SốngSống khỏe

Bác sĩ báo động đỏ cứu doanh nhân đột quỵ giữa đêm

Anh Huy bị đột quỵ được các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cứu sống nhờ quy trình báo động đỏ.

phat-tin-hieu-bao-dong-do-cuu-doanh-nhan-sai-gon-dot-quy-luc-nua-dem

Sau điều trị, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, cơ thể bình phục gần như hoàn toàn. Ảnh: TT.

Anh Huy 42 tuổi là chủ một doanh nghiệp tư nhân tại TP HCM, bị đột quỵ vào nửa đêm 15/9. Đến 2h sáng người nhà phát hiện bệnh nhân liệt nửa người bên trái, méo mặt, khó nói, mắt đờ, đầu ngoẹo sang một bên. Nam doanh nhân nhanh chóng được đưa đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cấp cứu.

Tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, kíp trực đã kích hoạt quy trình báo động đỏ về đột quỵ nhằm tranh thủ từng phút cứu người bệnh. Ê kíp cấp cứu gồm các y bác sĩ từ Khoa Cấp cứu, Đơn vị đột quỵ Khoa Thần kinh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp mạch máu não. Kết quả chụp CT, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu vùng thân não, tắc động mạch đốt sống thân nền (động mạch lớn trong não). Người bệnh nhanh chóng được xử trí, tiêm thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch và chuyển lên phòng can thiệp.

Trực tiếp tham gia ê kip can thiệp, bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Quốc Tuấn, Khoa Ngoại Thần Kinh, cho biết kết quả chụp mạch máu xóa nền DSA tại phòng phẫu thuật khẳng định anh Huy bị tắc động mạch thân nền. Các bác sĩ đã tiến hành tái thông động mạch bị tắc bằng kỹ thuật dùng ống thông lớn hút huyết khối và kéo cục máu đông ra ngoài bằng stent. Quá trình tái thông thành công chỉ sau 30 phút. Người bệnh phục hồi nhanh, khoảng 6 tiếng đồng hồ sau đã nói chuyện được dù còn hơi ngọng, giảm yếu liệt nửa người, tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Đến nay nam doanh nhân đã hồi phục gần như bình thường, nói chuyện rõ, không yếu liệt chi, tỉnh táo hoàn toàn.

phat-lenh-bao-dong-do-cuu-doanh-nhan-tre-sai-gon-dot-quy-luc-nua-dem-1

Ảnh chụp quá trình can thiệp hút và rút huyết khối mạch máu não cho bệnh nhân.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam, chiếm hơn 20% trường hợp tử vong mỗi năm. Ước tính hàng năm nước ta có hơn 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% tử vong. Thống kê tại Mỹ ghi nhận từ 80 đến 85% trường hợp đột quỵ là nhồi máu não, phân nửa trong số đó do tắc các mạch máu lớn trong não.

Bác sĩ Tuấn nhìn nhận các ca đột quỵ nói chung cũng như đột quỵ lấp mạch não như trường hợp anh Huy có nguy cơ tử vong khá cao (từ 10 đến 20%), khả năng di chứng tàn tật vĩnh viễn rất cao (hơn 80%) nếu không được điều trị kịp thời. Với những tiến bộ trong điều trị đột quỵ hiện nay, nếu nạn nhân đột quỵ do tắc mạch máu não lớn đến bệnh viện sớm trong thời gian vàng từ 4 đến 6 giờ, được điều trị bằng thuốc tan huyết khối và can thiệp tái thông mạch não thì cơ hội hồi phục cơ bản hơn 50%.

Theo bác sĩ Nguyễn Bá Thắng, Trưởng đơn vị Đột quỵ, phần lớn người đột quỵ không đến được bệnh viện trong thời gian vàng. Ở Mỹ, ước tính chỉ 10% ca đột quỵ lấp mạch não vào viện kịp thời gian vàng để được điều trị tái thông mạch. Ghi nhận tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, tỷ lệ người đột quỵ nhập viện cấp cứu sớm trong vòng 6 giờ kể từ khi khởi phát chỉ khoảng 5%. “Chạy đua với thời gian là vấn đề khó khăn nhất trong điều trị loại bệnh lý này”, bác sĩ Thắng chia sẻ.

Tăng khả năng cứu chữa người bệnh, đồng thời tiết kiệm thời gian tiếp nhận và can thiệp điều trị, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM đã triển khai Đơn vị cấp cứu đột quỵ với quy trình báo động đỏ sẵn sàng làm việc 24/24. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Anh, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh nhìn nhận nhờ có được sự phối hợp đồng bộ và nhanh chóng từ các chuyên khoa như Cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh, Nội thần kinh, Đơn vị đột quỵ, Can thiệp mạch não Ngoại thần kinh và lực lượng trực đêm, viện tiếp nhận và xử trí kịp thời các ca đột quỵ.

”’Có bệnh nhân đột quỵ, hệ thống báo động sẽ được khởi động khẩn cấp, trung bình chẩn đoán và điều trị ngay trong vòng 15 đến 30 phút”, bác sĩ Minh Anh nói.

Video Kỹ thuật kết hợp hút và rút huyết khối điều trị đột quỵ

Trần Ngoan

Theo VnExpress

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close