bố gây chấn động, khi quyết định thâu tóm Whole Foods Market – chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn thứ 6 nước Mỹ, với mức giá kỷ lục lên tới 13,7 tỷ USD. Đây được xem là thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử của Amazon.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên ông lớn này khiến giới tài chính phải bất ngờ vì những thương vụ M&A như vậy. Bởi trong gần 23 năm hoạt động – kể từ khi được thành lập bởi CEO Jeff Bezos, Amazon từng vung tiền thâu tóm hơn 70 công ty các loại.

Và một trong những câu chuyện thú vị liên quan tới hoạt động M&A của Amazon vẫn được người ta nhắc đi nhắc lại cho tới nay đó là sự kiện Matt Rutledge bán lại công ty TMĐT Woot cho Amazon với giá 110 triệu USD vào năm 2010.

Câu chuyện sau này được chính Rutledge kể lại, về buổi gặp gỡ đầu tiên giữa ông và Bezos – khi thoả thuận mua bán Woot đã được ký kết.

Đó là một buổi sáng thứ hai, khi Rutledge đã phải bay cả tối chủ nhật từ Dallas để đến được chỗ của Jeff Bezos ăn sáng.

Trước đó, mọi chuyện tưởng chừng như đã êm xuôi khi Rutledge vừa kí kết xong hợp đồng làm việc với Amazon trong 3 năm tới. Nhà sáng lập này cho rằng, đây sẽ là một dịp quan trọng để Bezos và ông bàn về tương lai của trang TMĐT Woot.

Thế nhưng, sự thực đây lại là một buổi gặp mặt tương đối nhàm chán. Bởi trong suốt cuộc nói chuyện, ông chủ của Amazon gần như không hề đả động gì tới chiến lược dành cho Woot, cũng như vị trí của Matt Rutledge trong tương lai.

Bezos chỉ hỏi bâng quơ: “Anh dạo này sao rồi?”. Rutledge đáp lại: “Tôi không biết nữa, Jeff. Anh cho rằng sau này tôi sẽ ra sao?”.

Và đặc biệt, ngày hôm đó, Bezos đã gọi một bữa sáng khá kì lạ: bạch tuộc Địa Trung Hải nấu với khoai tây, thịt xông khói, sữa chua hành xanh và trứng luộc.

Không đủ kiên nhẫn trước sự thờ ơ của ông chủ mới, Rutledge đã bật ra câu hỏi mà lâu nay ông vẫn đắn đo: “Tại sao anh mua Woot?”.

Bezos ngừng lại một chút, rồi đáp: “Anh chính là món bạch tuộc mà tôi ăn trong sáng nay. Khi nhìn vào thực đơn, anh là thứ tôi muốn biết, là thứ tôi chưa bao giờ có được. Vì vậy, tôi phải ăn bằng được món bạch tuộc ấy”.

Câu trả lời của CEO Jeff Bezos đã phần nào bộc lộ suy nghĩ của ông về chiến lược kinh doanh tại Amazon, cũng như cách họ M&A các công ty khác.

Được biết, tên miền Woot.com ban đầu được Matt Rutledge mua vào năm 2003 với số tiền khoảng 6.000 USD. Mục tiêu của trang TMĐT Woot là rao bán những món đồ chưa ai từng rao bán.

Mỗi ngày, trang web này chỉ đăng tải duy nhất một món đồ và phải là món đồ thật kì dị. Đó có thể là một món phụ kiện, nhưng cũng có thể là một chiếc bánh xe được làm bằng phô mai. Điểm chung của các mặt hàng này là chúng có giá bán rất rẻ, hầu như chỉ vài giờ sau khi đăng tải là đã được bán hết vì quá rẻ.

Còn với những món đồ không bán được, Woot đưa chúng vào một túi gọi là Túi Phân, rồi bán cả lố cho khách với giá rẻ bèo.

Chính sự kì dị này đã giúp trang TMĐT này thành công ngoài sức tưởng tượng, khi trước đó nhiều chuyên gia nói rằng Woot đã phá vỡ hầu hết các quy tắc của ngành bán lẻ.

Hàng đêm, khi đồng hồ đã điểm 12 giờ, một món đồ mới lại được đẩy lên – cả một cộng đồng những người lập dị lại tranh nhau đặt hàng trên Woot.

Ở thời điểm vàng son của mình, trang TMĐT này thu hút cả triệu lượt khách mỗi ngày, đồng thời biến Matt Rutledge thành một “ngôi sao” thực thụ. Thành công của Rutledge được khẳng định vào năm 2008, khi doanh thu hàng năm của Woot lên tới 164 triệu USD.

Thời điểm đó, Amazon đã sớm góp một phần vốn vào Woot, và đi đến quyết định thâu tóm toàn bộ công ty này. Hai năm sau khi Amazon mua lại Woot vào đúng bữa sáng “bạch tuộc” hôm đó, Rutledge rời công ty trước thời hạn thời hạn hợp đồng.

Chính sức ép phải làm việc dưới sự giám sát chặt chẽ của Amazon đã khiến Rutledge muốn rút lui, bởi phong cách này đã làm mất đi bản sắc vốn có của Woot.

Quay trở lại câu nói của Bezos về món “bạch tuộc”, người ta có thể phần nào lý giải tại sao Amazon lại mua Woot. Sự thật là CEO của Amazon chưa từng hiểu về Woot và cho rằng đây là một trang TMĐT thú vị.

Do đó, thay vì tôn trọng phong cách của Woot và học hỏi từ đó, Amazon lại cố gắng thay đổi bản chất trang TMĐT này. “Tới giờ nghĩ lại, để có được bữa sáng cho Jeff Bezos ngày hôm đó, người ta đã phải giết con bạch tuộc trước”, Rutledge nói.

Chu Lang

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close